Cụ thể, miền Bắc và miền Trung sẽ bước vào mùa hè với nắng nóng gay gắt. Còn miền Nam, Tây Nguyên chuyển sang mùa mưa sau nhiều tháng liền nắng hạn.
Những dự báo này có thể giúp người dân chủ động hơn trong nhiều hoạt động của cuộc sống, đặc biệt với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Bắc Bộ, Trung Bộ khô hạn, hụt nước
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết trong 3 tháng tới (từ tháng 5 đến tháng 7) hiện tượng El Nino vẫn duy trì nhưng cường độ suy yếu dần. Thời gian sau đó có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75 - 80%.
Ông Lâm cho biết hiện áp thấp nóng phía tây đang hoạt động mạnh dần nên nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có xu hướng gia tăng nhiều hơn trong thời kỳ từ tháng 5 đến tháng 7.
"Năm nay, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ", ông Lâm cảnh báo. Đối với mùa mưa, ông Lâm cho biết tại khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ có khả năng rơi vào thời gian tương đương so với trung bình nhiều năm.
Về dự báo lượng mưa, từ tháng 5 đến tháng 7, Bắc Bộ ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Theo ông Lâm, lượng mưa ít hơn cùng với nắng nóng gay gắt nên từ tháng 5 đến tháng 7, dòng chảy trên các sông, hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Cụ thể, dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt từ 30 - 40%. Riêng hồ Hòa Bình trong tháng 5 khả năng lớn hơn trung bình các năm do có sự cấp nước bổ sung từ các hồ chứa thượng nguồn. Đối với dòng chảy đến hồ Thác Bà (sông Chảy) và hồ Tuyên Quang (sông Gâm) khả năng ở mức thiếu hụt từ 20 - 30% so với trung bình nhiều năm.
Đối với khu vực Trung Bộ, trong tháng 5, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt từ 10 - 30% so với trung bình nhiều năm. Sang tháng 6 lượng mưa tương đương các năm. Còn tháng 7, ở Bắc Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình các năm, còn Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 15 - 30%.
Tại Trung Bộ, khô hạn có khả năng xuất hiện và kéo dài trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 4 đến tháng 7. Thời kỳ cuối tháng 4 và tháng 5, mực nước trên các sông ở Trung Bộ biến đổi chậm. Trong tháng 6 và 7, trên thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An xuất hiện các đợt dao động, các sông khác biến đổi chậm.
Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, sông Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), các sông ở Bình Định, Khánh Hòa và bắc Bình Thuận ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 10 - 30% so với trung bình nhiều năm. Các sông khác ở mức thấp hơn từ 15 - 55% so với trung bình nhiều năm.
Riêng các sông Bến Hải (Quảng Trị), sông Ba (Phú Yên) và sông La Ngà (nam Bình Thuận) sẽ thiếu hụt nhiều và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 65 - 80%.
"Từ tháng 5 đến 7 năm nay, tình trạng khô hạn và thiếu nước diễn ra tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, từ Phú Yên đến Bình Thuận, đặc biệt tại những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi", ông Lâm nói.
Nam Bộ, Tây Nguyên giữa tháng 5 mới có mưa
Trong khi đó, ông Lê Đình Quyết, trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 6, gió mùa tây nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn, khả năng mưa gia tăng.
"Mùa mưa ở các tỉnh Nam Bộ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi hoạt động của gió mùa tây nam. Do có nguồn gốc từ biển và hình thành trên vùng biển nhiệt độ mặt nước cao nên gió mùa tây nam mang khối không khí nóng ẩm, tiềm năng ẩm dồi dào và gây mưa cho đất liền", ông Quyết phân tích.
Từ ngày 10 đến 15-5 sẽ có một số nơi bước vào mùa mưa bao gồm các tỉnh miền Đông Nam Bộ (trừ Bà Rịa - Vũng Tàu), sau đó đến các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang. Những tỉnh mùa mưa đến muộn nhất gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre. Nhiều khả năng sẽ bắt đầu mùa mưa trên toàn Nam Bộ khoảng từ 17 đến 22-5.
Nửa đầu tháng 5 là thời kỳ chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Thời kỳ này sẽ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa lớn, đặc biệt là sét. Trong thời kỳ này sẽ có nhiều cơn mưa chuyển mùa. Thời tiết Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ có phần dịu mát sau thời gian nắng nóng kéo dài.
TP.HCM đề nghị người dân linh hoạt trữ nước ngọt, dùng nước tiết kiệm
UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các sở ban ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện các phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô.
Đồng thời cần tuyên truyền người dân có hình thức linh hoạt trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị xác định các khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt để chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Ngoài ra cần chủ động nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng bị bồi lắng, tắc nghẽn để khôi phục, tăng khả năng trữ nước. Vận hành hợp lý các cống điều tiết để đảm bảo ngăn mặn, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận