04/11/2022 08:52 GMT+7

Thoát nước mưa đường nào ngắn nhất, nhanh nhất?

KHOA THƯ
KHOA THƯ

TTO - Được xem như đô thị trẻ, Đà Nẵng như bị "tổn thương" sau trận ngập vừa rồi. Đô thị cần gì để có thể chịu được những cơn mưa với tần suất lớn hơn?

Thoát nước mưa đường nào ngắn nhất, nhanh nhất? - Ảnh 1.

Tuyến đường Nguyễn Văn Linh, trung tâm TP Đà Nẵng ngập nặng mỗi khi có mưa lớn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của kiến trúc sư Hoàng Sừ, ủy viên ban chấp hành Hội Quy hoạch đô thị TP Đà Nẵng.

Có dịp nghiên cứu nhiều khu vực đô thị trên cả nước, tôi nhìn nhận hiếm có nơi nào có lợi thế về thoát nước mưa tốt như ở Đà Nẵng. Ít có đô thị nào được biển bao bọc như ở đây, trong lòng đô thị lại có những sông lớn nhỏ để thoát nước và rất nhiều tuyến kênh, hồ rộng gom nước ra biển. 

Thuận lợi hơn nữa là địa hình ở đây dốc nên nước mặt thoát rất nhanh.

Sau khi phân tích các dữ liệu, chúng tôi nhận thấy mực nước trên sông Hàn, sông Cẩm Lệ vào đêm mưa rất thấp nhưng trong nội đô ngập rất dữ, tuyến thoát nước đã không đáp ứng được việc đưa nước ra sông ra biển một cách nhanh nhất. 

Nguyên nhân của việc này, theo tôi, là chúng ta đã phát triển đô thị một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát với mật độ xây dựng cao.

Đà Nẵng từng có nhiều "túi nước" là toàn bộ cánh đồng Hòa Xuân, Cẩm Lệ và cũng có một số hồ tiêu nước nhưng gần như mất hết. Việc bê tông hóa nền đường, nền vỉa hè, sân bãi... và mái nhà san sát đã triệt tiêu việc thấm tự nhiên. Bao nhiêu nước đều đổ xuống cống.

Chuyện ở Đà Nẵng là bài học cho nơi khác rút kinh nghiệm. Còn cơ hội thì chúng ta phải kiểm soát ngay từ đầu, chặt chẽ về mật độ xây dựng. 

Ví dụ như mật độ xây dựng, mật độ dân cư phải được quy định 40% là cao nhất. Còn lại phải để cây xanh, thảm cỏ, hệ thống giao thông, hệ thống hạ tầng cho nhu cầu con người và thiên nhiên...

Tôi cho rằng Đà Nẵng đã có thời kỳ thiếu kiểm soát về mặt quy hoạch, phát triển đô thị nên để ảnh hưởng lớn đến tiêu thoát nước chung. Ở khu vực bị ngập sâu vừa qua lại có tình trạng cống thoát nước chạy lòng vòng thay vì đổ thẳng ra biển. 

Đơn cử như cả khu vực Hòa Cường ở ven sông Hàn chỉ có một cống nước mưa đoạn chân cầu Trần Thị Lý, trong khi hoàn toàn có thể tạo thêm các đường gom nước vuông góc với sông Hàn.

Sau đợt ngập nặng, nhiều người cũng sẽ dần lưu ý những hành động nhỏ nhưng tác hại lớn như việc đổ rác, phá hoại hệ thống thoát nước. Đó là những việc diễn ra hằng ngày, rác tích tụ cả năm trời, đến khi mưa lớn thì ứ đọng. 

Ý thức người dân có thể sửa được, nhưng việc không đo lường trước tác động đô thị hóa của người làm quy hoạch và quản trị là cái đáng ngại nhất.

Có thể cải thiện được tình trạng ngập nếu như quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới cống chính với mục tiêu đưa các đường gom nước chính ra sông, ra biển một cách ngắn nhất, nhanh nhất. Đặc biệt, hệ thống cống gom cuối cùng đổ ra sông, biển phải đủ năng lực tiêu thoát.

Tại các khu vực ngập nặng, cần thêm các cống phụ trợ. Chẳng hạn như hệ thống cống trên đường Nguyễn Văn Linh, Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu) dù lớn nhất ở Đà Nẵng như chỉ rộng 2,5m là chẳng ăn thua so với đợt mưa vừa rồi.

Quận ngập nặng nhất Đà Nẵng vẫn ngổn ngang bùn đất Quận ngập nặng nhất Đà Nẵng vẫn ngổn ngang bùn đất

TTO - Hơn ba ngày sau trận ngập lịch sử, nhiều khu dân cư ở quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) vẫn đầy bùn non trên đường phố. Các lực lượng chức năng phải dùng xe ủi, xe múc để dọn dẹp.

KHOA THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên