Các đoàn viên, thanh niên gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến Năm thanh niên tình nguyện 2014 - Ảnh tư liệu |
Tôi đồng tình với quan điểm "Tạo cơ hội cho các em sửa sai lầm" (Tuổi Trẻ 17-3) của lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Trà Vinh và giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng.
Dẫu rằng vụ việc này gây nhiều bức xúc, nhưng xét về hoàn cảnh gia đình, lứa tuổi, điều kiện sống... thì hình thức kỷ luật như vậy là hợp tình, hợp lý.
Đáng hoan nghênh nữa là việc ông Phan Thanh Nguyên (hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng) chủ động đề xuất "cách chức hiệu trưởng", với tư cách của một người đứng đầu.
Có lẽ không cần phân tích hay nhắc lại nguyên nhân, hậu quả của chuyện đau lòng này.
Điều quan trọng bây giờ là giúp em P. (người bị đánh) và chín học sinh liên quan ổn định tâm lý, sửa chữa khuyết điểm vì tương lai các em còn rất dài, tất cả vẫn đang ở phía trước.
Sâu xa hơn nữa là tránh để câu chuyện buồn này lặp lại ở bất cứ ngôi trường nào.
Tôi nghĩ rằng để làm lại từ đầu, các em rất cần sự quan tâm động viên, giúp đỡ về mặt tinh thần của thầy cô giáo.
Thật tội nghiệp khi trong số chín em này thì quá nửa có hoàn cảnh khá éo le: cha mẹ đã chia tay lâu hoặc mất sớm. Nhiều em đang phải sống nhờ người thân. Là những gia đình nghèo ở vùng quê nghèo, phụ huynh các em luôn phải vất vả mưu sinh nên việc chăm sóc, dạy dỗ con cháu cũng hạn chế.
Để các em giao du với bạn bè xấu bên ngoài lại càng đáng lo, bài viết "Đuổi học sinh, thầy cô có yên lòng?" (Tuổi Trẻ 17-3) của tác giả Nguyễn Hữu Nhân chính là ví dụ rõ nhất.
Vậy nên, chỗ dựa yên tâm của các em hiện nay là nhà trường và bạn bè tốt.
"Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Cách ly số em này ra khỏi bạn xấu là cần thiết, song cũng cần khéo léo tạo điều kiện để chín học sinh này gần gũi, hòa nhập với những em ngoan.
Bậc trung học cơ sở luôn có tổng phụ trách Đội trong trường, vì thế vai trò của tổ chức Đội thiếu niên tiền phong là không thể thiếu. Đội không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh cho học sinh, mà còn là sợi dây kết nối thân tình giữa các em.
Thế hệ chúng tôi trước kia dù cuộc sống còn khó khăn nhưng luôn háo hức khi được tham gia các phong trào của Đội.
Ở địa phương còn có tổ chức Đoàn. Tôi cũng được biết từ năm 1995, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã ký kết liên tịch với Bộ Nội vụ về phối hợp giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến.
Do vậy, nếu các em được những anh chị đoàn viên thanh niên giúp đỡ, cảm hóa, cho tham gia hoạt động Đội, nhóm bổ ích chắc chắn sẽ tiến bộ. Đây cũng là một trong những công tác trọng tâm của Đoàn. Tùy theo học lực từng em mà giáo viên trong trường cần tiến hành phụ đạo miễn phí vào buổi tối.
Bên cạnh việc củng cố kiến thức nên chú trọng giáo dục về đạo đức, nhân cách cho học sinh. Đồng thời giữ mối liên lạc thường xuyên với gia đình mỗi em.
Một khi nhận thấy được gia đình - nhà trường - xã hội quan tâm, các em sẽ cảm động và sống tốt hơn.
Một yếu tố không thể không nói đến nữa là người lớn nói chung và thầy cô giáo nói riêng, hãy luôn trở thành "tấm gương sáng cho học sinh noi theo".
Đừng để tái diễn những vụ việc như "Thầy giáo tạt axit 4 cán bộ giáo viên" (Tuổi Trẻ 22-3-2014), hay chuyện hai phó giám đốc sở của Bình Phước đánh nhau ở quán karaoke (Tuổi Trẻ 22-8-2014).
Muốn trồng nên cây tốt trước hết phải có người tốt chăm sóc.
Ngành giáo dục phải xem đây là một nỗi đau tột cùng và không bao giờ để xảy ra lần nữa.
Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Hữu Chơn. Mời bạn tham gia có ý kiến trong câu chuyện ngăn ngừa bạo lực học đường qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc qua phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. Bạn có thể đọc thêm những bài viết cùng nội dung ở các đường dẫn sau: >> "Đau để thương" thay vì "trả thù rửa hận"
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận