05/07/2015 14:51 GMT+7

Người Việt biết tự trào về thói hư tật xấu của mình

NGUYỄN THIỆN
NGUYỄN THIỆN

TTO - Những thói hư tật xấu của người Việt là: ngại thay đổi, làm việc tùy tiện, bệnh hình thức, sĩ diện hão, nể nang, sính ngoại…

Từ những năm đầu tiên của thế kỷ 20 đến nay, nhiều học giả, nhà văn hóa đã nghiên cứu tính cách, tâm lý của người Việt. Ngoài những phẩm chất tốt đẹp, các nhà nghiên cứu còn vạch rõ những thói hư tật xấu của người Việt, đó là: ngại thay đổi, làm việc tùy tiện, bệnh hình thức, sĩ diện hão, nể nang, sính ngoại, đua đòi, kèn cựa, đố kỵ, kỷ luật kém, chen lấn, a dua, ngồi lê đôi mách, thiếu chính kiến, khôn vặt, tự ti, nhổ bậy, xả rác vô tội vạ…

Theo các nhà nghiên cứu thì: (1) Một dân tộc không thể trưởng thành nếu không qua giai đoạn tự nhận thức một cách khoa học, khách quan, trong đó chấp nhận cả những đau xót, xấu hổ; (2) Và tự trào là công cụ hiệu nghiệm, là giải pháp mang ý nghĩa đổi mới tư duy… là bước đi mọi dân tộc phải trải qua trên con đường hiện đại hóa và đặt mình trong cộng đồng nhân loại.

Vậy kỳ vọng của tôi trong 20 năm nữa là người Việt biết tự trào về những thói hư tật xấu trong tính cách, tâm lý của dân tộc mình vì một dân tộc biết tự trào sẽ được sự tôn trọng và yêu mến của cộng đồng các dân tộc khác.

Giải pháp

Tất cả chúng ta đều biết về khái niệm hài hước, đó là kỹ năng vận dụng vốn ngôn ngữ vào tình huống thực tế một cách bất ngờ nhất để tạo tiếng cười. Trong khi mọi người đều biết về hài hước thì có thể nói ở nước ta lại có rất nhiều người chưa hề nghe hai chữ “tự trào” trong khi tự trào được xem là đỉnh cao, là tinh túy của hài hước.

Để người Việt sớm là một dân tộc biết tự trào, theo tôi cần tiến hành các bước sau:

1/ Các học giả, các nhà văn hóa, các nhà nghiên cứu xác định danh mục các thói hư tật xấu của người Việt, nhất là khi đất nước hội nhập, đi ra nước ngoài thì chúng ta càng dễ nhìn thấy nhược điểm của dân tộc mình. 

Bước đầu tiên này là giai đoạn chúng ta tự nhận thức về dân tộc mình, cứ “Nói hết, để biết hết, để chữa hết” (Emile Zola). Cần nhớ là nhà ái quốc Phan Bội Châu đã từng viết  “Tự phán”, và nhà báo - nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh đã mở mục “Xét tật mình” trên Đông Dương tạp chí trong hai năm 1913 và 1914, tức việc tự nhìn nhận đã có từ rất lâu. Sự dũng cảm tự nhìn nhận ra những yếu kém trên phạm vi rộng lớn sẽ mang lại sức vươn lên mạnh mẽ cho một dân tộc.

2/ Xác định theo thứ tự ưu tiên các thói hư tật xấu cần có câu chuyện, câu nói tự trào. Ở đây, cần lưu ý rằng: chỉ riêng mỗi tính keo kiệt, ky bo về tiền bạc, người Gabrovo có hơn 150 câu chuyện để tự cười mình và Gabrovo được xem là thủ đô quốc tế của trào phúng thế giới!

3/ Để người Việt trở thành dân tộc biết tự trào, vai trò tiên phong của các nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, các đạo diễn, các MC, người của công chúng cùng các nghệ sĩ là rất lớn. Các nhân vật trong bộ phim, vở kịch, tiểu thuyết… cần có những câu nói tự trào sâu sắc trong các tình huống dễ nhớ để vừa làm cho tác phẩm thêm hấp dẫn, vừa làm cho tự trào thấm sâu vào lòng người xem, người đọc. Các MC, những người của công chúng cũng rất cần biết tự trào vì những người này ảnh hưởng đến số đông và góp phần quan trọng để dân tộc biết tự trào.

4/ Cần có các cuộc thi sáng tác các câu chuyện tự trào về thói hư tật xấu của người Việt. Mỗi cuộc thi cần tập trung vào vài ba thói tật. Khi chúng ta sáng tác câu chuyện tiếu lâm về mình để tự cười mình hay tự kể lại câu chuyện tiếu lâm mà người khác châm biếm mình một cách vui vẻ thì đó là tự trào.

Như câu chuyện dưới đây mà người Gabrovo kể cho du khách: 

Các bác sĩ trong Bệnh viện Gabrovo phải sử dụng biện pháp truyền máu để cứu sống một người nước ngoài. Khi vừa qua cơn nguy hiểm, người bệnh đền bù hậu hĩ cho người hiến máu Gabrovo.

Nhưng ông ta lại đổ bệnh và bệnh viện lại truyền máu cho ông ta lần thứ 2. Lần này, người bệnh tặng cho người hiến máu số tiền ít ỏi!

Và sau lần truyền máu thứ 3, ông ta chẳng cho cái gì cả! Tất nhiên rồi! Người ta đã truyền cho ông ta máu của người Gabrovo.

Tôi tin rằng qua các cuộc thi, với sự sáng tạo và khả năng hài hước của đông đảo công chúng, chúng ta sẽ có rất nhiều câu chuyện tự trào dí dỏm, hóm hỉnh về những thói hư tật xấu của dân tộc mình.  

Quá trình một dân tộc dám tự trào, hài hước với thói hư tật xấu của mình là quá trình một dân tộc ngày một trưởng thành về nhận thức, đã lớn mạnh về mọi mặt.

5/ Cùng với các công việc có tính tổ chức nói trên để tạo ra các câu chuyện tự trào, cần sưu tầm và hoàn thiện các câu chuyện tự trào từ dân gian vốn có sức sống mạnh mẽ.

Khi người Việt biết tự trào về những thói hư tật xấu của dân tộc mình bằng những câu tự trào “đặc sản” thì sẽ làm cho dân tộc Việt đáng yêu hơn!

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của Việt Nam, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người Việt Nam trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15 tuổi đến 30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện 2 nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015.

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

NGUYỄN THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên