Lúc sinh thời, nhà văn Kim Dung đã hy vọng tác phẩm của mình lưu danh muôn thuở - Ảnh: Sina
"Kim Dung giống như một "hố đen", đem truyền thống phát huy đến mức tối đa, bất cứ người nào đến gần ông, đều sẽ hóa thành hư không, căn bản là không thể nào so sánh được", nhà Văn Huỳnh Dịch đã bình luận về Kim Dung như thế.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà văn Kim Dung đã chia sẻ, những lúc rảnh rỗi hoặc lúc ngồi xe hay ngồi máy bay, ông thường suy nghĩ mông lung, nếu bản thân là một hiệp khách, đại hiệp thì sẽ như thế nào?
Trong số các nhân vật nam chính, Kim Dung thích nhất là Lệnh Hồ Xung (trong Tiếu ngạo giang hồ), đồng thời ông cũng rất thích Kiều Phong (trong Thiên long bát bộ), ghét nhất là nhân vật Vi Tiểu Bảo, ông bảo gặp loại người này nên tránh xa.
Kim Dung thích nhất là phong cách phiêu diêu tự tại của Lệnh Hồ Xung trong tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ - Ảnh: Sina
Ý nghĩa sâu sắc trong tác phẩm Kim Dung vượt trội hơn hẳn Cổ Long và Lương Vũ Sinh, ông không chỉ là một bậc thầy của tiểu thuyết võ hiệp hiện đại, cũng là một nhà văn nổi tiếng trong văn học Trung Quốc.
Kim Dung viết tiểu thuyết, chỉ do tình cờ
Những năm 1950, Lương Vũ Sinh viết tiểu thuyết Long hổ đấu kinh hoa, trở thành tác phẩm khai sáng kỷ nguyên tiểu thuyết võ hiệp tân phái.
Tổng biên tập La Phù của tờ New Evening Post đánh giá cao năng lực sáng tác của Kim Dung, nên khuyến khích ông thử sức với thể loại võ hiệp, Kim Dung liền dựa theo truyền thuyết dân gian Càn Long thân thế ở quê nhà ông - Hải Ninh, Chiết Giang mà viết, tác phẩm Thư kiếm ân cừu lục ra đời từ đây.
Sau khi viết xong Lộc đỉnh ký thì Kim Dung gác bút, tính ra ông đã viết tiểu thuyết võ hiệp suốt 17 năm, trong khoảng thời gian đó Kim Dung còn lập ra tờ Minh Báo, tay trái viết văn chính luận, tay phải viết tiểu thuyết, từng bước trở thành ông trùm truyền thông.
Kim Dung vừa viết chính luận vừa viết tiểu thuyết, từng bước trở thành ông trùm truyền thông - Ảnh: Ifeng
Thật ra, Kim Dung vốn muốn trở thành một nhà ngoại giao, nhưng bị nhà ngoại giao Kiều Quán Hoa từ chối khéo, mộng ước tan vỡ.
Từ khi bước ra ngoài xã hội làm việc, ông luôn có mối liên hệ với ngành báo chí, thế là ông bắt đầu làm phóng viên, đến trở thành chủ bút, rồi đến người sáng lập truyền thông, duyên phận của ông với ngành báo chí rất sâu đậm.
Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung bảo đảm số lượng tiêu thụ của tờ Minh Báo, nếu chỉ viết chính luận thì không thể phát triển được, vì thế ông đã tập trung sáng tác tiểu thuyết trong suốt thời gian 17 năm, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự phát triển cũng như sự tồn tại của tờ báo.
Sau này, Kim Dung trở thành thượng khách của Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang, Tưởng Kinh Quốc… nguyên nhân chính không phải vì ông viết tiểu thuyết hay, mà vì ông viết chính luận xuất sắc, sức ảnh hưởng của Kim Dung trong chính giới và thương giới không hề thua kém những chính trị gia.
Năm 1981, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tiếp kiến Kim Dung tại Bắc Kinh - Ảnh: 163
Kim Dung không che giấu khát vọng tham gia vào nền kinh tế chính trị, đối với chính trị có sự nhạy bén và cũng có hoài bão, danh hiệu tiểu thuyết gia không thể trói buộc ông.
Cũng vì thế, Kim Dung viết tiểu thuyết, không chỉ đơn giản tạo ra một thế giới võ hiệp, mà còn hòa vào đó hoài bão chính trị và quan sát thực tế của riêng ông, nên tiểu thuyết có bố cục rất rộng, nội hàm rất sâu, có thể đọc và diễn giải từ các góc độ chính trị, kinh tế, xã hội, nhân văn…
Nhưng, nếu chỉ nhìn tên Kim Dung, mà bỏ qua hành vi, bản tính của Tra Lương Dung (tên thật của Kim Dung), thì sẽ hiểu lầm Kim Dung, bởi Kim Dung không giống Cổ Long, là một nhà văn, sinh sống như một đại hiệp.
Kim Dung đã viết ra 15 tác phẩm, những bộ tiểu thuyết này đã hỗ trợ sự phát triển của Tra Lương Dung trong sự nghiệp truyền thông, cũng chiếu rọi hoài bão và tình cảm trong nội tâm của ông.
Tiểu thuyết hay không chỉ ở cách hành văn của tác giả, còn ở cách làm người, làm việc của ông, bổ sung tương trợ như vậy, mới tạo nên thành tựu vẻ vang của tác giả, cũng tạo nên sự kinh điển của tác phẩm.
Kim Dung đã tạo ra một thế giới võ hiệp, đan xen vào đó là hoài bão chính trị và quan sát thực tế của ông - Ảnh: Sina
Làm học giả không bằng làm tiểu thuyết gia
Kim Dung thích đọc sách, từ tiểu thuyết của ông có thể thấy ông đã đọc rất nhiều sách, hơn nữa còn vận dụng khéo léo.
Dù là câu chuyện lịch sử hư cấu, ông vẫn rất trân trọng nhân vật lịch sử, không dám có chút bóp méo nào, thậm chí còn tự mình nghiên cứu và phân tích, chẳng hạn như Viên Sùng Hoán bình truyện, Thành Cát Tư Hãn gia tộc, thậm chí ông còn sợ độc giả hiểu lầm Doãn Chí Bình có thật trong lịch sử, nên đã đổi tên nhân vật trong tiểu thuyết thành Chân Chí Bính.
Kim Dung có tiềm năng làm học giả, cũng thể hiện xu hướng này trong cách dùng từ, điều này có thể nhìn thấy trong hành động của ông ở tuổi xế chiều.
Sau khi dần rút khỏi thương giới và chính giới, Kim Dung bắt đầu tiến vào con đường học vấn, đảm nhiệm chức vụ, diễn thuyết hoặc nghiên cứu chuyên sâu, ông đã để lại dấu chân ở nhiều trường đại học danh tiếng như University of Cambridge - Anh quốc, đại học Trung văn Hong Kong, đại học Bắc Kinh, đại học Chiết Giang…
Kim Dung đến các trường đại học diễn thuyết và được giới sinh viên bày tỏ sự mến mộ - Ảnh: Sina
Dù tuổi đã cao, Kim Dung vẫn say mê nghiên cứu nâng cao trình độ, ngoài khâm phục tinh thần ham học hỏi của ông, còn có thể nhìn thấy khát vọng theo đuổi học vấn trong con người ông.
Cho dù là khi sáng tác tiểu thuyết, hay khi theo đuổi học vấn ở tuổi xế chiều, Kim Dung đều không chỉ đơn thuần là người nghiên cứu, thành tựu học vấn của ông không hình thành tác phẩm chuyên ngành vĩ đại, mà đều vận dụng vào trong tiểu thuyết. Cũng chính vì có những kiến thức này, tiểu thuyết của Kim Dung mới có sức hấp dẫn khác lạ.
Đọc tiểu thuyết Kim Dung, cũng là trải qua quá trình "rửa tội" của văn hóa truyền thống, văn hóa cổ điển, chỉ riêng tên nhân vật các môn võ công cũng có thể liên tưởng đến Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Kinh dịch.
Hơn nữa, trên người các nhân vật chính cũng hội tụ tinh thần truyền thống, điển hình như Quách Tĩnh là đại hiệp Nho gia, Dương Quá là đại hiệp Đạo gia, Hồ Phỉ là đại hiệp Mặc gia, Tiêu Phong là đại hiệp Phật gia.
Có thể nói, Kim Dung dùng câu chuyện và nhân vật đem văn hóa truyền thống dung hòa vào đó, tạo ra vẻ đẹp triết học, xem náo nhiệt có náo nhiệt, xem học vấn có học vấn, khiến người đọc không thể cưỡng lại.
Năm 2017, Kim Dung quán được khai mạc tại Hong Kong, trưng bày các tác phẩm võ hiệp và chân dung các nhân vật trong tiểu thuyết - Ảnh: Sina
Sự nỗ lực tạo nên kinh điển
Thực tế, không có nhiều tiểu thuyết gia võ hiệp đặc biệt trân trọng tác phẩm của mình, cho dù muốn nổi tiếng, cũng không có khát vọng lưu danh muôn thuở.
Vì thế, rất nhiều tiểu thuyết gia viết xong thì thôi, vốn không nghĩ đến việc chỉnh sửa, riêng Kim Dung thì chú trọng chỉnh sửa, hơn nữa không phải sửa ít, mà là sửa nhiều, mỗi lần chỉnh sửa đều tốn rất nhiều công sức.
Nói thật, cho dù Kim Dung không chỉnh sửa, vẫn có thể bán sách được giá cao, nhất là khi tuổi tác của ông ngày càng cao, tội tình gì phải làm khó bản thân? Nhưng, Kim Dung chính là phải làm khó bản thân, mà tuổi càng cao càng có yêu cầu cao.
Độc giả trung thành của Kim Dung có thể đếm được thay đổi trong các tác phẩm, ví dụ Thiên long bát bộ khi đăng nhiều kỳ trên báo, Vương Ngữ Yên còn gọi là Vương Ngọc Yến, sau đó mới đổi tên, mà trong bản chỉnh sửa, cô lại quay về bên cạnh Mộ Dung Phục.
Có một số thay đổi độc giả có thể chấp nhận, có một số thay đổi độc giả không đồng ý, nhưng không thể ngăn cản quyết tâm chỉnh sửa của Kim Dung, thậm chí không ngại phá hủy hình tượng nhân vật đã in sâu trong lòng đọc giả.
Từ tình tiết câu chuyện đến từng chữ từng câu, Kim Dung đều tự mình xử lý, 15 bộ tiểu thuyết có tổng cộng 36 cuốn, để đọc hết cần bao nhiêu thời gian, một cụ già còn phải cân nhắc từng câu từng chữ để chỉnh sửa, chỉ riêng sự tỉ mỉ này, đã đáng khen ngợi.
Kim Dung không ngại tốn công sức chỉnh sửa tác phẩm của mình, chỉ mong để lại cho đời sau những bộ tiểu thuyết kinh điển - Ảnh: UDN
Có một số người xem tiểu thuyết võ hiệp là truyện ba xu, nhiều tiểu thuyết gia võ hiệp cũng thừa nhận đánh giá này, dù viết tiểu thuyết võ hiệp nhận được danh tiếng và lợi nhuận cực lớn, nhưng sau khi viết xong lại bỏ mặc không quan tâm, không bỏ thêm chút sức lực để kinh điển hóa.
Sở dĩ, tiểu thuyết Kim Dung được đông đảo nhà nghiên cứu văn học đón nhận, hơn nữa còn được mời vào "cung điện văn học" tận hưởng vinh quang, ngoài tài năng sáng tác thiên phú của Kim Dung, càng vì sự nỗ lực kinh điển hóa của ông sau này.
Nếu tiểu thuyết Kim Dung sau khi đăng tải nhiều kỳ trên báo thì gác sang một bên, thành tựu của ông nhất định sẽ không cao như hôm nay. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta, tài hoa và thiên tài dĩ nhiên quan trọng, nhưng sự cố gắng cũng quan trọng như vậy, không bỏ ra thời gian và công sức, thì không có thu hoạch dồi dào.
Trong mắt Kim Dung, học tập không bao giờ là muộn. Luôn giữ thái độ khiêm tốn tìm hiểu những điều chưa biết trong cuộc sống, tự tôn mà không tự phụ, kiêu hãnh mà không tự mãn, đây cũng là một bộ bí kíp võ công mà mỗi người chúng ta cần phải tu luyện trong cuộc sống.
Trong thế giới giang hồ của Kim Dung, mỗi nhân vật đều là sống động và lôi cuốn - Ảnh: Sina
Có người từng hỏi Kim Dung: "Đời người nên trải qua như thế nào?". Ông trả lời: "Đại náo một trận, lặng lẽ rời đi".
Cuộc đời của một người, tại sao không thể giống như một bộ tiểu thuyết võ hiệp, nửa đời trước thỏa sức làm liều, nửa đời sau học hỏi bằng cả con tim. Cũng giống như cuộc đời của "Tra đại hiệp", đáng kính trọng, đáng ca ngợi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận