Hôm 10-5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo việc Israel sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp trong chiến dịch ở Dải Gaza có khả năng đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Đây được xem là động thái đáng chú ý của Washington trong việc gia tăng chỉ trích nhằm vào Israel, một đồng minh của họ tại Trung Đông, giữa lúc quân đội Israel đã mở cuộc tấn công thành phố Rafah bất chấp lo ngại của nhiều nước.
Israel giáp mặt Hamas ở Rafah
Trên X (Twitter) ngày 10-5, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thông báo đã tiêu diệt một số tay súng của tổ chức Hồi giáo Hamas. Đây là kết quả của những màn "giáp mặt" giữa Israel và Hamas tại khu vực gần biên giới Rafah.
Rafah là thành phố phía nam Dải Gaza, vốn do tổ chức Hồi giáo Hamas kiểm soát. Đây được xem là nơi trú ẩn an toàn cuối cùng của khoảng 1 triệu người Palestine. Khi Gaza xảy ra chiến tranh, người Palestine mất nhà cửa đã dồn về nơi này, và hiện được biết có khoảng 1,4 triệu người đang trú ngụ.
Israel đã mở cuộc tấn công bằng đường bộ và đường không nhắm vào Rafah nhằm "tiêu diệt Hamas". Người Israel tin rằng các tay súng Hamas đang hoạt động ở Rafah và trà trộn vào dân thường.
Trong thông báo ngày 10-5 nêu trên, IDF cũng khẳng định đã phát hiện một vài đường hầm của Hamas ở phía đông thành phố này.
Vũ khí Mỹ gửi Israel vi phạm luật quốc tế?
Việc Israel tấn công Rafah cũng là mối lo ngại của Mỹ, chủ yếu xoay quanh tình trạng nhân đạo vốn đã tồi tệ ở Dải Gaza. Chính quyền Tổng thống Biden từng có những tuyên bố cứng rắn về chuyện Israel dùng vũ khí như thế nào ở Rafah.
Trong tuyên bố ngày 10-5, phía Mỹ đánh giá chuyện Israel sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp tại Gaza "có thể" đã vi phạm luật quốc tế về nhân đạo.
Tuy nhiên Washington cũng lưu ý rằng do tình hình chiến tranh hỗn loạn, họ không thể xác minh cụ thể việc các loại vũ khí ấy vi phạm hay không, qua đó không thể đánh giá vấn đề.
Đây cũng là nguyên nhân chính quyền ông Biden cho rằng họ vẫn thấy sự đảm bảo của Israel về việc dùng vũ khí Mỹ ở Gaza là "đáng tin cậy".
Theo Hãng tin Reuters, phát biểu mới nhất của Mỹ dường như mâu thuẫn với một báo cáo Bộ Ngoại giao nước này trình Quốc hội hồi tháng 2.
Theo đó, xuất phát từ "sự phụ thuộc đáng kể" của Israel vào vũ khí do Mỹ sản xuất, các loại vũ khí Israel dùng ở Gaza (nằm trong phạm vi báo cáo trên) từ ngày 7-10-2023 không phù hợp với nghĩa vụ của Israel đối với luật nhân đạo quốc tế.
Israel đánh trạm phóng tên lửa của Hamas tại Rafah
Sáng 11-5, tờ Times of Israel dẫn lời cơ quan phòng vệ Israel IDF khẳng định đã tấn công trúng hai mục tiêu trạm phóng rocket của Hamas ở Rafah. Đây được xem là cơ sở quân sự phục vụ việc tấn công Beersheba, thành phố ở miền nam Israel.
Trước đó một ngày, Israel cho hay Hamas đã phóng tổng cộng 14 quả rocket vào Beersheba, trong đó có 9 quả từ Rafah và 5 quả từ khu vực miền trung Dải Gaza. Vụ tấn công này làm hư hại một công viên tại Beersheba và khiến một người phụ nữ bị thương nhẹ.
Gần 40.000 người Palestine thiệt mạng ở Gaza
Kể từ lúc Israel khởi động chiến dịch trả đũa Hamas ở Dải Gaza ngày 7-10-2023, số thương vong ở vùng đất này liên tục tăng cao.
Dữ liệu của cơ quan y tế Dải Gaza ngày 11-5 cho biết có 34.943 người Palestine đã chết trong khoảng nửa năm chiến trận vừa qua. Bên cạnh hàng triệu người mất nhà cửa, có 78.572 người đã bị thương.
Cơ quan y tế Gaza dù vậy không nêu chi tiết có bao nhiêu dân thường và bao nhiêu tay súng thiệt mạng.
Nga tấn công Kharkov của Ukraine
Hôm 10-5, Ukraine tuyên bố đã dập tắt một cuộc tấn công trên bộ bất ngờ của Nga, sau khi quân đội nước này tổ chức tập kích xuyên biên giới quy mô vào vùng Kharkov.
Ukraine hiện bị nhận xét đang rơi vào thế yếu, và việc này khiến Nga quyết định mạnh tay ở Kharkov.
Thời gian qua, gần hai năm sau thất bại tại Kharkov, các lực lượng Nga đã tiến thêm nhiều bước tại khu vực giáp ranh vùng này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết một cuộc chiến "khốc liệt" đang diễn ra để giành quyền kiểm soát Kharkov.
"Nga đã mở một loạt hoạt động phản công mới vào khu vực này. Ukraine đã đáp trả với pháo binh và quân lính... Hiện giờ đang có một cuộc chiến khốc liệt ở đó", ông Zelensky nói trong một cuộc họp báo tại Kiev.
Mỹ viện trợ quân sự thêm 400 triệu USD cho Ukraine
Hôm 10-5, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD cho Ukraine, giữa lúc Nga mở cuộc tấn công ở phía đông bắc Ukraine.
Đây là gói viện trợ thứ ba cho Ukraine trong chưa đầy ba tuần qua, sau hai gói viện trợ cuối tháng 4 (khoảng 7 tỉ USD).
Trong bản ghi nhớ do Nhà Trắng công bố mới đây, Tổng thống Biden đã cho phép cung cấp 400 triệu USD cho dịch vụ và các hạng mục quân sự của Bộ Quốc phòng, cũng như việc đào tạo cho Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định gói viện trợ mới nêu trên cung cấp "năng lực khẩn cấp cần thiết" cho Ukraine, gồm đạn dược cho phòng không, các vòng đạn pháo, vũ khí chống tăng, xe bọc thép...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận