08/11/2012 06:55 GMT+7

Thu phí tác quyền âm nhạc: Cuộc chiến bắt đầu

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết vừa chuyển hồ sơ của 8 khách sạn, một công ty tổ chức biểu diễn và một website âm nhạc sang Văn phòng luật sư Phạm và liên danh để giải quyết.

1-11: bắt đầu thu phí tải nhạc trực tuyếnĐường dài thu phí nhạc sốBộn bề chuyện thu phí tải nhạc

WkFcHH5u.jpgPhóng to
Sau trang web này còn một danh sách dài mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khẳng định sẽ “tuyên chiến”

Theo đó, nếu các đơn vị này vẫn tiếp tục hành vi xâm phạm quyền tác giả, bất hợp tác với VCPMC - phía đại diện quyền lợi các nhạc sĩ, văn phòng luật sư sẽ hoàn tất thủ tục khởi kiện ra tòa. Bước đầu, Văn phòng luật sư Phạm và liên danh đang xúc tiến việc gửi thông báo đến các bên liên quan.

Ra tòa: lựa chọn bất đắc dĩ!

Đó là chia sẻ của luật sư Phạm Thanh Thủy (VCPMC) về động thái quyết liệt này của VCPMC. “Đây mới chỉ là những cái tên ban đầu. Còn có một danh sách dài phía sau về các bên xâm phạm quyền tác giả mà chúng tôi sẽ phải giải quyết. Bước đầu, chúng tôi và phía văn phòng luật sư sẽ làm việc với những bên vi phạm trong thời gian dài và phớt lờ những đề nghị của chúng tôi. Dĩ nhiên, ra tòa là lựa chọn bất đắc dĩ và cuối cùng. Nhưng nếu không làm mạnh tay thì họ sẽ nhờn” - luật sư Thủy cho biết.

Trước khi quyết định chuyển hồ sơ sang văn phòng luật sư, phía VCPMC đã liên tục gửi công văn cho các bên nhưng hoàn toàn không nhận được hồi đáp. Tám khách sạn bị VCPMC liệt kê vi phạm quyền tác giả bao gồm: Hanoi Daewoo, khách sạn Hà Nội, InterContinental Hanoi Westlake, Sofitel Plaza Hanoi, Melia Hanoi, Metropole, Sheraton và Hanoi Horison. Theo số liệu từ VCPMC, từ năm 2007-2010, các khách sạn này đều trả tiền tác quyền cho các hoạt động sử dụng nhạc của mình. Nhưng từ năm 2010 trở đi, tám khách sạn này đều từ chối chi trả với lý do “Chính phủ chưa có biểu giá cụ thể”. Những vi phạm của các khách sạn này được thống kê gồm nhạc sử dụng tại nhà hàng, quầy bar, nhạc sống tại các buổi biểu diễn, sự kiện, hệ thống truyền hình. Hiện mức thu đối với các khách sạn áp dụng theo mức giá của VCPMC đưa ra.

Trường hợp Công ty cổ phần tổ chức sự kiện CM Việt Nam thì từ chối nộp tiền tác quyền tổ chức hai đêm diễn của live show Chế Linh bài ca kỷ niệm tại Hải Phòng và Đà Nẵng. Còn trang web âm nhạc bị VCPMC điểm tên là teenpro.vn - website cho phép nghe nhạc trực tuyến, tải nhạc, cung cấp nhạc chờ của Công ty cổ phần đầu tư công nghệ và địa ốc Interland. Tác giả của nhiều bài hát được đăng tải trên trang này đã ký hợp đồng ủy thác với VCPMC. Do đó, VCPMC cũng thống kê danh sách các bản nhạc được sử dụng trên trang web mà chưa có được sự đồng ý của VCPMC.

Tuyên chiến với hành vi xâm phạm quyền tác giả

Ngoài việc viện lý do chưa có biểu giá của Chính phủ thì cũng có rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho hành vi xâm phạm quyền tác giả. “Chương trình Chế Linh bài ca kỷ niệm ở Hải Phòng gần như cháy vé, vé 3 triệu đồng cũng không có để mua. Thế nhưng công ty tổ chức chỉ định trả 3 triệu đồng tiền tác quyền cho toàn bộ đêm diễn. Rồi họ phủi tay: không thu thì thôi. 3 triệu đồng tiền tác quyền cho các nhạc sĩ quá bèo bọt so với đêm diễn hàng trăm chỗ ngồi và bán vé với giá cao ngất ngưởng” - đại diện VCPMC nói.

Công văn qua lại nhiều lần, mới đây công ty quản lý trang teenpro.vn gửi đến VCPMC một văn bản khẳng định: “Với tất cả những tác phẩm đăng tải trên teenpro.vn, công ty có đầy đủ bản quyền khai thác hợp pháp, tuy nhiên chúng tôi chỉ có trách nhiệm xuất trình các bằng chứng này khi có yêu cầu chính thức từ cơ quan có thẩm quyền”. Văn bản do tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư công nghệ và địa ốc Interland Phạm Thị Vinh Hoa ký còn đề nghị VCPMC dừng ngay việc tiếp tục gửi công văn yêu cầu bất hợp lý làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hằng ngày, cản trở quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Phạm Hữu Khánh Toàn (Văn phòng luật sư Phạm và liên danh) cho biết: “Mỗi bên đều có lý do biện minh cho mình khi không đóng phí tác quyền. Hiện nay, các bên cần một khoảng thời gian hợp lý để thương lượng, nếu tránh được việc đưa nhau ra tòa sẽ đỡ phiền phức. Tuy nhiên, nếu phía các công ty kia bất hợp tác thì chắc chắn sẽ phải khởi kiện ra tòa”.

Việc chuyển sang văn phòng luật sư và tính tới chuyện đưa nhau ra tòa là kết quả của một nỗ lực trao đổi để đi đến thống nhất việc thu phí tác quyền âm nhạc. “Cũng coi như VCPMC bó tay với các công ty này sau nỗ lực thuyết phục hay nhờ vào bàn tay của thanh tra văn hóa” - đại diện VCPMC than thở. Với danh sách kéo dài dằng dặc các công ty, đơn vị vi phạm bản quyền, bản thân VCPMC cũng xác định cuộc chiến mới chỉ bắt đầu. “Chiến dịch này sẽ tuyên chiến với tất cả những hành vi vi phạm và xâm hại quyền tác giả. Sắp tới, chúng tôi sẽ hợp tác với thanh tra của Bộ Thông tin - truyền thông để các bên cùng vào cuộc” - luật sư Phạm Thanh Thủy cho biết.

Chiều 7-11, ông Vũ Ngọc Hoan (phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ VH-TT&DL) khẳng định quan điểm của cục là phải thực hiện nghiêm túc quyền tác giả và quyền liên quan. Việc đưa nhau ra tòa về vấn đề xâm hại quyền tác giả diễn ra khá thường xuyên ở nước ngoài. Ở Việt Nam, đây không phải là lần đầu tiên nhưng hầu hết đều được thương lượng trong quá trình hòa giải của tòa.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên