27/10/2015 17:48 GMT+7

Có cầu vượt, Hàng Xanh và Lăng Cha Cả kẹt xe nhiều hơn

NGỌC ẨN (ngocan@tuoitre.comvn)
NGỌC ẨN (ngocan@tuoitre.comvn)

TT - Vòng xoay Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh), Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) xây dựng cách đây hai năm nhằm giải cứu kẹt xe hai cửa ngõ TP.HCM. Thế nhưng kẹt xe tại đây lại thường xuyên hơn. Và hai cầu vượt tuổi thọ 50 năm này hóa ra chỉ là giải pháp tình thế.

Kẹt xe từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh về ngã năm Đài liệt sĩ thuộc khu vực Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng
Kẹt xe từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh về ngã năm Đài liệt sĩ thuộc khu vực Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng

Thời điểm tan ca chiều 19-10 từ Flycam cho thấy cầu vượt thênh thang chỉ vài xe chạy trong khi bên dưới hàng ngàn xe chen chúc - Ảnh chụp từ Flycam

Theo ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, việc đầu tư xây dựng cầu vượt bằng thép tại hai nút giao thông Lăng Cha Cả và Hàng Xanh chỉ là giải pháp tình thế.

Từ giờ tan tầm đến chiều tối, khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả luôn là nỗi ám ảnh của người đi đường - Ảnh: THANH TÙNG

Để giải quyết tốt giao thông tại các vòng xoay này cần có giải pháp tổng thể hơn, đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực tài chính.

Cửa ngõ kẹt xe

Vòng xoay Hàng Xanh đứng đầu trong 24 điểm nóng ùn tắc giao thông ở TP.HCM. Nút giao thông Hàng Xanh là cửa ngõ phía đông TP có mật độ xe lưu thông rất lớn, trong đó có đến 16 tuyến xe buýt đi qua nút giao thông này. Đây cũng là tuyến đường người dân TP hướng đến bến xe Miền Đông - nơi có hơn 200 tuyến xe khách liên tỉnh.

Bình thường thoát qua được nút giao thông Hàng Xanh là đã đủ “vã mồ hôi”, nhưng mỗi khi trời mưa tình hình lại càng nghiêm trọng hơn. Đường Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh bị ngập nước khiến toàn bộ mạng lưới đường ở nút giao thông Hàng Xanh như bị nhấn chìm trong “lũ” xe. Nhiều người cho biết lúc đó chỉ còn cách... gọi điện thoại cho gia đình thông báo sẽ về nhà trễ vào lúc tối khuya.

Tương tự, nút giao thông vòng xoay Lăng Cha Cả - cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất - cũng thường xuyên kẹt xe, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Với mật độ xe quá lớn hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất theo đường Trường Sơn - Trần Quốc Hoàn đến vòng xoay Lăng Cha Cả để về trung tâm TP làm nhiều đoạn đường xung quanh vòng xoay này bị ách tắc, nặng nề, nhất là ở giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và giao lộ Trần Quốc Hoàn - Hoàng Văn Thụ ngay dưới dạ cầu vượt Lăng Cha Cả.

Theo người dân, mỗi khi đi qua vòng xoay Lăng Cha Cả không chỉ ngán ngẩm do phải bò từng mét đường mà còn rất lo sợ tai nạn giao thông sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Từ đường Phan Thúc Duyện rẽ vào đường Trần Quốc Hoàn đến vòng xoay Lăng Cha Cả, xe máy buộc phải chạy chen chúc với dòng xe đủ loại, chỉ cần một sự va chạm là có thể dẫn đến tai nạn khó lường. Gần đây nhất là vụ tai nạn xảy ra lúc 11g ngày 15-10, một người chạy xe máy qua giao lộ Phan Thúc Duyện vào đường Trần Quốc Hoàn khoảng 20m thì va quẹt với một xe máy chở hàng chạy cùng chiều, người này ngã xuống đường, lập tức bị xe buýt cán chết.

Giải pháp tình thế

Ngay sau khi hoàn thành mở rộng đường Điện Biên Phủ và nút giao thông Hàng Xanh vào năm 1995, các nhà khoa học dự báo sau 10 năm - tức trước năm 2005 - phải xây dựng cầu vượt, hầm chui tại đây để tránh kẹt xe.

Từ năm 2002 đến 2005 nhiều đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng hệ thống cầu vượt hoàn chỉnh tại nút giao thông này, nhưng do quy mô xây dựng lớn và do thiếu vốn nên các phương án đều bị xếp vào tủ hồ sơ.

Theo Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII), mới đây đơn vị có trình UBND TP về các phương án xây dựng nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ để giải tỏa kẹt xe cho nút giao thông Hàng Xanh và dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm, hiện đang chờ các cơ quan chức năng xem xét quyết định.

Năm 2007, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch nút giao Lăng Cha Cả là xây dựng các đường trên cao từ đường Cộng Hòa chạy dọc đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh). Đến năm 2013 Thủ tướng phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM. Trong đó, nút giao thông Lăng Cha Cả sẽ được đầu tư hai tuyến đường trên cao, đây mới chỉ là quy hoạch và chưa biết bao giờ mới thực hiện.

Trước tình hình kẹt xe ở nút giao thông Hàng Xanh, cơ quan chức năng đề xuất giải pháp trước mắt là cấm ôtô từ đường D2 vào đường D5 vào các giờ cao điểm, bố trí lại các tuyến xe buýt trùng lắp để giảm số lượt xe đi trên tuyến. Cho phép xe máy lưu thông trên cầu vượt thép Hàng Xanh vào giờ cao điểm (sáng từ 6g - 9g, chiều từ 16g - 19g), nâng thêm lan can cầu vượt để đảm bảo an toàn cho người đi đường. Đồng thời điều chỉnh mở rộng vỉa hè đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, chỉnh làn chờ xe tại tiểu đảo trước giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ung Văn Khiêm từ 2 làn xe lên 3 làn để giảm tình trạng xe cộ ùn ứ. Tại giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh - D5, cấm ôtô lưu thông vào đường D5 vào các giờ sáng từ 6g - 9g, chiều từ 16g - 19g hướng từ đường D2 vào D5, lộ trình thay thế là đường D2 - Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - D5.

Xác định vòng xoay Lăng Cha Cả là điểm có xung đột lớn về giao thông, cơ quan chức năng đề xuất tại giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn sẽ lắp đặt dải phân cách ngăn các phương tiện trên đường Phan Thúc Duyện đi thẳng nhằm giảm giao cắt tại giao lộ này.

Cầu vượt chưa mang lại hiệu quả lớn

Theo lãnh đạo Khu quản lý giao thông đô thị số 2, TP.HCM, cầu vượt Hàng Xanh là công trình cấp bách, chỉ kéo giảm một phần kẹt xe.

Ngay khi đưa cầu vượt vào sử dụng, nhiều người dân cho rằng cầu vượt không phải là giải pháp mang lại hiệu quả lớn bởi chỉ cho ôtô lưu thông. “Cầu vượt thì trống trơn, trong khi đó dưới dạ cầu kẹt xe liên miên” - một người dân phản ảnh.

Trước tình trạng này, cơ quan chức năng chấp thuận cho xe máy lưu thông được khoảng một tháng, sau đó lại cấm do nhiều ý kiến lo ngại tai nạn xảy ra ở đoạn lên và đoạn xuống cầu vượt.

Sở Giao thông vận tải TP cho biết để giải quyết ùn tắc giao thông ở vòng xoay Hàng Xanh, về lâu dài sẽ đầu tư mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh theo quy hoạch với lộ giới 30m. Xây dựng cầu vượt tại ngã năm Đài liệt sĩ, mở rộng đường Ung Văn Khiêm để chuyển bớt lượng xe từ cầu Sài Gòn theo đường Ung Văn Khiêm đi cầu Bình Triệu, thay vì hiện nay từ cầu Sài Gòn đi vào nút giao thông Hàng Xanh về cầu Bình Triệu.

NGỌC ẨN (ngocan@tuoitre.comvn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên