19/11/2023 08:00 GMT+7

Tiền Giang đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư

Trong những năm qua, tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm thu hút đầu tư, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đến nay đã đạt được những kết quả khả quan.

Tiền Giang đã ký kết đẩy mạnh chuyển đổi số giai đoạn 2023-2028 với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Ảnh: LÊ MINH

Tiền Giang đã ký kết đẩy mạnh chuyển đổi số giai đoạn 2023-2028 với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Ảnh: LÊ MINH

Tăng 3 hạng về chuyển đổi số

Theo kết quả do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố gần đây về Chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2022, tỉnh Tiền Giang xếp hạng 20 trên cả nước, tức tăng 3 hạng so với năm 2021 và xếp hạng thứ 4 khu vực ĐBSCL. Điều này cho thấy công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh này triển khai hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh Tiền Giang đã đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử gồm 1 cổng chính, 201 cổng thành phần (18 sở, ban, ngành tỉnh; 11 UBND cấp huyện; 172 UBND cấp xã) và có các cổng của cơ quan ngành dọc, đoàn thể và trường học tạo kênh giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền về thủ tục hành chính được thuận lợi, tra cứu được tình trạng và kết quả giải quyết hồ sơ, nộp hồ sơ trực tuyến.

Tính đến 10 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thu hút được 15 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 7.774 tỉ đồng, tăng 75,1% so với cùng kỳ, thu hút 11 dự án trong nước với vốn đăng ký 7.467 tỉ đồng và thu hút bốn dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký 307 tỉ đồng, thu hút trên 750 doanh nghiệp thành lập mới, và có khoảng 6.030 doanh nghiệp đang hoạt động.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ công bố Chỉ số cải cách hành chính của Tiền Giang năm 2022 đạt 82,58 điểm, xếp hạng 53/63 tỉnh, thành phố; tức tăng 9 bậc so với năm 2021. Thứ hạng còn khiêm tốn, nhưng để đạt kết quả này, tỉnh đã cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, cùng các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản như: Kế hoạch cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Tiền Giang; Kế hoạch tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp trên địa bàn, Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp FDI; gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ngành thủy sản, dệt may trên địa bàn tỉnh; Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp chi nhánh Cần Thơ tổ chức Hội thảo khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh…

Đồng thời, UBND cấp huyện đã tổ chức 49 buổi gặp gỡ nhân dân và doanh nghiệp với hơn 6.000 người tham dự; ghi nhận và giải quyết gần 900 ý kiến, kiến nghị chính đáng, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về sự phục vụ của các cấp chính quyền trong tỉnh.

Cải cách và gắn liền chuyển đổi số

Trong công tác đổi mới về cải cách hành chính, tỉnh Tiền Giang xác định phải gắn liền chuyển đổi số. Tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số giai đoạn 2023-2028 với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Thực hiện chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Ảnh MẬU TRƯỜNG

Thực hiện chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Ảnh MẬU TRƯỜNG


Tại lễ ký kết, chủ tịch tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, ký kết này nhằm triển khai nhanh việc hợp tác, tư vấn phát triển chính quyền số, chuyển đổi số trong các ngành và các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong tỉnh. Từ đó tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, ứng dụng số gắn với đảm bảo an toàn thông tin.

Đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp và địa phương theo hướng nhanh, bền vững, mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội.

Ngoài ra, tỉnh còn nỗ lực thu hút các dự án mới và khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô dự án, thường xuyên cung cấp thông tin quy hoạch; minh bạch về đất công; công khai thông tin các dự án mời gọi đầu tư; hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, xây dựng, thủ tục và điều kiện các ưu đãi về thuế,...

Các hoạt động này đã được doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần cải thiện ngày càng tốt hơn mối quan hệ giữa cơ quan hành chính và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên