02/11/2018 08:00 GMT+7

Kim Dung với 'quái tượng' đọc sách

PHƯỚC CHÂU
PHƯỚC CHÂU

TTO - Khi nghe tin nhà văn Kim Dung "dừng bước giang hồ" ở tuổi 94, hẳn người ta sẽ phải bồi hồi nhớ về cái thời mà nhà nhà người người xứ ta (chính xác hơn là ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975) cùng có niềm ham mê đọc… truyện chưởng các kiểu!

Kim Dung với quái tượng đọc sách - Ảnh 1.

Một số tác phẩm của Kim Dung được Phương Nam ấn hành

Truyện chưởng chính là tên gọi nôm na về dòng sách võ hiệp kỳ tình mà "minh chủ" không ai khác hơn chính là Kim Dung tiên sinh - người làm nên "hiện tượng đọc sách" trước năm 1975.

Nói về chuyện dân tình đam mê đọc truyện chưởng của Kim Dung theo một cách thức rất truyền kỳ để đời, một ký giả của Sài Gòn xưa không gọi đây là "hiện tượng", mà gọi là "quái tượng".

Quả là "quái tượng", chẳng hạn có những câu chuyện truyền khẩu về một ông giáo sư đại học từng có lần nửa đêm nửa hôm phóng xe đi tìm cho bằng được cuốn kế tiếp trong một bộ sách kiếm hiệp của Kim Dung, đọc cho đã đêm dài, bất kể Sài Gòn khi ấy vào giờ giới nghiêm theo luật lệ thời chiến.

Cũng vậy, từ giới sinh viên còn ngồi dùi mài kinh sử trên giảng đường đến các nhà tu hành, các chính khách, các nhà tài phiệt, du học sinh từ Âu Mỹ trở về nước, những người đạp xích lô, các bà nội trợ… đều mê dòng sách này không kể xiết, đọc ngấu nghiến từng cuốn một khi đã lọt vào tay, như thể đó sẽ là đêm cuối của việc đọc sách ở xứ Việt.

Hẳn nhiên nếu ai đó từng có một thời tuổi trẻ là "tín đồ" của dòng sách này, ắt sẽ đều có cùng trải nghiệm vừa ngủ dậy mở mắt đã nghĩ đến việc đọc tiếp những trang sách dở dang, hoặc mải mê đọc ráng bộ sách mới vừa thuê được đến khi trời chạng vạng, từng con chữ mờ dần vào màn đêm như võ công tuyệt học xem chừng sắp tuyệt tích giang hồ (vốn dĩ là nỗi quan ngại chung của khắp quần hùng võ lâm - độc giả đại chúng).

Điều thú vị là các nhà văn, nhà phê bình văn học của miền Nam Việt Nam ngày ấy cũng tự nguyện làm "tín đồ" của thế giới võ hiệp kỳ tình, chẳng kém gì các đối tượng giai tầng khác trong việc đọc "truyện chưởng" của Kim Dung.

Thậm chí chỉ với hình thức đọc báo in đăng dài kỳ (feuilleton) với mỗi kỳ có khi chưa hết một chương sách, vốn dĩ được dịch tốc hành từ văn bản gốc đăng trên tờ Minh Báo ở Hong Kong (được các tòa báo Sài Gòn "chuyển hàng" mỗi ngày bằng máy bay từ Hong Kong sang Việt Nam).

Tên các nhân vật kinh điển trong nhiều bộ truyện của Kim Dung đã nhanh chóng trở thành bút danh ưa thích của những người viết báo viết văn thời ấy.

Tại xứ ta, đã có rất nhiều bài chuyên khảo công phu, nghiên cứu hiện tượng luận về tinh thần đọc sách kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung không sót một bộ một chữ nào.

Đã có những người dành tâm huyết cả đời chỉ để trở thành nhà "Kim Dung học", tìm cách thấu tỏ "quái tượng đọc sách" như bị bỏ bùa mê của nhiều tầng lớp đại chúng bổn xứ.

Giải mã được "Kim Dung luận" hay chưa có lẽ cũng không còn là chuyện quan trọng. Bởi lẽ còn gì hạnh phúc cho một người viết khi được bao thế hệ người đọc mê đắm bút lực, thuộc nằm lòng từng tên nhân vật, thói quen, tính cách, ngoại hình, địa danh liên quan nơi từng bộ sách, thậm chí thuộc từng lộ võ công sở đắc của từng nhân vật và môn phái, hoặc từng cung cách thưởng thức ẩm-thực-cầm-kỳ-thi-họa-tửu đậm nét văn hóa nghệ thuật nơi này nơi kia...

Cung tiễn Kim Dung tiên sinh đã hoàn thành tâm nguyện từ khi xuống xứ Trái đất đến lúc rời đi, làm khách giang hồ phiêu lãng xuyên thế kỷ.

Hiện tượng người người đọc truyện Kim Dung có lẽ đỉnh điểm là tháng 12-1963, hơn 40 tờ nhật báo ở Sài Gòn đều phải đăng dài kỳ tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, nếu không báo sẽ rớt lượng phát hành như tuột dốc không phanh với bạn đọc của mình.

Hơn 30 nhà xuất bản cũng đua nhau in sách "chưởng", thậm chí còn có cả sách "giả Kim Dung" từ các dịch giả truyện chưởng mọc lên như nấm sau mưa.

Học cách "đại hiệp" Kim Dung sống: Đại náo một trận, lặng lẽ rời đi! Học cách 'đại hiệp' Kim Dung sống: Đại náo một trận, lặng lẽ rời đi!

TTO - Kim Dung từng nói: 'Tôi hy vọng sau khi chết, 100 năm, 200 năm sau vẫn có người đọc tiểu thuyết của tôi, như thế tôi đã mãn nguyện'.

PHƯỚC CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên