13/04/2020 11:01 GMT+7

Tiếng chổi tre xào xạc đêm mùa dịch

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Đêm dần buông, bóng người thưa vắng những ngày giãn cách xã hội. Đường phố chỉ còn lại bóng người quét rác cùng tiếng chổi tre xào xạc đêm dài mùa dịch.

Tiếng chổi tre xào xạc đêm mùa dịch - Ảnh 1.

Tiếng chổi tre của chị Loan vẫn xào xạc đêm dịch dã - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Hơn 15h tại khu "thánh địa" của dân làm rác Sở Thùng (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Tiếng pô xe nổ giòn đôm đốp như báo hiệu ngày làm việc mới của đoàn người gom rác nơi đây. Í ới chào nhau, đội xe hàng trăm chiếc cứ thế nối đuôi nhau tỏa khắp TP.

Không bươi rác, tìm ve chai thì lấy gì bán kiếm thêm chút tiền. Bươi chặp cũng quen, mùi của nghề, của tiền cả thôi.

Ông Nguyễn Di Tâm

Theo xe rác ngày dịch bệnh...

Tuổi già đã kéo ông Nguyễn Di Tâm (ngụ Sở Thùng) chậm lại sau so với mọi người. 83 tuổi, ông Tâm có hơn nửa đời người lầm lũi với nghề rác. Nghe chúng tôi muốn được theo cùng, ông Tâm bảo: "Người quen cực khổ làm ba bữa còn bỏ, huống hồ chi mấy tụi trẻ như cậu. Hôi hám, bẩn thỉu lắm!". Tuy nhiên, ông Tâm vẫn đồng ý cho tôi theo.

Đường Nguyễn Huy Lượng (quận Bình Thạnh) là nơi chúng tôi theo ông Tâm đến. Tiếng pô bộp bộp lần này như báo hiệu đến giờ đổ rác. 

Theo ông Tâm, đây là "khu khá giả" nên có nhiều rác "xịn". Nghĩa là có ve chai trong rác. Đỡ hơn nhiều khi gom rác ở khu nhà nghèo vì chỉ có mỗi rác không.

Lần này, xe thùng buộc phải dừng lại đầu hẻm bởi càng vào sâu đường càng hẹp. Lững thững đi trước, ông Tâm kéo lại khẩu trang che kín mũi miệng và ra hiệu cho tôi kéo xe theo sau. Ông chỉ tay về những túi rác để sẵn trước cổng nhà rồi dặn tôi chất nó lên xe.

Cứ kéo vào, xe đầy rác thì lại kéo ra. Chất rác lên xe lớn, rồi lại kéo vào gom tiếp cho đến khi hết rác mới thôi. "Nay có cả phụ tá nữa heng" - một phụ nữ luống tuổi bán nước mía đầu hẻm nhìn tôi rồi nói với ông Tâm. Ngày nào giờ này ông cũng có mặt nên ai nấy đều quen. 

Theo ông, nghề rác này phải siêng, làm đều, làm sạch thì dân mới thương. Chưa kể tính phải ngay thẳng, chứ tranh thủ sơ hở cắp vặt thì "bà con còn xem mình thua... cả rác".

Thoáng chốc, xe thùng đã đầy rác. Lần này, ông Tâm ra hiệu cho tôi chỉ đứng xa quan sát, còn ông leo hẳn vào thùng. Gom rác không bẩn lắm, nhưng công đoạn bươi rác tìm phế phẩm bán ve chai mà ông Tâm ví von là "đãi cát tìm vàng" mới bẩn.

Nhiều túi thức ăn thừa thủng đáy, nước vàng, nước xanh rỉ ra rồi bắn cả lên người ông. Mùi hôi thối nồng nặc xộc thẳng lên mũi. Một cây cào được ông Tâm moi móc kỹ từng túi rác. Ông bảo ngoài kim tiêm của tụi nghiện ma túy, thì đôi tay sần sùi, chi chít sẹo của ông chẳng "ngán" thứ gì trong đống rác này.

Gom hết đường rác, chiếc xe thùng của ông Tâm đã nặng trĩu. Ông chở tôi chạy tàn tàn về bãi ép rác sau lưng Học viện Cán bộ TP.HCM trên đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh). 

Trời chập choạng tối, bãi rác cũng đã có gần 20 xe khác đợi tới lượt với chừng hơn 30 người, ai cũng áo quần xộc xệch, lấm lem. Trong khi đợi tới lượt, những đồng nghiệp rác cứ tụm thành nhóm trò chuyện dù nhiều người đi thể dục qua cứ bịt mũi bước vội.

Hoa Phượng, con gái ông Tâm, hiện là giáo viên một trường tiểu học ở quận Bình Tân. Từ ngày Phượng bị cắt phân nửa tiền lương do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thì cộng hơn 4 triệu tiền lương của ông cùng gần 1 triệu tiền bán ve chai cả tháng cũng chỉ đủ cho gia đình bốn miệng ăn.

Tiếng chổi tre xào xạc đêm mùa dịch - Ảnh 3.

Vợ chồng bà Oanh cùng xe kéo rác của mình - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Buồn, vui trong tiếng chổi tre

Nghề rác khổ, ngày nào cũng bên hôi thối, lấy đêm làm ngày. Nhưng cái nghề nhọc nhằn này cũng giúp họ mưu sinh qua nhiều thế hệ, có thu nhập nuôi sống gia đình.

23h, đường Pasteur, quận 1. Qua vũng nước mà cơn mưa chiều để lại, bóng dáng chị Huỳnh Thị Loan (38 tuổi, ngụ quận 12) cùng chiếc chổi tre phản chiếu rõ mồn một nhờ nguồn sáng từ ánh đèn đường vàng vọt. Ngay cả ổ bánh mì nhăn nhúm chị Loan mua lúc chiều treo cạnh xe cũng thấy rõ.

Nhưng những người làm rác như chị Loan lại luôn kể về rác với niềm biết ơn vô tận. Chị kể 8 tháng trước mình vẫn là công nhân may. Nhưng vì công ty chuyển về Long An, rồi vì chồng đang làm nghề tài xế, đứa con đầu đang học lớp 7 cùng đứa sau 5 tuổi đều đang ở Sài Gòn, nên chị đã xin quét rác và may mắn được nhận. Ca làm của chị bắt đầu từ 17h kéo dài đến hơn 3h sáng mới thôi.

Các đường quanh hồ Con Rùa như Võ Văn Tần, Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai là nơi chị Loan lùa chổi đêm đêm. Công việc làm đêm ngủ ngày, áp lực lượng xe cộ trên đường... khiến hồi đầu chị bị choáng, nản muốn bỏ. Nhưng vì gia đình, chị cố bám trụ được 1 tháng, rồi nửa năm và giờ đã quen lăn lộn cùng rác.

Vừa kể, chị Loan vừa hối hả lùa cái chổi tre to dài. Chị hết quét, lại hốt rác, nhồi, rồi lại đẩy xe đi, quét... Con đường đầy rác, đầy lá khô như được "tắm gội sạch sẽ". Ngó nhìn lại một lượt xem sạch hết chưa, rồi chị Loan gồng lưng đẩy xe rác nặng trĩu đến đường Võ Văn Tần.

Ngồi bệt xuống đất, kéo thấp chiếc khẩu trang đen nhẹm, bà Lê Thị Oanh (56 tuổi, ngụ Gò Vấp) bắt đầu câu chuyện của mình bằng chất giọng lơ lớ của người con Thanh Hóa tha phương nhiều năm: "Hai vợ chồng phải cố siêng để mưu sinh. 2h sáng đã chạy về lấy rác ở Thủ Đức, đến 3h chiều chạy lên lại Chu Văn An. Làm siêng mới có lương, có thưởng, rồi tiền ve chai, tiền cơm thừa...".

Bà Oanh cùng chồng kém mình 5 tuổi là ông Huỳnh Minh Quốc đứng ra nhận hai đường, một đường ở khu Thủ Đức, một đường Chu Văn An ở Bình Thạnh. Hai người có ba đứa con. Cậu đầu năm nay vừa tròn 20, cô giữa 19, cậu út đang học lớp 6.

Vì gia cảnh, hai người con đầu đã theo vợ chồng bà đi bán vé số từ năm 3 tuổi, rồi làm quen với rác từ năm lên 6. "18 tuổi, chúng nó nghỉ làm rác vì sợ sau này bệnh tật rồi xin vào bưng bê hàng quán. Nhưng rồi dịch này, quán xá đóng cửa thành ra chúng lại thất nghiệp" - bà Oanh buồn nói.

Bà bảo rằng hai vợ chồng làm lụng quanh năm, đánh đổi cả sức khỏe chỉ muốn có một mái nhà nhỏ che nắng che mưa nhưng mãi chẳng được. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, đôi mắt họ đau đáu nỗi lo cơm áo nhưng tiếng chổi làm sạch đường phố vẫn xào xạc không ngơi...

Tiếng chổi tre xào xạc đêm mùa dịch - Ảnh 4.

83 tuổi, ông Nguyễn Di Tâm có hơn 53 năm với nghề rác - Ảnh: CÔNG TRIỆU

"Rác giảm, nhưng chúng tôi bị e dè hơn"

Theo chị Huỳnh Thị Loan, từ ngày thực hiện giãn cách xã hội, hàng quán đóng cửa, người dân đi lại ít hơn nên lượng rác giảm hơn so với lúc trước. Thế nhưng, công việc "bất đắc dĩ" phải xuống đường, tiếp xúc gần với rác rưởi để giữ gìn vệ sinh đường phố khiến chị và đồng nghiệp có phần bị mọi người e ngại, né tránh!

Trao ân tình đến người quét rác Trao ân tình đến người quét rác

TTO - Không còn khuôn mặt mệt nhọc, đôi tay lấm lem bên chiếc chổi tre hay những chiếc áo cam với tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, những công nhân quét rác nở nụ cười hạnh phúc bên nhau dùng bữa cơm tất niên đặc biệt tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ hôm 11-1.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên