13/09/2017 17:33 GMT+7

Tác quyền âm nhạc tivi trong khách sạn sẽ đếm bằng... tay

V.V.TUÂN - TRƯỜNG TRUNG
V.V.TUÂN - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Ngày 13-9, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng ra văn bản tái khẳng định không nộp phí tác quyền đối với tivi cho đến khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam làm rõ cơ sở pháp lý thu tiền.

Tác quyền âm nhạc tivi trong khách sạn sẽ đếm bằng... tay - Ảnh 1.

Nhiều khách sạn ở Đà Nẵng phản đối việc tái thu tiền tác quyền âm nhạc với mức giá 25.000 đồng/phòng có tivi/năm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

“Hàn Quốc là đất nước hiện đại mà cũng mới chỉ đo đếm được tần suất sử dụng bài hát trong các chương trình karaoke. Chúng tôi làm sao có khả năng làm được giống họ. Chúng tôi làm với tất cả cảm giác là chúng tôi đang thực thi pháp luật VN và thế giới, dù phải đo đếm bằng tay, bằng miệng

Nhạc sĩ PHÓ ĐỨC PHƯƠNG (giám đốc VCPMC)

Đó là khẳng định của bà Dương Thị Thơ - phó chủ tịch phụ trách Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng - khi nghe thông tin Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sẽ tái thu tiền tác quyền âm nhạc đối với tivi trong khách sạn.

"Chưa thông, chúng tôi sẽ không nộp..."

Theo bà Thơ, từ khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bị yêu cầu tạm ngưng việc thu phí tác quyền đối với tivi trong khách sạn (tháng 5-2017) đến nay, đơn vị này chưa làm việc và đưa ra giải thích với các khách sạn tại Đà Nẵng nên hiệp hội sẽ "phản đối đến cùng" việc thu phí với tivi. "Chưa thông, chúng tôi sẽ không nộp dù là một xu" - bà Thơ nói.

"Mới đây chúng tôi có cuộc họp với anh Bùi Nguyên Hùng - cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch). 

Anh Hùng có nói ba lý do cục yêu cầu dừng thu là: chưa xác định được tác phẩm đã khai thác sử dụng của tác giả có ủy quyền, chưa có căn cứ khoa học khi đưa ra mức biểu giá thu và trung tâm đơn phương đưa ra mức thu chứ chưa qua thỏa thuận với người dùng. 

Vậy tôi hỏi đến nay Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã chứng minh được những điều như trên hay chưa mà tái thu? Dù vài chục nghìn mà không hợp lý cũng đừng hòng chúng tôi trả" - bà Thơ nói.

Bà Thơ cho rằng việc thu như vậy là "phí chồng phí" bởi các khách sạn đã chi trọn gói cho các đơn vị truyền hình cáp. Hơn nữa, tivi ở khách sạn là một tập hợp cả trăm chương trình chứ không riêng về âm nhạc.

Trao đổi với báo chí ngày 12-9, ông Bùi Nguyên Hùng khẳng định tại cuộc họp với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vào ngày 18-8 mới đây, đơn vị này chỉ nhắc lại nội dung biên bản làm việc từ tháng 5-2017.

Nội dung cuộc họp là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tạm dừng thu tiền quyền tác giả tại các phòng nghỉ khách sạn có tivi cho đến khi xác định tác phẩm âm nhạc được sử dụng là của những tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Ông Hùng cho biết hiện tại đã có các ứng dụng trích xuất những bài hát được phát sóng trên kênh nào, tần suất sử dụng bao nhiêu... và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào việc này.

Ở khách sạn phải đóng tiền xem nhạc trên tivi Ở khách sạn phải đóng tiền xem nhạc trên tivi Khách xem tivi hay không, khách sạn vẫn phải trả tiền tác quyền Khách xem tivi hay không, khách sạn vẫn phải trả tiền tác quyền Muốn thu phí âm nhạc tivi phải chứng minh khách có xem tivi Muốn thu phí âm nhạc tivi phải chứng minh khách có xem tivi

"Rất vất vả để có từng đồng cho nhạc sĩ"

Ông Phó Đức Phương - giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - khẳng định nếu đòi hỏi việc chứng minh khách vào thuê phòng nghỉ khách sạn có xem tivi hay không mới được thu tiền bản quyền âm nhạc là điều không ai có thể làm được. 

Ông khẳng định lại về nguyên tắc, khi chủ khách sạn tạo điều kiện cho công chúng có thể tiếp cận tác phẩm âm nhạc thì dù khách đến ở có xem tivi hay không, khách sạn vẫn phải trả tiền quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng.

"Trong chương trình tivi mở bài hát nào thì các đài truyền hình sẽ cung cấp cho chúng tôi. Dựa trên danh mục đó chúng tôi sẽ xác định những bài nào thuộc phạm vi ủy quyền của chúng tôi và phân phối đến tác giả. 

Khi thu 25.000 đồng mỗi phòng có tivi trong khách sạn một năm, chúng tôi phải chia cho 4 triệu tác giả quốc tế và 4.000 tác giả VN. Các cán bộ của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam rất vất vả để có từng đồng cho nhạc sĩ" - ông Phương phân trần.

Về việc chứng minh ủy quyền, ông Phương cho biết Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sẽ đăng tải thông tin các tác phẩm của các tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam lên website, tuy nhiên điều này không thể làm xong một sớm một chiều.

Trả lời câu hỏi vậy mức thu cào bằng 25.000 đồng mỗi phòng khách sạn có tivi mỗi năm có thể sẽ "thu nhầm" cả những tác giả chưa ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, ông Phương giải thích số tiền đó là chỉ tính cho con số tương đối khoảng 80% tác giả trong và ngoài nước đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. 

Điều này chỉ có thể ước tính tương đối chứ không thể tuyệt đối.

"Giả dụ chúng tôi chỉ kiểm soát 50% số lượng âm nhạc thì chúng tôi vẫn có thể đòi 25.000 đồng mỗi năm trên một phòng khách sạn có tivi. Giá của chúng tôi là như vậy. Còn nếu không thì chúng tôi phải thu đến 40.000 đồng, 50.000 đồng...". 

Ông lập luận thêm trước đây Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chưa nói rõ điều này, nên bây giờ giải thích rõ hơn.

Ông cũng cam kết sẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đo đếm tần suất sử dụng âm nhạc để thu tiền bản quyền, nhưng chưa thể xây dựng hệ thống đó ngay.

Về các điều kiện để Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có thể thu phí âm nhạc trên tivi trở lại, ông Bùi Nguyên Hùng nói rõ:

"Vấn đề mấu chốt phải xác định được trong phòng khách sạn có tivi thì có phát chương trình sử dụng các tác phẩm âm nhạc hay không?

Những tác phẩm âm nhạc đó có phải thuộc tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hay không?

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải chứng minh được hợp đồng ủy quyền của các tác giả đó.

Nếu không chứng minh được thì đơn vị khai thác, sử dụng có quyền từ chối. Phải xác định rõ ràng như vậy thì hai bên mới có thể thương lượng thu tiền".

V.V.TUÂN - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên