10/03/2016 09:45 GMT+7

Ai tham nhũng nhất?

LÊ THANH TÂM
LÊ THANH TÂM

TT - Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh - phó giám đốc Công an TP: “50% vụ buôn lậu được phát hiện ở TP.HCM đều có bóng dáng của nhân viên hải quan”.

Ông Phan Anh Minh đã khẳng định như trên tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 ở TP.HCM tổ chức ngày 8-3. 

Điều này không mới, cách đây vài năm Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đều có công bố các khảo sát cho thấy ngành “hải quan là một trong bốn ngành tham nhũng phổ biến nhất”.

Không đâu xa, mới đây cục trưởng Cục Hải quan An Giang vừa bị cho thôi chức vì để hơn 40 cán bộ cấp dưới bị bắt trong vụ hoàn thuế VAT.

Đáng chú ý là vụ Nguyễn Tường Duy - nguyên cán bộ Đội kiểm soát hải quan Cục Hải quan TP.HCM - bị bắt khẩn cấp hồi tháng 1-2016 bởi cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.

Khám xét nhà Duy, cơ quan chức năng thu giữ nhiều tài liệu, giấy tờ, hàng chục phong bì, trong đó có những phong bì chứa gần 1 tỉ đồng.

Có thông tin cho biết Duy từng bị kỷ luật ở Cục Hải quan An Giang, không rõ tại sao lại “chui” được vào Cục Hải quan TP.HCM với cương vị quan trọng là phòng chống buôn lậu.

Từ lâu lắm rồi, dưới con mắt của người dân, bóng dáng nhân viên hải quan vốn không được thiện cảm cho lắm.

Dân phản ảnh đủ chuyện, có nhân viên hải quan “ăn” từ dăm ba USD đến những khoản tiền kếch sù, không những thông đồng với gian thương, buôn lậu mà còn hạch sách để tìm cách moi tiền những người lương thiện, nhất là đối với các Việt kiều về thăm quê hương.

Doanh nghiệp cũng kêu thấu trời về nạn đòi hối lộ của hải quan. Báo cáo thường niên của VBF cuối năm 2013 cho biết:

“Doanh nghiệp vẫn phải trả phí bôi trơn cho cán bộ hải quan để giải quyết nhanh chóng hoặc bỏ qua các thủ tục thông quan áp dụng với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Cán bộ hải quan nhận hối lộ để làm ngơ trước hoạt động buôn lậu, hàng cấm hoặc khai báo sai khối lượng và chủng loại hàng hóa”.

Có thể nói, bất luận thế nào thì công bố này tới nay vẫn còn nguyên giá trị.

Dân biết, doanh nghiệp biết, chắc chắn cơ quan chức năng và lãnh đạo các cấp đều biết. Biết, nhưng công tác phòng chống dường như chỉ nằm trên giấy hoặc chỉ là cam kết “100% cán bộ, đảng viên hải quan nói không với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng”.

Nói suông thì đâu có giá trị, điều quan trọng là phải có giải pháp cụ thể với những chương trình hành động quyết liệt.

Chống tham nhũng đúng là rất khó, khó không có nghĩa là không làm được. Nếu lãnh đạo ngành hải quan quan tâm tăng cường kiểm tra, năng đi “vi hành” sẽ bắt được khối anh đang cầm tiền của dân.

Giả sử các “sếp” đều là những người nghiêm minh, gương mẫu, trong sáng, thực thi đầy đủ trách nhiệm thì sẽ không có chuyện cấp dưới vi phạm pháp luật hàng loạt như ở Cục Hải quan An Giang.

Ngành hải quan hãy thử đi đầu trong việc kê khai tài sản một cách thực thụ, bỏ hẳn kiểu làm hình thức như tướng Phan Anh Minh phàn nàn, qua đó có thể sẽ phát hiện không ít cán bộ “ôm” vô số tài sản bất minh…

Không thể phủ nhận những tiến bộ trong ngành hải quan, nhất là trang thiết bị, quy trình làm việc, thái độ tiếp xúc dân… Nhưng vẫn còn đó những vấn đề bức xúc liên quan đến con người.

Nhân viên hải quan là hình ảnh đại diện của đất nước, muốn cải thiện được vị thế quốc gia thì phải dứt khoát dẹp ngay những ông tham nhũng đang đứng lù lù trước các cửa khẩu.

LÊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên