16/11/2023 10:24 GMT+7

Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM: Cơ hội có thêm một công trình công cộng

Đi tìm thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM, người dự thi cũng có thể theo hướng một công trình nghệ thuật công cộng tạo điểm nhấn mỹ quan cho đô thị, góp phần thể hiện sự chuyển động mới của TP hôm nay.

Họa sĩ Siêu Quý (phải) và giám tuyển Ace Lê chia sẻ về ý tưởng cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM  - Ảnh: NVCC

Họa sĩ Siêu Quý (phải) và giám tuyển Ace Lê chia sẻ về ý tưởng cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM - Ảnh: NVCC

Cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM do Sở Ngoại vụ TP.HCM cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Công ty xi măng INSEE đồng hành. Dự kiến công trình được đặt tại công viên Lam Sơn (quận 1).

Tên cuộc thi là Thiết kế công trình biểu tượng hữu nghị không có nghĩa thiết kế một cái bảng chỉ dẫn các nước có quan hệ hữu nghị với TP.HCM là xong. Thiết kế này phải mang yếu tố "động" thay vì "tĩnh", nên đi cùng các hoạt động biểu trưng bổ trợ để không gian đó trở thành một không gian công cộng thực sự "sống" trong lòng đô thị.

Họa sĩ Siêu Quý

Nghệ thuật công cộng cũng phải vận động cùng đời sống

Họa sĩ Siêu Quý - phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - cho rằng cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM do Sở Ngoại vụ TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức là một ý tưởng hay. 

Ông Quý kể tại lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ dịp đầu năm mới thường có một không gian giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng đón mừng năm mới của các quốc gia. Ý tưởng do Sở Ngoại vụ TP.HCM và các cơ quan liên quan, tổng lãnh sự quán các nước tại TP phối hợp tổ chức.

"Đó là nét chấm phá thú vị giúp quảng bá hình ảnh, văn hóa của Việt Nam ra thế giới, giúp người dân TP hiểu thêm về văn hóa các nước; đồng thời kết nối, tạo sân chơi văn hóa sáng tạo cho cộng đồng ngoại giao tại TP. Tuy nhiên, nó chỉ diễn ra trong khoảng 10 ngày và khép lại. Quá ít" - ông Quý đánh giá.

Họa sĩ Siêu Quý chia sẻ TP.HCM đang mở cửa chào đón tất cả các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác. 

Nếu có một không gian cố định cho những hoạt động trên, đồng thời có tính nghệ thuật, thể hiện bước chuyển mới của TP thì "hay quá". 

"Đặt trong bối cảnh TP.HCM đang thiếu những không gian công cộng ngoài trời, tôi xem đây là một trong những cơ hội để TP.HCM có thêm một công trình nghệ thuật công cộng" - ông Quý bày tỏ góc nhìn.

Còn với giám tuyển Ace Lê, bên cạnh việc bảo tồn những công trình có giá trị lịch sử, TP.HCM vẫn thiếu những không gian nghệ thuật công cộng mang hơi thở đương đại. 

Tuy nhiên, ở TP.HCM cũng như Việt Nam nói chung, hiện các công trình nghệ thuật công cộng đa số vẫn còn "mang hơi hướng của dòng chảy hiện thực xã hội chủ nghĩa thời chiến và bao cấp".

Dòng chảy này đã từng đóng vai trò quan trọng trong một bối cảnh lịch sử nhất định, khi toàn dân phải đồng lòng vì một mục tiêu chung trước mắt. Tuy nhiên, ngôn ngữ cần vận động theo thời đại. 

"Ở thời điểm kinh tế thị trường và toàn cầu hóa như hiện tại, công trình nghệ thuật công cộng mới cũng phải vận động để phản ánh được hơi thở của thời đại mới với dấu ấn riêng, đa dạng mà vẫn sâu sắc", Ace Lê nói.

Theo giám tuyển Ace Lê, một công trình nghệ thuật công cộng, tuy mang tên yếu tố "nghệ thuật" nhưng thật ra cần ẩn chứa nhiều tính khoa học trong đó.

Sáng tạo đi đôi với cân nhắc thực tế

Giám tuyển Ace Lê nói: "Quá trình thiết kế hay sáng tác công trình nghệ thuật công cộng là một sự cân bằng có tính toán". 

Cụ thể, một mặt phải đảm bảo được tính sáng tạo và chiều sâu cá nhân của tác giả, bởi khi quá nhiều người cho ý kiến thì giải pháp cuối cùng thường là lựa chọn bị ít người phản đối nhất thay vì lựa chọn táo bạo và ấn tượng nhất.

Mặt khác, do đây là công trình thiết kế công cộng dành cho mọi người dân TP và du khách, tính sáng tạo phải đi song song với những cân nhắc thực tế khác như độ an toàn, độ ảnh hưởng tới những công trình hiện có, độ thân thiện với các nhóm thiểu số... 

"Người dự thi có thể tham khảo ý kiến của một số chuyên gia về lĩnh vực này", Ace Lê nói.

Họa sĩ Siêu Quý thích ý tưởng cuộc thi, nhưng ông cũng lưu ý người dự thi nên tránh tính hình thức, minh họa sống sượng cho cuộc thi hoặc mang tính cổ động quá. 

Đồng thời thiết kế phải phát huy được sức trẻ, tính sáng tạo, có thể đưa yếu tố công nghệ vào.

Ông Quý chia sẻ ngoài đảm bảo tính truyền thống lẫn hiện đại, thiết kế nên đáp ứng được ba tiêu chí là tính công năng, tính sáng tạo và tính thẩm mỹ.

Ace Lê trao đổi thêm: "Một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là khả năng nghiên cứu thấu đáo của tác giả để thể hiện tính tương tác, kết nối với văn hóa và cộng đồng bản địa, mà thuật ngữ chuyên môn gọi là "site-specificity" (tính gắn kết với không gian bản địa)".

Giám tuyển Ace Lê cho rằng đây là xương sống cho ý tưởng công trình, từ đó mới triển khai ra các khía cạnh cụ thể khác như kích cỡ, chất liệu... Nếu không có tính "site-specificity" thì hoàn toàn có thể gỡ công trình đó để lắp vào một TP, một địa điểm khác mà không làm thay đổi bản chất của nó.

Thời gian gửi bài dự thi bắt đầu từ ngày 27-10 đến hết 27-12. Hình thức dự thi có thể viết bài, làm đồ họa, video, powerpoint, công trình, dự án... để đưa ra các ý tưởng, phác thảo cụ thể về các biểu tượng phù hợp với TP.HCM hiện nay và sau này. Gửi bài dự thi trực tiếp vào email: bieutuonghuunghi@tuoitre.com.vn.

Cuộc thi có các giải thưởng: 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng, 1 giải nhì trị giá 25 triệu đồng, 1 giải ba trị giá 10 triệu đồng, 5 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải.

Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM: Cơ hội có thêm một công trình công cộng - Ảnh 6.

Mời bạn đọc dự thi ý tưởng thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM

Để quảng bá và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa TP.HCM với các thành phố bạn bè trên thế giới, đồng thời thể hiện sự sáng tạo, bắt kịp xu hướng trong việc tạo điểm nhấn về đối ngoại, giao thương kinh tế, giao lưu văn hóa cũng như chia sẻ về những vấn đề có tính toàn cầu.

Được sự chấp thuận của UBND TP.HCM, Sở Ngoại vụ TP.HCM cùng báo Tuổi Trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Công ty Xi măng INSEE đồng hành, tổ chức cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM.

Cuộc thi là cơ hội để mọi người tham gia đề xuất, nêu ý tưởng, đóng góp sáng kiến, thậm chí phác thảo thiết kế một công trình mang tính biểu tượng "TP.HCM - thành phố hữu nghị toàn cầu".

Đó là biểu tượng mở vì thành phố sẽ tiếp tục kết nghĩa với nhiều thành phố khác trên thế giới để mở rộng quan hệ, tăng tính kết nối, nâng tầm hiểu biết lẫn nhau cùng xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị và tốt đẹp hơn.

Công trình biểu tượng này kỳ vọng là điểm nhấn mỹ quan của thành phố, đồng thời cũng là một điểm đến đặc biệt trong hệ sinh thái du lịch ở trung tâm TP.HCM, dự kiến sẽ được xây dựng tại Công viên Lam Sơn trên trục đường Lê Lợi trước Nhà hát TP.HCM.

Cuộc thi mời gọi các đối tượng dự thi là công dân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam, người nước ngoài ở các địa phương có quan hệ hữu nghị hợp tác với TP.HCM, có thể dự thi theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm.

Thời gian gửi bài dự thi bắt đầu từ 27-10 đến hết ngày 27-12-2023. Hình thức dự thi có thể viết bài, làm đồ họa, video, powerpoint, công trình, dự án... để đưa ra các ý tưởng, phác thảo cụ thể về các biểu tượng phù hợp với TP.HCM hiện nay và sau này.

Gửi bài dự thi trực tiếp vào email: bieutuonghuunghi@tuoitre.com.vn.

Các bản sao giấy tờ liên quan theo quy định khi gửi email phải scan và xuất thành file mềm định dạng JPEG hoặc PDF. Thời gian nhận bài được tính theo thời gian trên thư điện tử.

Cuộc thi có các giải thưởng:

- 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng;

- 1 giải nhì trị giá 25 triệu đồng;

- 1 giải ba trị giá 10 triệu đồng;

- 5 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải.

Kết thúc cuộc thi, lễ trao giải sẽ diễn ra cùng một hội thảo (dự kiến cuối tháng 12-2023) lắng nghe ý kiến lãnh đạo UBND TP.HCM, lãnh đạo các sở ban ngành, chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc cùng các bạn đọc đoạt giải.

Mời bạn tham gia thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCMMời bạn tham gia thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM

Tính đến tháng 10 năm nay, TP.HCM hiện có quan hệ hữu nghị hợp tác với 58 địa phương trên thế giới, trải khắp cả 5 châu lục. Những địa phương kết nghĩa này vừa là nguồn lực vừa là động lực để giúp thành phố phát triển và vươn tầm ra thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên