08/09/2016 09:17 GMT+7

Tầm nhìn thế nào mà làm đường không tính mai sau?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Câu chuyện dở khóc dở cười về Bệnh viện Nhi Đồng mới của TP.HCM đang gặp bế tắc là không có đường đủ chuẩn dẫn tới bệnh viện, quả là một kinh nghiệm “đắng”...

Dòng xe cộ chen nhau trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, TP.HCM vào giờ cao điểm - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Dòng xe cộ chen nhau trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, TP.HCM vào giờ cao điểm - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Nhìn ra khỏi cái hộp” chính là một cái phải có trong mọi quy hoạch. Chỉ khi đó mới nhìn xa hơn ngày hôm nay, hay ngày mai, ngày mốt!

Bệnh viện Nhi Đồng mới của TP.HCM đang xây ở huyện Bình Chánh, theo kế hoạch sẽ được khánh thành đưa vào hoạt động cuối năm nay nhưng lại chưa có đường - cho - ra - đường để vào.

Đúng ra thì hiện cũng có hai con đường dẫn tới đây, gồm đường song hành Tân Tạo - Chợ Đệm và đường kênh 10, song con đường đầu tiên thì đang thi công cầm chừng, còn con đường thứ nhì vẫn còn là đường đất đá lởm chởm với hàng trăm ổ trâu trên đường, nước đọng thành vũng lớn.

Đáng tiếc là cái thực tế “khó tin nhưng có thật” đó cứ im ỉm cho tới buổi “làm việc” của chủ tịch UBND TP mới đây, thì những người được giao trách nhiệm mới lên tiếng.

Chủ tịch một tổng công ty xây dựng thừa nhận trách nhiệm trong việc chậm làm đường kết nối với bệnh viện, còn một phó giám đốc Sở Giao thông vận tải thì quả quyết “nếu quyết liệt làm” đường ngay bây giờ thì giữa năm tới sẽ xong đường. Không phải cắc cớ hay truy bức gì, song không thể không thắc mắc: nếu như không có buổi làm việc đó, tới chừng nào mới hay biết chuyện này?

Ở góc độ quản trị, nhất thiết phải đặt một số câu hỏi. Đầu tiên là: có một ai đó, một bộ phận nào phụ trách việc “đứng” trước một cái bảng kế hoạch - chương trình nêu rõ các công việc đang làm trong toàn thành phố này cùng lịch trình thực hiện, để mà theo dõi tiến độ và “hỏi han” cập nhật?

Kế đến: có ai hay một bộ phận nào đó đảm nhiệm việc nhìn ra, suy nghĩ “khỏi cái hộp”? Thú thiệt, khi đọc dự án xây dựng bệnh viện này, với những chi tiết như “bệnh viện được thiết kế khu nội trú 8 tầng với chiều cao 43,6m và các công trình phụ... quy mô từ 1 - 3 tầng...

Ngoài phần xây dựng phục vụ chuyên môn điều trị, bệnh viện còn có bãi trực thăng, hệ thống cảnh quan, cây xanh, khu vui chơi, giải trí cho trẻ em...”, sẽ dễ sa đà vào những “vẽ vời” tỉ như có bãi trực thăng..., rồi tầm nhìn kẹt luôn trong “cái hộp”, mà quên “nhìn ra khỏi cái hộp” để rồi quên nhớ tới vụ đường sá dẫn vô!

Trở lại vấn nạn giao thông ở thành phố này, có là thái quá khi cho rằng một trong những nguyên nhân “nguyên thủy” của nạn kẹt xe chính là do các con đường đều đã được quy hoạch quá khiêm tốn?

Các quận “cũ” trong nội thành không cách chi mở rộng đành chịu trận là lẽ đương nhiên, song các quận mới ở ngoại thành, như quận 2, 7, 9, tức những quận của thế kỷ 21, quỹ đất ban đầu vẫn còn là bao la, nếu có phải giải tỏa đền bù vào lúc đó thì chi phí vẫn còn nhẹ, mà vẫn cứ quy hoạch, rồi làm đường chật hẹp y hệt trong thế kỷ 20, thì nay có kẹt xe khỏi nhúc nhích cũng là tất nhiên thôi! Tỉ như đường Lương Định Của bên quận 2 (làm xong đã lâu), đường Nguyễn Hữu Thọ bên quận 7 làm mới cách đây gần hai năm (cùng cầu Kênh Tẻ)... vẫn cứ phải gồm chỉ một làn xe hơi, một làn xe máy!

Nếu so sánh bề rộng các con đường quận 2, 7 với quận Cầu Giấy (ở Hà Nội, nơi đang đón các trụ sở di dời từ nội ô) chẳng hạn, sẽ phải tự hỏi: sao ở ngoài đó người ta “kẻ đường” rộng dữ vậy?

Đơn giản thôi: (1) làm đường là cho (các thế hệ) mai sau chớ không phải cho hôm nay; (2) khi còn là quận mới, dân cư chưa đông đúc, đất đai còn rẻ, tội lệ gì mà không “kẻ đường” cho rộng?; (3) kẻ đường là để cho mọi người, trong đó có cả ta, cùng đi, về trên các con đường đó!

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên