16/04/2016 08:49 GMT+7

"Về huyện mới tách mà coi, dân rành giá từng chỗ ngồi"

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TTO - "* Ai ai cũng kêu than lương nhà nước thấp không đủ sống mà cứ tranh nhau vào làm công chức nhà nước, thậm chí lo lót để được vào làm. Đua nhau vào chỗ khổ, khó hiểu thật?"

Chi cục Hải quan khu vực 1 - Cát Lái, TP.HCM mở thêm quầy hướng dẫn, giải đáp giúp doanh nghiệp làm thủ tục nhanh, gọn. Đây là một phần cải cách thủ tục hải quan của đơn vị này - Ảnh: Hữu Khoa
Chi cục Hải quan khu vực 1 - Cát Lái, TP.HCM mở thêm quầy hướng dẫn, giải đáp giúp doanh nghiệp làm thủ tục nhanh, gọn. Đây là một phần cải cách thủ tục hải quan của đơn vị này - Ảnh: Hữu Khoa

Thông tin từ công bố chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) ở Việt Nam mới đây (“Kiểm soát tham nhũng vẫn chưa cải thiện”, Tuổi Trẻ ngày 13-4) đã thu hút nhiều bàn luận từ bạn đọc. Chúng tôi giới thiệu một số ý kiến.

Người dân có thái độ sống chung với tham nhũng và mức chịu đựng của người dân tăng dần đều. Một chuyên gia đã nhận xét như thế nhân buổi công bố chỉ số PAPI ở Việt Nam, do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và các đối tác thực hiện.

Chẳng cơ thể người nào hoàn toàn không nhiễm bệnh, cũng như chẳng có nhà nước nào thoát khỏi hoàn toàn vấn nạn tham nhũng. Tuy nhiên, có những nhà nước hạn chế được tham nhũng có hiệu quả và có những nhà nước bị tham nhũng đục khoét, thao túng mà không chống đỡ được.

Không thể bảo đảm triệt tiêu tham nhũng trong bộ máy nhà nước có nghĩa là xã hội, người dân phải đương đầu hay, mượn từ dùng của chuyên gia, phải sống chung với tham nhũng chứ không có sự lựa chọn.

Nhưng sức chịu đựng của người dân đối với tham nhũng tăng dần đều là điều đáng lo, bởi điều đó có nghĩa là người dân phải chấp nhận chi trả ngày càng nhiều hơn mới được việc. Được việc xong, người ta tự nhiên phải tìm cách lấy lại những gì đã mất theo luật vay trả.

Người có được chỗ trong bộ máy, đến lượt mình, sẽ ra tay thu nạp; doanh nhân sẽ đưa những khoản đã chung chi vào giá thành. Rốt cuộc người dân, người tiêu dùng lãnh đủ.

Thật ra ai cũng biết nạn đưa lót tay để xin một chỗ trong cơ quan nhà nước, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, để cho con được học trường tốt..., là có thật và có dấu hiệu tràn lan. Không thể phủ nhận những nỗ lực chống tham nhũng, đặc biệt thể hiện trong các biện pháp cải cách thể chế.

Xây dựng một cửa cung ứng dịch vụ công, tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức thông qua thi tuyển..., là những biện pháp tiêu biểu. Nhưng rồi nạn nhũng nhiễu vẫn chưa có dấu hiệu bị đẩy lùi.

Trong điều kiện tham nhũng không phải là hiện tượng đơn lẻ, cá biệt mà có dấu hiệu phát triển như một thế lực có tổ chức thì việc chống tham nhũng phải được tiến hành quyết liệt, triệt để trên phạm vi toàn hệ thống mới có cơ may phát huy hiệu quả.

Điều quan trọng là phải đơn giản hóa thật sự, minh bạch hóa và công khai toàn bộ thủ tục hành chính. Nếu mở một cửa dịch vụ công, tổ chức thi tuyển chức danh hoành tráng, ồn ào mà vẫn duy trì chuỗi tác nghiệp rườm rà, phức tạp, quan liêu đằng sau đó thì cũng như không.

Mặt khác, kinh nghiệm ở các nước cho thấy một khi ở cấp cao việc chống tham nhũng được thực hiện với quyết tâm mạnh mẽ, thể hiện thành với những vụ án lớn được xử lý chính xác và triệt để, có tính điển hình, tính răn đe, thì ở cấp thấp người có trách nhiệm chắc chắn sẽ chịu áp lực.

Chính áp lực đó trở thành nhân tố cản trở đối với những toan tính, dự định trục lợi cho bản thân bằng cách dựa vào quyền thế. Nó cũng trở thành động lực thôi thúc con người dấn thân trong cuộc chiến chống tham nhũng, với niềm tin về sự yểm trợ, cổ vũ của cả hệ thống, cũng như của toàn xã hội.

Phải diệt tận gốc chuyện “lót tay”...

Trong hơn 250 ý kiến phản hồi của bạn đọc, có nhiều ý kiến bàn luận về câu chuyện phải đưa “lót tay” để xin vào cơ quan nhà nước.

(Phạm Thạch)

* Phần lớn sinh viên ra trường có năng lực thường tự tìm cho mình chỗ làm mà không dựa vào Nhà nước. Số còn lại xách gói về quê và nhờ vả.

Bạn thử về một vùng nông thôn hỏi người dân có biết chuyện này không, câu trả lời chắc chắn là có, thậm chí họ còn rành hơn bạn nữa. Khi tách một huyện mới, bà con rành giá của một vị trí trong cơ quan nhà nước của huyện mới là bao nhiêu. Phải diệt tận gốc chuyện này thì xã hội mới phát triển được. (Lê Văn Vinh)

* Hệ lụy của tình trạng lót tay để vào làm cơ quan nhà nước mới khủng khiếp. Khi chỗ làm được mua bán thì chất lượng tuyển dụng sẽ rất kém, và chất lượng công việc cũng theo đó để ra năng suất lao động cực thấp. Khi đã phải mua chỗ làm, những người này đều tìm cách thu hồi vốn càng nhanh càng tốt và như vậy nhũng nhiễu để kiếm tiền gia tăng, hệ quả là bộ máy nhà nước sẽ trì trệ, quan liêu và tham nhũng. (sonhh2010@...)

*Chỉ khi nào dịch vụ công giao cho doanh nghiệp hoặc các tổ chức không là công chức nhà nước thực hiện, công chức nhà nước chỉ còn chức năng kiểm tra giám sát chỉ ra các sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ công của doanh nghiệp cho người dân thì mới hết nạn vòi vĩnh, chạy chọt trong các cơ quan công quyền. (Trần Ngọc)

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên