06/11/2021 13:09 GMT+7

TikTok - 'quá nhanh quá nguy hiểm' - Kỳ cuối: Sắp có bộ quy tắc bảo vệ trẻ em trên mạng

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Mới đây một chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em tương tác sáng tạo lành mạnh trên mạng đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký thông qua, trong đó nhiều giải pháp từ pháp luật, giáo dục, kỹ thuật - công nghệ được đưa ra để bảo vệ trẻ trên mạng.

TikTok - quá nhanh quá nguy hiểm - Kỳ cuối: Sắp có bộ quy tắc bảo vệ trẻ em trên mạng - Ảnh 1.

Nhiều người lo ngại trẻ em tiếp cận các nội dung thiếu lành mạnh trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ

Các cơ quan quản lý nhà nước cùng một số tổ chức làm về bảo vệ trẻ em đang có nhiều hợp tác để bảo vệ trẻ tốt hơn trên mạng. Nhưng từ phía chính phụ huynh cũng còn nhiều thiếu sót cần khắc phục để bảo vệ con mình.

Thiếu sót từ chính cha mẹ

Có nhiều kinh nghiệm làm các dự án bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ trên mạng trong các năm qua, bà Nguyễn Phương Linh - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) - cho rằng hiện nay các phụ huynh đang khá bất cẩn trong việc hướng dẫn, bảo vệ con khi sử dụng mạng xã hội.

Đầu tiên là cho con tiếp cận mạng xã hội không đúng độ tuổi. Hiện nay các mạng xã hội lớn đều quy định độ tuổi người sử dụng, ví dụ Facebook và TikTok, đều quy định từ 13 tuổi trở lên nhưng có những phụ huynh lại khai man tuổi con để lập tài khoản cho con em mình từ rất bé, hoặc cho con dùng chung tài khoản với bố mẹ.

"Tôi nghĩ phụ huynh đã quá thiếu cẩn trọng khi đưa con nhỏ vào một xã hội thu nhỏ của những người lớn, khi trẻ chưa đủ kỹ năng để phân biệt đúng sai hay các rủi ro có thể tiềm ẩn trên môi trường mạng" - bà Linh nói. 

Điều này đã dẫn tới những hệ lụy trong thực tế mà xã hội đã thấy như có em nhỏ mới 6-7 tuổi tham gia các thử thách treo cổ hay các thử thách vô cùng nguy hiểm trên mạng.

Ngoài ra phần nhiều phụ huynh chưa đủ hiểu biết về các tính năng và điều khoản của các mạng xã hội khi sử dụng hay hướng dẫn con em mình sử dụng, trong khi các mạng xã hội lớn đều có các tính năng dành cho gia đình như Family Pairing (Gia đình thông minh) của TikTok, trung tâm an toàn của Facebook... rất cần thiết để cha mẹ có thể phần nào kiểm soát, quản lý, đồng hành cùng trẻ em 13-16 tuổi sử dụng mạng xã hội an toàn.

Nhiều biện pháp từ pháp lý, kỹ thuật tới tuyên truyền

Cũng đồng ý rằng các bậc phụ huynh đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội, nhưng đại diện Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (trực thuộc Cục An toàn thông tin) cho biết các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang thực hiện nhiều biện pháp từ pháp lý, kỹ thuật tới tuyên truyền.

Cụ thể, sau khi Chính phủ ban hành chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025" ngày 1-6-2021, Bộ TT-TT đã thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên mạng. 

Còn Cục An toàn thông tin thì yêu cầu các mạng xã hội tăng cường bộ lọc để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung và thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm phát hiện kịp thời, chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung nhảm nhí, độc hại gây ảnh hưởng xấu tới trẻ em trên các nền tảng... 

Cục cũng đã rà soát, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý các nội dung độc hại đối với trẻ em trên môi trường mạng như vụ Thơ Nguyễn, TimyTV...

Dự kiến thời gian tới Bộ TT-TT ban hành bộ quy tắc ứng xử và bộ cẩm nang về bảo vệ trẻ em trên mạng. 

Bộ quy tắc ứng xử sẽ có nội dung nêu rõ các nội dung độc hại cho trẻ em là những thông tin trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức xã hội, trực tiếp hoặc tiềm tàng nguy cơ gây tổn hại tới thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, sự riêng tư hay sự phát triển của trẻ em... 

Hiện bộ quy tắc đang được Bộ TT-TT lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trước khi ban hành chính thức. 

Còn bộ cẩm nang về bảo vệ trẻ em trên mạng sẽ trang bị những kỹ năng cơ bản để sử dụng Internet một cách an toàn cho trẻ em, phụ huynh, giáo viên, cán bộ địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.

Dịch COVID-19 khiến trẻ tiếp xúc với mạng xã hội sớm hơn

Theo thông tin từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, dịch COVID-19 khiến trẻ em tiếp xúc với Internet, mạng xã hội sớm và nhiều hơn.

Trung tâm này cũng nhận định hiện nay rất nhiều mạng xã hội có thành viên tham gia là trẻ em rất cao như Facebook, TikTok…, trong đó có nhiều nội dung chưa phù hợp với lứa tuổi trẻ em, thậm chí có những nội dung độc hại.

TikTok - TikTok - 'quá nhanh quá nguy hiểm' - Kỳ 2: Đâu là vắc xin trước mê cung mạng?

TTO - Ở Việt Nam đang có hơn 4 triệu người dùng TikTok dưới 18 tuổi. Làm sao bảo vệ con trẻ trước 'mê cung' của nhiều video không được sàng lọc?

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên