Bất chấp tiến độ lạc quan của cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra ở Cairo khi phái đoàn Hamas đã có những nhân nhượng "cực kỳ hào phóng" với điều kiện ngừng bắn từ phía Israel, chính quyền ông Netanyahu vẫn phát động cuộc chiến vào cửa khẩu Rafah - thành trì cuối cùng của Hamas ở Dải Gaza từ ngày 6-5.
Điều hướng áp lực bên ngoài
Áp lực toàn diện từ dư luận đối với cuộc chiến Rafah dường như đã được phía Israel chủ động phân tách thành ba vùng ảnh hưởng, sau đó áp dụng các biện pháp cụ thể để gây "áp lực ngược" nhằm triệt tiêu dần ý chí của các bên gây trở ngại.
Đầu tiên chính là xu hướng phong tỏa sự phản đối của dư luận quốc tế đến từ "khu vực ngoại vi". Phạm vi này bao gồm những nguồn thông tin được truyền tải toàn cầu nhưng gây bất lợi cho cuộc chiến ở Rafah, được phía Israel áp dụng các biện pháp "áp lực tối đa".
Gần đây nhất chính là động thái nội các thời chiến của ông Netanyahu bỏ phiếu nhất trí đóng cửa "ngay lập tức" các văn phòng của mạng lưới truyền thông Al Jazeera ở Israel (bao gồm ở khu vực Đông Jerusalem) từ ngày 5-5 vì cáo buộc hãng này tuyên truyền hậu thuẫn cho lực lượng Hamas.
Không chỉ vậy, đích thân Thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ở The Hague. Ông cho rằng những nội dung cáo buộc Israel đang vi phạm tội diệt chủng ở Gaza "không chỉ sai mà còn quá đáng" khi Israel vẫn cam kết đảm bảo viện trợ nhân đạo và sinh mạng người dân Palestine.
Khác với sự điều hướng nhằm phong tỏa tuyệt đối áp lực dư luận ở "ngoại vi", Israel lại có lập trường duy trì áp lực "nửa vời" đối với các nguồn thông tin xuất phát hoặc có ảnh hưởng trực tiếp đến các "khu vực láng giềng". Cụ thể nhất là việc Israel chấp thuận tham gia vào quá trình đàm phán hòa bình với phong trào Hamas ở Cairo do Ai Cập làm trung gian điều phối, nhưng lại không đồng ý thỏa thuận trọn gói về cả hai vấn đề con tin và ngừng bắn do "bộ đôi" Ai Cập - Qatar đề xuất được Hamas và cả Mỹ ủng hộ vào ngày 6-5.
Thêm vào đó, Israel cũng đang tiến hành mở cửa "nửa vời" cho các hoạt động viện trợ nhân đạo ở cửa khẩu Kerem Shalom kể từ ngày 8-5 do áp lực từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Mặc dù Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã công bố một đoạn clip cho thấy nhiều xe tải chở hàng viện trợ đã được di chuyển qua cửa khẩu Kerem Shalom nhưng các cơ quan nhân đạo của Liên Hiệp Quốc xác nhận chưa có chuyến hàng viện trợ nào được chuyển đến và chưa có ai nhận được viện trợ từ phía Palestine kể từ khi chiến sự Rafah bùng nổ.
Kịch bản hậu chiến duy nhất
Có thể thấy, nội các thời chiến của ông Netanyahu đã điều hướng rất quyết đoán nhằm từng bước giảm thiểu (ở láng giềng) và triệt tiêu (ở ngoại vi) về tổng thể các nhóm áp lực dư luận gây bất lợi. Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất của Israel vẫn nhằm gây áp chế toàn diện tất cả các bên gây trở ngại để thực hiện kịch bản hậu chiến như mong muốn ở "khu vực lõi" Rafah.
Kịch bản hậu chiến này tương tự như kế hoạch quản trị dân sự Dải Gaza với sự giám sát của IDF được Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đề xuất vào ngày 4-1. Trong đó, Israel sẽ duy trì "thỏa hiệp tối thiểu" khi cho phép một công ty tư nhân Mỹ được quyền điều phối các hoạt động ở cửa khẩu Rafah, cũng như chấp nhận tiến hành các hoạt động tấn công đơn lẻ ở Rafah chứ không tiến đánh toàn diện như cảnh báo về "giới hạn đỏ" của chính quyền ông Biden. Tất cả cũng chỉ nhằm đánh đổi một sự thỏa hiệp từ phía Mỹ đối với viễn cảnh IDF được phép quản lý toàn bộ Dải Gaza thời hậu chiến.
Sự chấp thuận mở cửa trở lại tuyến hành lang nhân đạo Cyprus - Gaza nhưng có sự hỗ trợ từ một cầu cảng nổi trị giá 320 triệu USD mà phía Mỹ đã gấp rút xây dựng và hoàn thành vào ngày 8-5 cũng là một bước triển khai "thỏa hiệp tối thiểu" giữa Israel với Mỹ.
Thêm vào đó, việc IDF công bố các khu vực nhân đạo ngược lên miền trung Gaza để di tản hơn 100.000 người dân Palestine ra khỏi khu vực chiến sự ngoại ô Rafah từ ngày 5-5 nhưng được tất cả các tổ chức nhân đạo đánh giá là không đủ nhu yếu phẩm, không đủ an toàn cũng cho thấy sự tuân thủ kịch bản điều hướng "di tản tự nguyện" của người dân ra khỏi Dải Gaza của phía Israel.
Nhìn chung, nội các thời chiến của Thủ tướng Netanyahu đang triển khai chiến thuật điều hướng dư luận rất quyết đoán ở cả hai khu vực ngoại vi và láng giềng nhằm tập trung toàn lực vào các kịch bản hậu chiến như mong muốn ở vùng lõi Rafah nói riêng và toàn bộ Dải Gaza nói chung. Sự cao tay trong thuật điều hướng từ phía Israel sẽ khiến những nỗ lực trung gian hòa giải lẫn lập trường đàm phán của phái đoàn Hamas ngày càng lâm vào thế khó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận