26/12/2014 09:07 GMT+7

​An toàn cho trẻ ở trường học

NGUYỄN MINH HÒA (khoa đô thị học Trường đại học KHXH&NV TP.HCM)
NGUYỄN MINH HÒA (khoa đô thị học Trường đại học KHXH&NV TP.HCM)

TT - Chỉ trong vòng mười ngày giữa tháng 12-2014 đã có hai vụ tai nạn chết người tại trường học ở quận Gò Vấp (TP.HCM).

Cầu thang, nơi một học sinh lớp 7 bị trượt tay rơi xuống và tử vong
Cầu thang, nơi một học sinh lớp 7 bị trượt tay rơi xuống và tử vong

Cần có một cuộc tổng kiểm tra về an toàn trong trường học để giảm thiểu rủi ro cho các em.

Chưa có báo cáo thống kê nào cho biết hằng năm có bao nhiêu trẻ em mẫu giáo và học sinh các cấp bị thương tật, bị thiệt mạng trong khuôn viên nhà trường, nhưng chắc là không ít.

Những hiện tượng thường thấy nhất là trẻ em bị ngã dẫn đến thương tật trong nhà vệ sinh vì sàn gạch quá trơn, bị thương tật do va đập vào cạnh bàn, bị ngã ở bậc tam cấp do nước mưa trơn trượt, bị đau do các thiết bị và các công trình xây dựng có cạnh sắc, bị điện giật, dây màn gió quấn cổ, hơn nữa là bị thiệt mạng do trượt cầu thang, tủ đè, cây gãy, bồn nước đè, ngộp nước trong hồ bơi... Những chuyện này khiến cha mẹ bất an bởi nhà trường không còn là nơi trú ngụ an toàn nữa.

Thiếu các quy chuẩn về an toàn

Nhà nước thường hay xếp hạng các hạng mục công trình xây dựng để dành sự ưu tiên trong vốn, cơ chế, công nghệ... nhưng lại quên mất trường học phải là công trình được xếp hạng đặc biệt chứ không phải là công sở, văn phòng, khách sạn. Một khi môi trường giáo dục không còn an toàn thì mọi cố gắng về cải cách giáo dục, sách giáo khoa đều trở nên vô nghĩa

Một số người có trách nhiệm nói cơ sở vật chất của nhà trường tốt rồi, chỉ tại các cháu nghịch ngợm, nô đùa, hiếu động quá nên đưa đến hệ quả này.

Trẻ em hiếu động không phải là tai họa, mà thảm họa là nếu tất cả con cháu chúng ta đến lớp học chỉ biết ngồi yên và co ro cúm rúm. Vấn đề là ở chỗ người lớn thiết kế một trường học làm sao để các cháu hiếu động nhất cũng không phải bị nhận hậu quả xấu nhất.

Nếu ai đó đến Nhật Bản, Đức và các nước phát triển sẽ thấy hiện thực này. Do thường xảy ra động đất nên các kiến trúc sư, các nhà thiết kế ở Nhật đã xây trường học và tính toán các thiết bị nội ngoại thất đảm bảo an toàn, giảm thiểu đến mức thấp nhất rủi ro cho các cháu.

Chẳng hạn, tường không xây mà làm bằng giấy bồi, bàn ghế bằng nhựa, không treo đồ đạc trên tường, trần nhà, không thiết bị nào có cạnh sắc...

Ở VN hiện nay không có các chuyên gia, đơn vị xây dựng, nhà sản xuất thiết bị chuyên biệt dành cho ba đối tượng “dễ bị tổn thương nhất” là trẻ em, người già và người khuyết tật - những người có khả năng tự vệ và phản ứng thấp trong xã hội.

Các trường đại học liên quan đến kiến trúc, xây dựng, thiết kế không có chuyên khoa và cũng không có môn học nào dạy sinh viên điều này.

Thậm chí trong bộ quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng cũng chẳng có điều nào quy định tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng, kiến trúc, tổ chức không gian, thiết kế chức năng dành riêng cho trường học, ngoài một số yêu cầu chung về quy hoạch như bao nhiêu dân thì phải có một trường học, khoảng cách với đường giao thông, trạm xăng, bãi rác là bao xa, diện tích sàn cho một học sinh là bao nhiêu...

Chính vì thế, mức độ an toàn trong việc xây dựng mới hay sửa chữa nâng cấp một trường học phụ thuộc chủ yếu vào năng lực, kinh nghiệm, thiện tâm của nhà thầu và lãnh đạo nhà trường phụ trách cơ sở vật chất.

Những vị lãnh đạo có kinh nghiệm lâu năm trong nghề quản lý giáo dục, có tâm thì biết cách đưa ra các yêu cầu buộc nhà thầu phải làm để đảm bảo chất lượng và an toàn cho học sinh, còn nơi nào nhà thầu và các vị có trách nhiệm bắt tay nhau chia chác thì tai họa khôn lường.

Ngay cả trong trường hợp trong sáng nhất mà thiếu sự hiểu biết thì hậu quả gây ra cũng không dễ chịu chút nào. Thường để giảm giá thành, tăng lợi nhuận, một số chủ thầu mua những thứ có sẵn và giá rẻ trên thị trường để thi công.

Thay vì mua loại gạch nhám dành riêng lát nhà vệ sinh, loại gạch chống trơn trượt lát sân thì họ mua một loại gạch vừa dán tường vừa lát nhà vệ sinh, sân trường cho rẻ.

Thay vì đặt loại hàng thiết kế riêng cho trẻ em, như thế giá thành sẽ cao hơn do tiêu chuẩn và chất lượng khác với hàng hóa phổ thông, họ lại tìm mua loại thiết bị có sẵn trên thị trường vừa nhanh vừa rẻ từ bàn ghế lớp học đến giường tủ, kệ trong thư viện, phòng ngủ, phòng ăn...

Nơi một học sinh lớp 1 tử vong do bị tủ đè - Ảnh: L.Trang
Nơi một học sinh lớp 1 tử vong do bị tủ đè - Ảnh: L.Trang

Cần một cuộc tổng kiểm tra

Cũng phải thừa nhận trong thực tế có nhiều tình huống diễn ra khó lường, nhưng là người quản lý một nhà trường và người đảm nhiệm việc xây dựng trường cho học sinh thì phải luôn đặt mình vào vai trò học sinh là người sử dụng và hiểu tính cách của những học sinh năng động nhất để trù tính những tình huống có thể sẽ xảy ra để thiết kế phòng ngừa.

Chẳng hạn hiện tượng học sinh (cả nam và nữ) trượt cầu thang không phải là cá biệt, ngày nào cũng có, và cũng không phải là không có học sinh bị trầy xước, gãy tay.

Nếu nhà trường cho thiết kế các nút chặn tay vịn cầu thang thì không còn công cụ cho các em chơi nữa, còn nếu không muốn làm nút chặn thì làm lưới chắn giữa ở khoảng trống cầu thang giữa các tầng.

Nếu có ý thức, người đặt tủ trong phòng ngủ học sinh sẽ biết liên kết tủ vào tường bằng các dụng cụ đơn giản thì không bao giờ có chuyện tủ đổ đè người.

Những phụ huynh học sinh có con cháu học ở các trường từ mẫu giáo đến trung học đều có thể phát hiện những sơ hở đe dọa sự an toàn của học sinh, do lỗi thiết kế và do cả ý thức của người quản lý ở nơi mà con cháu mình đang theo học, để yêu cầu sửa chữa kịp thời.

Chẳng hạn lan can hành lang làm thấp, bông sắt lan can thay vì làm sọc đứng lại làm ngang để dễ trèo, khoảng cách giữa các thanh sắt lan can rộng để học sinh chui đầu qua được, mặt bậc cầu thang lên xuống làm quá nhỏ lại trơn bóng, chân bàn bằng sắt nhưng vết hàn không làm sạch, ghế đá đặt tùy tiện trong sân trường làm nhiều học sinh va đập khi chạy nhảy, những cạnh gạch men sắc trên tường không được phủ kín hồ cắt tay khi bám vào...

Để giảm thiểu rủi ro cho học sinh, ngay trước mắt tất cả trường học các cấp cần tổng kiểm tra an toàn trường học, các đoàn thanh tra cần có sự tham gia của các chuyên gia và phụ huynh học sinh nhằm phát hiện lỗi để khắc phục.

Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục - đào tạo cần có những thông tư hướng dẫn chi tiết các quy chuẩn thiết kế kỹ thuật xây dựng và thiết bị cho trường học.

Ban giám hiệu, các thầy cô giáo, các hội phụ huynh học sinh của mỗi trường học cần chủ động bàn bạc để tìm ra các lỗi thiết kế, các giải pháp tốt nhất đảm bảo an toàn cho con trẻ.

NGUYỄN MINH HÒA (khoa đô thị học Trường đại học KHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên