16/03/2015 08:50 GMT+7

Ngăn chặn bạo lực học đường: vai trò giáo viên chủ nhiệm

PHẠM THỊ MINH HẬU
PHẠM THỊ MINH HẬU

TTO - Giáo viên là người đưa đò. Chỉ cần cô, thầy thương và để tâm thì sẽ có nhiều phương pháp. Nhưng tình thương thì không ép buộc.

Tranh minh họa

Ấy là những chia sẻ của bạn đọc Phạm Thị Minh Hậu gửi đến Tuổi Trẻ Online nhân câu chuyện vụ một em nữ sinh lớp 7 bị bạn bè đánh ngay trong lớp.

Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết này và mong tiếp tục nhận những ý kiến phản hồi của bạn đọc.

Khi học trò áp dụng "3 không"

Là một giáo viên chủ nhiệm, tôi từng chứng kiến cũng như xử lý những vụ đánh nhau của học sinh, chứng kiến việc xử lý của ban giám hiệu, tổ giám thị, hội đồng kỷ luật... Nói chung, trường nào, cấp học nào cũng có chuyện đánh nhau này, chỉ là ở mức độ khác nhau.

Bất cứ học sinh nào nếu chứng kiến một vụ đánh nhau, dù có đạo đức tốt, sẽ thực hiện phương châm ba không: không biết, không nghe, không thấy.

Các em thậm chí có thể là lớp trưởng, là nhân vật tin cậy của cô, cũng có thể nói với giáo viên: Cô nghĩ sao, hổng lẽ em nói ra rồi tụi nó nhìn em ra sao cô?.

Học sinh khác thì nói: Tụi nó hổng tha cho em đâu cô.

Vì sự thật, những em báo với thầy cô có thể bị đánh lén bất cứ lúc nào, hoặc trên đường đi học về, hoặc bị kéo ra chỗ này chỗ kia đánh, dã man hơn nữa thì xông vào lớp đánh trước mặt.

Khi học trò áp dụng nguyên tắc "3 không", không có nghĩa là giáo viên chủ nhiệm không biết được chuyện gì đang xảy ra để kịp thời ngăn ngừa bạo lực.

Có lần một em lớp trưởng xin gặp riêng tôi. Em run run kể cho tôi biết mình đã bị mấy bạn lớp khác đánh hội đồng vì em là lớp trưởng, có học võ, đã thể hiện chính kiến trong một sự việc nào đó.

Em học sinh chủ mưu đánh em lớp trưởng này tôi cũng có biết là một học sinh thứ dữ, đã vài lần đánh nhau, gia đình cũng phức tạp.

Em lớp trưởng có đánh lại nhưng rồi em nhanh chóng bỏ chạy vì biết chắc sẽ không giải quyết được khi tụi nó ỷ đông và hậu quả, em cũng đã bị vài vết bầm trên mặt. 

Em lớp trưởng đang lo sợ sẽ bị đánh tiếp ở mức độ nặng nề hơn.

Tôi bày tỏ ý định sẽ đánh tiếng với em học sinh kia, em lớp trưởng đã rất sợ. Nhưng tôi đã thuyết phục theo hướng là em cứ nói bạn đó cô cần gặp nói chuyện chứ không báo trường, báo ai hết.

Tôi còn bảo em học sinh của mình là nói cho học sinh kia biết là tôi đã biết nhà em đó. Nếu em kia không đến nói chuyện thì tôi sẽ có những việc cần làm tiếp theo.

Em đó đến gặp tôi. Tôi thuyết phục, khuyên bảo kiểu vừa nắn vừa xoa. Tôi nói nếu từ phút này bạn lớp trưởng bị đánh thì cô sẽ báo công an và đến nhà tìm, còn bây giờ cô không báo trường, báo ai hết nhưng em dẫn ba mẹ tới viết cho cô một bản cam kết.

Mọi việc sau đó rất ổn, em học sinh ngỗ ngược kia thậm chí còn xin lỗi em học sinh của tôi và còn bảo em kia dạy võ cho mình.

Khi gặp bế tắc lúc tìm hiểu nguyên nhân một sự việc nào đó, tôi thường nhận được những tin nhắn từ một số máy lạ: Cô ơi, là bạn… gây ra đó cô. Hoặc “Cô ơi lớp hôm nay có chuyện….”. 

Mọi việc cũng không phải dễ dàng sau đó nhưng dù sao cũng là manh mối vô cùng quan trọng để ngăn ngừa những sự việc tệ hại hơn và quan trọng là tôi biết những gì đang diễn ra, tôi thấy mình rất gần các em.

Tôi cũng không truy xem chủ nhân của số máy là ai (số khuyến mãi mà).

Tôi nghiệm ra cái quy tắc "3 không" ấy sẽ vô tác dụng khi giáo viên thật sự là người yêu thương, cho các em sự tin tưởng.

Để làm được điều này giáo viên phải rất gần gũi với học trò, hướng dẫn, chia sẻ và thật sự “sống” với các em, nói chung là có thể nói là cống hiến. 

Tôi thấy với lứa tuổi chanh cốm, gọi là khó bảo thì giáo viên có khi lại ở gần hơn cả cha mẹ (nếu muốn) hoặc có khi cũng chỉ là những bà la sát, chuyên "tổng sỉ vả" mỗi giờ sinh hoạt lớp. (Nhưng nhiều ba la sát cũng tình cảm lắm à, chỉ sai phương pháp thôi, có tình yêu thương mà!).

Lường trước có thể có việc đánh nhau nên vào những buổi sinh hoạt đầu tiên của lớp, tôi thường nói với học trò mình: các em luôn có thể nảy sinh mâu thuẫn. Dù thế nào các em hãy nhớ việc đánh người khác rất gần với việc phạm pháp, ngay cả khi các em chưa đủ tuổi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Rằng đánh nhau sẽ trở thành thói quen và quyết định bản chất con người; Rằng các em hãy nghĩ tới những điều tốt đẹp trước khi quyết định đánh ai; Rằng mình có thể giải quyết được việc không bằng cách đánh nhau. 

Và ở vài nơi mà tôi biết khi người đứng đầu, những giáo viên chủ nhiệm chủ động được việc động viên, to nhỏ, khuyên bảo các em thì thường mấy chuyện đánh đấm cũng hiếm xảy ra.

Đặc biệt, nếu giáo viên thường xuyên kiểm tra lớp, để ý những gì bất thường trên lớp thì gần như sẽ ngăn chặn được bạo lực. 

Mong con tôi cũng có một giáo viên chủ nhiệm tận tâm

Trong tư cách là một phụ huynh, tôi có câu chuyện về lớp của con gái tôi.

Cháu học lớp 6 một trường cấp II của một quận nội thành ở TP.HCM. Con gái tôi là đứa dễ bộc lộ, hơi nóng nảy. Bất cứ chuyện gì trong lớp, cháu đều kể cho tôi, kèm cả những bức xúc.

Cháu cũng phải ở trong những cuộc tranh đấu nho nhỏ mỗi ngày trên trường trước những nhân vật cá biệt của lớp mà chúng ta hầu hết gặp thời niên thiếu của mình: có kẻ ỷ sức mạnh của con trai ăn hiếp những đứa khác, đòi hỏi cống nạp, phá phách đồ đạc.., có đứa sẽ bị cô lập vào một lúc nào đó khi tinh thần bè nhóm nổi lên ở lứa tuổi lau chau này.

Ở mức độ nhỏ thì cũng có thể xem như một sự cạnh tranh tự nhiên và góp phần vào khả năng miễn dịch của tụi nhỏ. 

Sau khi nghe những bức xúc của con, tôi nói sẽ chuyện trò với cô giáo. Cháu bảo: Thôi mẹ ơi, chẳng giải quyết được gì đâu. Mẹ để con bình yên đi.

Tôi cảm nhận được là cô giáo của con mình đã không có một sự tin tưởng gì với con tôi cũng như lớp cháu ngoài bạn lớp trưởng.

Gần như mọi quyền hành cô đều giao hết cho em lớp trưởng. Dù con gái tôi rất thích tham gia các hoạt động nhưng rồi cháu gần như không được tham gia những hoạt động đó chỉ vì bạn lớp trưởng không chọn. Đó cũng là một trong những câu chuyện mà cháu thường xuyên kể.

Cũng có hôm cháu nói mấy bạn đang bàn kế hoạch năm sau sẽ làm sao để bạn lớp trưởng hiện nay không làm lớp trưởng nữa. Cháu bảo: Cô tin nó lắm mà nhiều đứa ghét nó.

Có một lần duy nhất tôi đã nói với cô giáo chủ nhiệm của con: Ở tuổi này mấy cháu cần cô lắm.

Tôi nghĩ ở môi trường giáo dục phổ thông, khi nền giáo dục còn chưa thể bồi bổ những say mê, ham thích cho  tất cả mọi em và đem lại cho công bằng cho tất cả các em thì chỉ có ở lớp học giáo viên chủ nhiệm mới phần nào làm được chuyện đó, trước hết bằng sự khuyên nhủ, sau đó bằng sự quan tâm.

Sau này tôi cũng không trao đổi gì thêm bởi ở chỗ tôi cảm nhận cô không dành tình cảm cho mấy em học sinh nhiều.

Tôi thấy cũng không nên thắc mắc hay khuyên bảo gì dù cô giáo ấy nhỏ tuổi hơn tôi nhiều.

Cũng ngại cô không có thời gian để dành cho tụi nhỏ vì cũng còn lo cơm áo gạo tiền. 

Trên đây chỉ là ý kiến của cá nhân tôi trong vai trò một người mẹ, một giáo viên.

Giờ đây tôi chỉ mong con tôi có được một giáo viên chủ nhiệm tận tâm.

Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Phạm Thị Minh Hậu. Làm sao để ngăn chặn nạn bạo lực học đường, câu chuyện này không dễ thực hiện một sớm một chiều? Tuổi Trẻ Online mong nhận được những ý kiến chia sẻ của các thầy cô, các bậc cha mẹ cũng như của chính các bạn học sinh về vấn đề này.

Ý kiến chia sẻ có thể gửi qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay bên dưới bài.

 

PHẠM THỊ MINH HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên