03/12/2011 07:51 GMT+7

Tin ở trái tim

TẤN KHÔI
TẤN KHÔI

TT - Những bài viết của loạt bài “Mệnh lệnh trái tim” khởi đăng trên Tuổi Trẻ từ ngày 26-11 đã lay động và làm ấm lại bao trái tim khác trước nỗi lo về sự vô cảm có xu hướng lan rộng trong xã hội.

Từ những câu chuyện vô cảm (mà thi thoảng báo chí đăng tin) đã làm người ta hoài nghi về hai chữ tình người. Liệu “tình người” có còn khi mà đi đâu, ở bất cứ nơi nào cũng dễ dàng bắt gặp sự vô cảm, lạnh lùng, thờ ơ trước nỗi đau? Nhiều bạn đọc đã bình luận, chia sẻ nỗi niềm của mình như thế, để rồi những “lát cắt” dù mỏng, dù chưa thật sự đầy đủ (vì xã hội vẫn còn nhiều người như thế) trong loạt bài “Mệnh lệnh trái tim” kịp thời hâm nóng lòng tin.

u3UedMSJ.jpgPhóng to
gKIyXpG3.jpgPhóng to

Tin ở trái tim không phải đã băng giá, tin ở tình người không phải đã lạnh tanh nơi dòng máu đỏ của con người, của nhịp đập con tim luôn tuần hoàn trong cuộc sống mỗi người và toàn xã hội.

“Hãy thắp lên một ngọn nến nhỏ/ Còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm”. Tôi thoạt nhớ hai câu thơ ấy và thấy hay quá trước câu chuyện về “trái tim” con người trước những nỗi đau đồng loại. Rằng, chúng ta dễ dàng lên án, dễ dàng trề môi, chê bai người này, người kia sao vô cảm, lạnh lùng, nhưng liệu chúng ta đã bao giờ mang một chút hơi ấm tình người để tặng cho ai đó? Chúng ta thường kêu gọi về lòng nhân ái nhưng liệu chúng ta có “dám” móc hầu bao chia sẻ với những người đang gặp tai ương, tật bệnh? Câu hỏi đủ để cảnh tỉnh chính mình là hãy làm nhiều hơn, như chính những nhân vật trong loạt bài “Mệnh lệnh trái tim” đã làm.

Thật ra sự thương yêu, chia sẻ phải cần được biểu hiện thành hành động cụ thể, không thể nói suông, nói chung chung mà chẳng làm gì. Hiểu như vậy để hứa với mình, với cuộc đời này rằng mình phải thương yêu cụ thể, dù chỉ là một hành động nhỏ như đập heo đất tặng đồng bào bị thiên tai, góp một tin nhắn “Góp đá xây Trường Sa” giữ yên bờ cõi...

Đó chính là ngọn nến nhỏ đủ làm tan băng vô cảm trong tim mình vốn được hình thành từ sự ích kỷ, từ sự vô cảm của những người xung quanh. Và đúng như tiêu đề của loạt bài, tình thương phải được trái tim “ra lệnh” để nó hành động, biến những suy nghĩ hoặc những rung cảm của con tim thành biểu hiện thực tế. Làm được như vậy mới là tiếng chuông tỉnh thức để nhiều người đang ngủ mê bên lề cuộc đời, sống ích kỷ có dịp thức tỉnh mà cùng hành động.

Họ đã làm cuộc sống nở hoa

Loạt bài “Mệnh lệnh trái tim” đã để lại nhiều cảm xúc đẹp và không ít trăn trở trong tôi. Đó là câu chuyện về một người phụ nữ can đảm trong đêm âm thầm cứu một thanh niên bị hành hung đầm đìa máu, bất chấp ngoài kia bọn lưu manh rình rập. Đó là một tài xế tự nhận “vô danh” lăn xả cứu người bị nạn, mặc cho chuyện mưu sinh của mình có nguy cơ đổ vỡ khi nhiều lần anh phải bỏ lại nhiều rau trên xe để có chỗ cho người bị nạn nằm đến bệnh viện, không ít lần phải dở mếu dở cười vì xe rau của anh bị đám đông vô cảm tranh thủ... vét sạch... Tuy vậy, theo tôi, số báo Tuổi Trẻ ngày thứ bảy 26-11 càng trở nên đặc biệt khi bên cạnh tấm gương giải cứu người trong loạt bài trên, còn là hai câu chuyện đáng trân trọng khác song lại cùng điểm chung khi hành động của họ xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim.

Mục Khoảnh khắc cuộc sống đăng bài về một thanh niên trẻ chuyên giải cứu chim trời (Nguyễn Văn Bảo - nhân vật trong bài “Giải cứu chim sẻ”). Tâm sự của anh đơn giản là không thể cướp đi sự tự do của chim cũng như càng không thể cướp chúng của thiên nhiên. Việc đó đã khiến thiên nhiên trả lại anh, trả lại cuộc sống xô bồ giữa lòng thành phố những bản tình ca dễ thương, những nốt lặng màu xanh để cuộc sống nơi đô hội này thêm yên bình, đẹp đẽ.

Mục Phóng sự - ký sự trên số báo hôm ấy kể một câu chuyện khác, đẹp lung linh. Một phụ nữ nghèo làm đủ nghề kiếm sống song dường như bà chẳng bận tâm với công việc, mà suốt ngày, suốt tháng, suốt năm chỉ đau đáu nỗi bận tâm duy nhất với “nghề” chăm sóc, điều trị cho người có HIV.

Cứu giúp người bị nạn đã khó; cứu giúp người với tâm thế hồn nhiên vô tư càng khó. “Triết lý” của họ - những nhân vật trên - thật đơn giản: “Thấy người bị nạn, họ là con người, mình cũng là con người mà bỏ mặc thì có còn đáng sống trên cõi đời này nữa?”. Hay như có nhân vật cũng chẳng có “triết lý” gì khi thấy người bị nạn là phải xắn tay giúp, không nghĩ gì ngoài việc làm theo sự mách bảo của trái tim.

Họ đã làm cho cuộc sống đang vốn dĩ ngày càng trở nên khô cằn này bỗng chốc nở hoa.

TẤN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên