TTO - Rất nhiều giáo viên chấp nhận một công việc bấp bênh, mức lương bèo bọt và cả sự phân biệt để chờ biên chế. Nhưng lại có những giáo viên sẵn sàng với lựa chọn khác.

Vì sao vậy? "Bỏ" biên chế gồm những gì?

Tìm hợp đồng, sống khỏe! - Ảnh 1.

hầy giáo trẻ Phạm Trường Nghiêm tốt nghiệp thạc sĩ trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2006 và được tuyển vào biên chế làm giảng viên dạy Vật lý đại cương của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội từ đó đến năm 2014. Nhưng thầy đã quyết định chia tay ngôi trường mà theo thầy "cho tôi một thu nhập đủ sống mà vẫn có thời gian để làm thêm".

"Thu nhập của tôi rất ổn và cũng thoải mái. Nhưng tôi vẫn thấy có gì đó thiếu. Năm 2012, tôi được mời thỉnh giảng tại trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành -Hà Nội và tôi lập tức bị hấp dẫn bởi môi trường sư phạm ở đây.

Tôi bị cuốn hút vào câu chuyện của những học sinh đặc biệt, những băn khoăn, cố gắng để hiểu và giúp đỡ các em và tôi nhận ra, tôi cần đến một nơi như thế", thầy Phạm Trường Nghiêm kể về trường hợp "rời biên chế" của mình.

Tìm hợp đồng, sống khỏe! - Ảnh 3.

Thầy Nghiêm cho biết sau này khi đã là tổ trưởng tổ Vật lý và trực tiếp ngồi phỏng vấn để tuyển dụng giáo viên trẻ, thầy cũng nhận thấy "sợ bị đuổi việc" là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Và đó cũng là lý do khiến nhiều giáo viên chấp nhận những môi trường ngột ngạt, không phát huy năng lực, sáng tạo chỉ để không lo bị đuổi.

"Tôi nói với các bạn trẻ là phải làm gì đó để cơ quan tuyển dụng mình không thể đuổi việc mình, thậm chí chào mời mình, hãy lấy đó làm mục tiêu thay cho việc phải vào được biên chế bằng mọi giá", thầy Nghiêm chia sẻ.

Nhưng thầy Nghiêm cũng cho biết, trong môi trường sư phạm công lập, không phải nơi nào cũng công bằng, khách quan trong đánh giá và trọng dụng người có năng lực, tâm huyết.

Môi trường hấp dẫn thầy Phạm Trường Nghiêm được thầy mô tả và sắp xếp thứ tự: được tôn trọng, được làm đúng năng lực, sở trường, được đánh giá công bằng, có thu nhập ổn định.

"Mỗi người có một thế mạnh, điểm yếu khác nhau. Và người lãnh đạo giỏi là người sắp xếp để giáo viên vào các vị trí có thể phát huy thế mạnh của bản thân rồi lắp ráp lại thành bộ máy có thể chạy tốt nhất. Chúng tôi đang là những chi tiết khác nhau của bộ máy đó. Nên cũng như tôi, nhiều giáo viên có niềm tin, có động lực trong từng vị trí của mình", thầy nói.

Thầy Nghiêm cho biết thầy và đồng nghiệp chịu sự đánh giá của ban giám hiệu, của đồng nghiệp trong các tổ bộ môn, của giáo viên chủ nhiệm và của học sinh. Việc đánh giá không cảm tính mà theo các tiêu chí rõ ràng, đặc biệt là tiêu chí đánh giá của học sinh.

"Lần đầu nhận kết quả học sinh đánh giá, tôi cũng hồi hộp. Nhiều trò nhận xét tôi dễ gần, dạy dễ hiểu, có trò nói tôi truyền cảm hứng cho các em. Nhưng cũng có nhiều góp ý về nhược điểm làm tôi phải suy nghĩ.

Tìm hợp đồng, sống khỏe! - Ảnh 4.

"Thầy có thể hỗ trợ gì cho các em? Đây là câu hỏi tôi đặt ra với các em mỗi khi tiếp nhận một lớp học sinh mới", thầy Phạm Trường Nghiêm chia sẻ.

Khi dạy đại học, tôi ít có tương tác với sinh viên, nhưng ở môi trường mới, những phản hồi nóng hổi của học sinh làm tôi hiểu cái khó nhất của một người thầy là làm sao không bỏ quên một học sinh nào, dù là học sinh giỏi, sôi nổi, học sinh kém, quậy phá hay chỉ là học sinh bình thường, trầm tính.

Cách dạy "đồng hóa học sinh cùng mức" khiến cho có những em không hiểu bài, cảm giác không được thầy quan tâm. Và tôi phải nghĩ cách thay đổi", thầy chia sẻ.

Chính vì nguyên tắc tự đặt ra với chính mình: "Cái cần làm trước tiên chưa phải dạy tốt mà là hiểu học sinh", thầy Phạm Trường Nghiêm được nhiều học trò quý mến.

Không là giáo viên chủ nhiệm và mỗi lớp chỉ có 2 tiết Vật lý /tuần, nên để hiểu học sinh, thầy phải gặp lại các giáo viên bộ môn dạy các học sinh của mình ở lớp trước, gặp giáo viên chủ nhiệm và đọc hồ sơ học sinh.

Thầy kể lại: "Có một học sinh tôi nghe một số thầy cô phản ánh trong lớp không chịu ngồi học, không hợp tác với giáo viên. Tôi bỏ công tìm hiểu mới biết bố mẹ em ly hôn. 

Cậu bé ở với bố, còn em của cậu ở với mẹ. Điều làm tôi bất ngờ là chiều nào cũng đúng giờ tan học, mẹ cậu bế em đứng ngoài cổng trường chỉ để nhìn con trai một lần rồi về trong nước mắt.

Câu chuyện của cậu bé tác động đến tôi và tôi đã dành thời gian trò chuyện, gợi ý cho em những việc nên làm… Điều đó không ai bắt tôi phải làm, nhưng sự trắc ẩn của người thầy trước biến cố của học trò đã cuốn tôi vào…

Rồi cậu bé cũng thay đổi, nay em đã đỗ vào đại học rồi. Sau này khi gặp tôi mẹ cậu vẫn nói không thể nào tin được con trai tiến bộ".

Thầy Nghiêm cho biết hiểu từng học sinh, mang lại cho bọn trẻ sự tin tưởng thì các em sẽ thích học, sẽ có cảm hứng. Nhưng thầy cũng thú nhận "đó không phải chỉ là hành trình tôi tìm cách truyền cảm hứng cho học sinh mà công việc, câu chuyện của các em, sự dễ thương của các em cũng mang lại cho tôi cảm hứng, ý nghĩa với công việc. Nói một cách khác, các em cũng là những người truyền cảm hứng cho tôi trong lựa chọn đứng chân ở ngôi trường này".

Tìm hợp đồng, sống khỏe! - Ảnh 5.

Vào một lớp mới, Nghiêm thường để học sinh viết một bản giới thiệu về bản thân, cách tự học như thế nào và quan trọng là "các em cần thầy giúp đỡ, hỗ trợ gì". Đó là một trong những cách để Nghiêm không chỉ nhớ tên mà nhớ cả đặc điểm tính cách, hoàn cảnh, năng lực của từng học sinh.

"Hạnh phúc của tôi là thấy học sinh của mình thay đổi tốt lên, vì giống như tôi nhìn thấy những cố gắng của mình hiện hữu", thầy tâm sự.

"Tôi và vợ đều là giáo viên hợp đồng, chúng tôi cũng có con nhỏ, cũng có gánh nặng mưu sinh phải lo. Nhưng chúng tôi thấy vui và rất ổn. Bố mẹ tôi trước đây cũng phản đối khi tôi bỏ biên chế ra ngoài vì các cụ lo tôi lo tôi mất việc, gặp rủi ro. Nhưng điều đó không xảy ra", thầy Nghiêm chia sẻ.

Nhưng thầy cũng không cho rằng hàng ngàn giáo viên đặt mục tiêu "vào biên chế" là sai. Bởi vì không phải ngôi trường nào cũng cho giáo viên hợp đồng niềm tin, sự tôn trọng, công bằng. Điều này còn lệ thuộc cả vào cơ chế, vào những "đầu tàu" trong ngành giáo dục.

Tìm hợp đồng, sống khỏe! - Ảnh 6.
Tìm hợp đồng, sống khỏe! - Ảnh 7.
Tìm hợp đồng, sống khỏe! - Ảnh 8.

guyễn Thị Châu Loan là một trong 112 Thủ khoa xuất sắc được UBND TP Hà Nội vinh danh vào năm 2011. Theo chính sách đãi ngộ nhân tài của Hà Nội, các thủ khoa xuất sắc sẽ được lựa chọn một cơ sở công lập phù hợp để vào làm việc, không cần qua kì thi tuyển dụng.

Trong khi các thủ khoa khác chọn trường THPT chuyên ĐH sư phạm Hà Nội, trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT Chu Văn An, cô Loan chọn về trường THPT Phan Huy Chú - một ngôi trường tự chủ, tự trả lương cho giáo viên.

Lựa chọn của cô khiến bố mẹ, người thân, bạn bè băn khoăn. Có người cho rằng Loan quá dại, vì được bước chân vào trường Hà Nội-Amsterdam danh giá là mơ ước của bao người mà rất ít người với tới được.

Tìm hợp đồng, sống khỏe! - Ảnh 10.

"Cô giáo tôi ở trường sư phạm từng làm việc với trường Phan Huy Chú đã đánh giá rất cao môi trường sư phạm ở đây. Cô cho tôi thông tin và cũng ủng hộ tôi lựa chọn ngôi trường đó. Nhưng chính cô sau này lại hoang mang vì không biết có nhầm lẫn khi tác động vào lựa chọn của tôi không.

Nhưng thực chất mọi lời khuyên với tôi chỉ có ý nghĩa tham khảo. Trong thời gian chờ có chỉ tiêu tuyển dụng tôi đã tự tìm hiểu và thích trường Phan Huy Chú vì tôi cảm thấy nơi đó tôi có thể được làm những điều tôi muốn", cô Loan kể.

Và cô cũng không ngồi chờ đến thời điểm được tuyển thẳng. Cô cho biết sau khi tìm hiểu về trường Phan Huy Chú, cô tranh thủ nhận dạy hợp đồng ở một số trường có mô hình giáo dục tương tự để "rèn nghề", đi học thêm Ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tìm hiểu các công nghệ dạy học hiện đại…

Về trường Phan Huy Chú 6 năm trước, cô Loan là giáo viên có tuổi đời trẻ nhất trường. Ngoài công việc giảng dạy, làm Bí thư Đoàn trường, cô còn được chọn vào tổ giáo viên "đồng hành sáng tạo" - tổ hỗ trợ giáo viên của trường trong việc xây dựng các chuyên đề dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế kế hoạch dạy học, trải nghiệm…

Được tin tưởng, giao việc là điều hạnh phúc với giáo viên trẻ. Càng hạnh phúc hơn khi những nỗ lực của họ được tưởng thưởng xứng đáng. Châu Loan cho biết tại trường Phan Huy Chú, giáo viên làm nhiều hưởng lương nhiều, làm ít hưởng ít. 

Ngoài lương trả theo tiết dạy, các giáo viên kiêm nhiệm thêm công việc khác thì được ban giám hiệu ký hợp đồng khoán việc để có thêm lương 2, lương 3. Mức lương cũng được xem xét trên hiệu suất công việc từng tháng chứ không cố định.

"Thu nhập của tôi không chỉ đủ sống mà sống tốt, chỉ cần làm việc hết khả năng có thể cho trường, không phải lo kiếm việc khác làm thêm. Giáo viên trường tôi không ai phải dạy thêm bên ngoài vì làm việc của trường đã hết thời gian và làm gì sẽ được ghi nhận, trả lương cái đó", cô cho biết.

"Tôi nghe bạn bè nói ở một số trường công lập, áp lực nhiều phía, những người muốn đổi mới thì sẽ vấp phải cản trở, sẽ cô độc. Họ không chỉ không được ban giám hiệu ủng hộ mà có khi đồng nghiệp cũng không thích. Chuyện đó không xảy ra với tôi. Những gì tôi đang có khiến tôi càng khẳng định vào lựa chọn của mình", cô chia sẻ.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, Hà Nội:

"Nên bỏ biên chế vĩnh viễn"

Hiện nay mặc dù thiếu giáo viên nhưng số cán bộ, giáo viên là công chức, biên chức trong hệ thống giáo dục công lập rất lớn, trong khi người làm việc thật thì ít, người yếu kém thì nhiều, tâm lý "bám và Nhà nước" còn nặng. Theo tôi nên bỏ biên chế như hiện nay với cán bộ quản lý, giáo viên trong hệ thống giáo dục công lập, thay thế bằng hợp đồng lao động có thời hạn.

Ưu điểm của việc này là người lao động có động lực để nâng cao năng lực, phẩm chất, có ý thức hoàn thành tốt nhiệm vụ, khắc phục tình trạng ỷ lại, ăn bám, dựa dẫm... Việc này rất khó nhưng khó mấy thì cũng nên làm mới giải quyết được tình trạng thừa, thiếu giáo viên, chất lượng giáo viên yếu kém nhưng không giải quyết được.

Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, giảm biên chế thừa, cho nghỉ việc những người năng lực yếu kém, có làm được việc này thì năng suất lao động mới tăng, lương nhà giáo cũng tăng, cuộc sống nhà giáo sẽ ổn định bền vững".

VĨNH HÀ
NAM TRẦN
VIỆT THÁI
2/11/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0