Tang lễ của nhà văn Kim Dung được gia quyến tổ chức theo tư cách cá nhân, thể theo di nguyện của nhà văn quá cố, mọi nghi thức đều được đơn giản hóa và chỉ tiếp đón thân bằng quyến hữu.
Mặc dù gia quyến của nhà văn Kim Dung đã đơn giản hóa nghi thức, nhưng tang lễ của cố nhà văn vẫn trở nên "ồn ào" trước sự xuất hiện của những nhân vật tên tuổi trên các lĩnh vực khác nhau.
Đó là nhà văn Nghê Khuông - bạn tri kỷ của Kim Dung, nhà sản xuất Trương Kỷ Trung, đạo diễn Hứa Án Hoa, nhà sản xuất Thi Nam Sinh (vợ đạo diễn Từ Khắc)… cùng các nghệ sĩ như Huỳnh Hiểu Minh, Trần Kiều Ân, Lữ Lương Vỹ… và đặc biệt là sự xuất hiện của tỉ phú Jack Ma, một fan cuồng của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.
Bạn tri kỷ của Kim Dung là Nhà văn Nghê Khuông, ông cùng vợ đến viếng người bạn già trong niềm thương tiếc - Ảnh: Sina
Tỉ phú Jack Ma là fan cuồng của tiểu thuyết Kim Dung, giữa ông và nhà văn Kim Dung đã có nhiều cuộc gặp gỡ - Ảnh: Sina
Ngoài ra, các nghệ sĩ như Lưu Đức Hoa, Chung Sở Hồng, đạo diễn Đỗ Kỳ Phong… đã gửi vòng hoa đến viếng.
Các nghệ sĩ Huỳnh Hiểu Minh, Trần Kiều Ân và Lữ Lương Vỹ đã đến viếng nhà văn Kim Dung - Ảnh: Minh báo
Cùng thời điểm diễn ra tang lễ tại nhà tang lễ Hong Kong, tại Kim Dung quán cũng diễn ra buổi tưởng niệm dành cho độc giả Kim Dung.
Ngay từ đầu giờ chiều đã có khoảng 500 người xếp hàng để viếng nhà văn, gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, phải huy động lực lượng cảnh sát giao thông đến duy trì trật tự hiện trường.
Tại Kim Dung quán diễn ra buổi tưởng niệm dành cho đọc giả hâm mộ - Ảnh: Sina
Nhà sản xuất Trương Kỷ Trung - "cha đẻ" của loạt phim võ hiệp Kim Dung trên màn ảnh Trung Quốc, đã trả lời phỏng vấn: "Tôi và ông ấy có mối thâm giao 20 năm, đã chuyển thể 8 tác phẩm võ hiệp Kim Dung (như Tiếu ngạo giang hồ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp… ), khi nhận được tin ông ấy qua đời tôi vô cùng đau lòng, tiên sinh sẽ không đi xa, võ hiệp vĩnh tồn thế gian".
Nhà sản xuất Trương Kỷ Trung (bìa trái) và Huỳnh Hiểu Minh sang Hong Kong viếng nhà văn Kim Dung - Ảnh: Sina
Dương Quá - Huỳnh Hiểu Minh tháp tùng nhà sản xuất Trương Kỷ Trung đến viếng cố nhà văn, anh nán lại ở nhà tang lễ khoảng một giờ đồng hồ, trước khi rời khỏi đã trả lời phỏng vấn: "Cuộc đời tôi có cơ hội đóng phim võ hiệp Kim Dung là niềm vinh dự, hy vọng sau này còn có cơ hội đóng tiếp.
Nếu như Kim Dung không viết ra được những tác phẩm võ hiệp xuất sắc thì tôi đã không có cơ hội đóng Thần điêu đại hiệp và Lộc đỉnh ký, hai bộ phim này đã giúp tôi càng được nhiều người biết đến, vì thế tôi nhất định phải đến đây để đưa tiễn ông lần cuối".
Được biết, Huỳnh Hiểu Minh chỉ có thời gian khoảng 1 tiếng đồng hồ ở Hong Kong để đến viếng nhà văn Kim Dung, sau đó anh phải lập tức ra sân bay để sang Thượng Hải tiếp tục công việc.
Bà Lâm Lạc Di - người vợ hiện tại của nhà văn Kim Dung đã có mặt từ sớm để trang trí nơi diễn ra tang lễ, bà đích thân treo hai câu điển: "Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc, Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên" (tạm dịch: Bay tuyết liền trời bắn hươu trắng, Cười sách thần hiệp dựa quyên xanh) ở hai bên bức di ảnh của ông và tiếp đón các quan khách đến viếng.
Bà Lâm Lạc Di đích thân lo hậu sự cho nhà văn Kim Dung - Ảnh: Topick
Nhà báo Trương Bảo Hoa từng chia sẻ: "Bà Lâm Lạc Di là người kín đáo trong cuộc sống, khiến nhiều người cảm thấy bà bí ẩn, vì bà không chụp hình, không nhận trả lời phỏng vấn, nhưng thực tế bà là một trưởng bối thân thiện và hòa đồng.
Những năm cuối đời, nhà văn Kim Dung chủ yếu ở nhà tĩnh dưỡng, bà đã ở bên cạnh chăm sóc ông không rời nửa bước, toàn tâm toàn ý lo cho ông không hề lơ là.
Hơn nữa, bà Lâm Lạc Di cũng rất ít nói về bản thân, đề tài câu chuyện của bà luôn luôn xoay quanh chồng".
Tang lễ của nhà văn Kim Dung được cử hành theo nghi thức đạo Phật, ngày 13-11 sẽ cử hành lễ động quan và hỏa táng tại Bảo Liên Tự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận