15/09/2017 11:19 GMT+7

Ngành thuế đừng tận thu mà hãy bỏ tép bắt tôm

L.THANH
L.THANH

TTO - Các đại gia thì được ưu đãi thuế, còn các hộ kinh doanh nhỏ thì đang bị tận thu. Các chuyên gia cho rằng ngành thuế cần bỏ tép bắt tôm mới là cải cách.

Thuế nên “bỏ con tép, bắt con tôm” - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, các sản phẩm nước ngọt, trà và cà phê đóng gói sẽ bị đội giá thành, khó tiêu thụ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bỏ tép đi mà tìm bắt tôm

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng với những đối tượng nộp thuế có đóng góp rất nhỏ, cần xem xét có nên thu hay không khi chi phí cho công tác hành thu còn lớn hơn số tiền thuế thu được.

Trong thực tế, ngành thuế hiện bố trí đến 24% tổng số cán bộ của đội ngũ cho quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nhưng tổng số thuế thu được chỉ chiếm 2% tổng thu ngân sách.

"Có những trường hợp trả lương cho cán bộ thuế 4 triệu đồng/tháng nhưng lại chỉ thu được 200.000 đồng tiền thuế và phải đi vài lần mới thu được do đây là hộ kinh doanh ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu vùng xa" - bà Phạm Chi Lan dẫn chứng.

Cũng theo bà Lan, việc sửa luật thuế lần này cần phải xem xét cải cách công tác hành thu thuế, bởi hoạt động này đang gây tốn kém rất nhiều cho ngân sách. 

Trong khi đó, nếu tổ chức thu hợp lý và hiệu quả sẽ góp phần giảm áp lực cho ngân sách.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng xem xét ưu đãi về thuế, nhất là ưu đãi thuế cho các đại gia. Chỉ cần bớt ưu đãi về thuế, có thể đủ bù đắp cho việc tăng thuế VAT từ 10% lên 12% và tiếp đến là 14% như đề xuất của Bộ Tài chính.

"Tóm lại, chỉ nên tập trung thu vào những chỗ lớn, cải cách công tác hành thu đi. Đây là những vấn đề mà Bộ Tài chính cần phải đưa vào trong việc sửa đổi luật thuế lần này" - bà Lan gợi ý.

Cũng tại hội thảo, các ý kiến băn khoăn về đánh giá tác động của việc sửa đổi bổ sung 5 luật thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tài nguyên) vẫn còn nhiều thông tin chưa rõ. 

Chẳng hạn, theo các chuyên gia, cơ quan soạn thảo cần tính toán việc tăng thuế lần này sẽ giúp ngân sách tăng thu bao nhiêu và tính được ngành nào sẽ bị thua thiệt, ảnh hưởng nhiều nhất.

Một số chuyên gia bày tỏ băn khoăn liệu việc sửa đổi 5 luật thuế lần này có phù hợp với chương trình tái cơ cấu nền kinh tế hay không. 

Giảm quy mô sản xuất, lao động mất việc

Trong công văn vừa gửi đến Chính phủ và các bộ ngành liên quan, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) kiến nghị xem xét không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt, trà và cà phê uống liền đóng gói ở mức 10% như đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đang được đưa ra lấy ý kiến.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như làm tăng giá các sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ và doanh thu, dẫn đến giảm quy mô sản xuất, lao động mất việc.

Đây cũng là cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển.

T.V.N.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên