04/07/2015 08:37 GMT+7

20 năm nữa, Việt Nam là đất nước của sách

NGUYỄN THỊ ĐÀO (27 tuổi)
NGUYỄN THỊ ĐÀO (27 tuổi)

TTO - Tôi kỳ vọng rằng 20 năm tới Việt Nam sẽ là đất nước phát triển về sách. Nhà nhà coi trọng sách, người người thích đọc sách.

Học sinh Trường THCS Long Bình Điền hào hứng đọc sách tại thư viện container - Ảnh tư liệu

Thời sinh viên đại học của tôi qua đi rất nhẹ nhàng và nhanh chóng, nhưng cũng chính vì thế mà giờ đây nhìn lại tôi thấy mờ nhạt và cảm giác nuối tiếc vì lãng phí thời gian.

Tôi nhận ra điều đó sau khi tốt nghiệp và rải hàng tá hồ sơ xin việc với hoài bão (nhưng thật ra là “ảo mộng”) lớn lao mà vẫn thất bại liên tiếp, vì sự thật là tôi còn rất thiếu và yếu về kiến thức.

Lỗi của tôi chính là việc đã không chăm chỉ đọc nhiều sách và trau dồi kiến thức toàn diện hơn. Thậm chí đã có lúc tôi ước nếu được quay ngược thời gian sẽ đọc thật nhiều, học thật nhiều thay cho việc ngủ nướng, xem phim hay chơi trò chơi trên điện thoại hoặc máy tính.

Giờ đây tôi đang cố gắng từng ngày để thay đổi điều đó, cố gắng để 20 năm nữa nhìn lại mình sẽ không hối hận và nuối tiếc thời gian của những năm tháng đã qua.

Là một người trẻ tuổi, tôi cũng mang nhiều ước mơ cho riêng mình và cho đất nước mình. Tôi kỳ vọng rằng 20 năm tới Việt Nam sẽ là đất nước phát triển về sách. Nhà nhà coi trọng sách, người người thích đọc sách. Ở đó, sách không chỉ là phương tiện học tập thu nạp tri thức mà còn trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi người. Và trên hết, nhờ đó mà xã hội Việt Nam nổi lên là một xã hội giàu tri thức.

Có người nói “Sách giúp người ta thoát được những ràng buộc về không gian, thời gian, những điều kiện cụ thể để bước vào một thế giới khác. Thế nên mới có văn để tải đạo, cũng có văn để đọc chơi”.

Trong 20 mươi năm tới, khi Việt Nam là một quốc gia của sách, mỗi gia đình đều coi việc mua sách mới và thành viên trong gia đình đọc sách như một thói quen cập nhật và trau rồi kiến thức thì chúng ta dễ dàng nhận ra cuộc sống ngày càng văn minh và phát triển tích cực nhường nào. Khi đó, trẻ nhỏ luôn lễ độ và có định hướng trong tương lai, người trưởng thành giàu tinh thần trách nhiệm và yêu thương, người già bớt cô đơn và trường thọ… Con người luôn hoàn thiện mình trong xã hội phát triển tiến lên mạnh mẽ nhờ thay đổi chiến lược đầu tư - đầu tư trí tuệ, đầu tư chất xám bằng một trong những con đường tất yếu và hàng đầu là thông qua việc đọc sách như A. Puskin từng nói “Đọc sách là cách học tốt nhất”.

Những giải pháp đề xuất

Xuất phát từ chính tấm lòng và tự bản thân mỗi người

Tất cả chúng ta, trước hết hay bằng chính cảm nhận của mình nhìn nhận thực tế về sự nghèo nàn trong văn hóa đọc sách hiện nay, thừa nhận những hạn chế và yếu kém này để hướng đến một sự thay đổi hoàn toàn có khả năng thực hiện trong thực tế.

20 mươi năm không quá dài nhưng cũng không quá ngắn để tạo thành một quá trình hình thành và phát triển một thói quen hay tư duy nào đó.

Như có người nói: “Biết được văn hóa đọc và giáo dục của Nhật Bản phát triển từ 300 năm trước, chúng ta chắc không còn quá ngỡ ngàng trước sự trỗi dậy mạnh mẽ và đột ngột của Nhật Bản, nhưng vẫn phải cực kỳ ngạc nhiên và ngã mũ nhiều lần trước dân tộc văn hóa này. Darwin nói ở đâu đó rằng Nhật Bản là một kỳ quan thế giới. Đối với người Nhật, đọc sách là để khai minh, vươn lên bằng thiên hạ. Đọc sách là thuộc tính của một dân tộc văn hóa có ý thức để không ngừng phát triển và hoàn thiện mình. Một ngàn năm trước họ đã học Trung Hoa. Một ngàn năm sau họ học phương Tây. Họ không sợ học của kẻ thù mà chỉ sợ vô minh vì không học”.

Nâng cao văn hóa đọc cho toàn xã hội

Nước ta cần chú trọng hơn nữa về văn hóa đọc sách và thói quen đọc sách từ thuở bé. Trẻ em cần được xây dựng tinh thần quý báu này từ nhỏ và không ngừng trau dồi qua thời gian trong mọi gia đình. Nhà trường cần đưa vào môn học nhiều chương trình về sách cả trong lớp và ngoại khóa. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy những gì được phổ biến, đào tạo trong nhà trường ở các cấp đều không dư thừa và có giá trị đi qua mọi thời gian.

Phương pháp quan trọng không kém nữa là chúng ta cần làm sôi động thị trường sách nước ta bằng nhiều cách như thúc đẩy ra đời và hoạt động của nhiều doanh nghiệp làm sách. Nhiều cơ quan và đơn vị tổ chức các cuộc thi và trao giải thưởng về sách, hoạt động quảng bá rộng rãi và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ về sách…

Sách nói ở đây không chỉ là những tiểu thuyết giải trí, mà cả những tác phẩm cung cấp tri thức và các loại sách chuyên khảo. Tôi nhiều lần thấy được bài tập của sinh viên trong một số trường đại học nổi tiếng mà trong danh sách tham khảo chỉ có ba hoặc bốn cuốn chuyên khảo, và chỉ đọc vài trang tôi biết được các thông tin và tài liệu chủ yếu sao chép từ Internet. Như thế, nhiều trí thức còn lười đọc sách thì đông đảo người dân xa lạ với sách là điều dễ hiểu. Cho nên, nhất định phải hình thành và phát triển văn hóa đọc cho rộng rãi nhân dân, đọc sách bằng ý thức và nhận thức thật sự.

Thêm vào đó, chúng ta chăm đọc sách đã là điều đáng mừng nhưng cần đọc có hiệu quả, đọc có chọn lọc và đọc không ngừng phát triển thói quen đó.

Nhà nước và nhân dân cùng “vượt sóng” khó khăn để đạt thành tựu

Trên thực tế, mọi hoạt động trong xã hội sẽ rất khó khăn nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc phát triển sách ở nước ta, đó là về mặt pháp luật điều chỉnh hoạt động xuất bản cũng như sự hỗ trợ về tài chính kinh tế để thị trường sách hoạt động sôi động và hiệu quả.

Các cơ quan nhà nước cần áp dụng luật pháp đúng đắn hơn cũng như tích cực trong việc hỗ trợ việc xuất bản, quảng bá và tiêu thụ sách. Bên cạnh đó, cần giảm bớt một số cơ chế chưa và không phù hợp để hoạt động xuất bản sách và xuất bản khác diễn ra thuận lợi hơn.

Đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên cao đẳng, đại học Việt Nam cần năng động hơn, chăm chỉ hơn. 

Thật vậy, tất cả mọi người dù xuất phát điểm và hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một thứ chung là thời gian, thời gian rất quý báu và nếu để qua đi vô ích thì rất lãng phí. Tuổi trẻ của chúng ta qua đi rất nhanh, các bạn hãy tận dụng tuổi trẻ và thời gian của mình để học tập nghiêm túc, chơi nhưng vẫn học, đọc mà vẫn vui! Đây chính là yếu tố giúp các bạn có được khối kiến thức rộng lớn để tự tin bước vào cuộc sống thực tế và làm việc thành công.

Tôi vẫn không ngừng có ước mơ sẽ xuất bản một cuốn sách để đời của riêng mình. Tôi đang thực hiện ước mơ đó và một ngày không xa trong những năm đầu của 20 năm tới tôi nhất định sẽ hoàn thành, không chỉ để góp phần làm phong phú hơn thế giới sách rộng lớn này mà còn để thỏa mãn mong ước chân chính của mình, xuất phát từ trái tim mình.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm năm tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và năm tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có năm giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015.

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

NGUYỄN THỊ ĐÀO (27 tuổi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên