04/11/2023 09:37 GMT+7

Biểu tượng hữu nghị TP.HCM không cần 'đồ sộ mà ít chất cảm'

ĐẬU DUNG
và 1 tác giả khác

Tiếp tục đi tìm biểu tượng hữu nghị TP.HCM, chúng ta bắt gặp không ít ý tưởng và những gợi mở thú vị, cho thấy TP.HCM tự bản thân mình có thể "sao tác" ra rất nhiều phiên bản kể câu chuyện thành phố hôm nay.

Hai biểu tượng dự thi của bạn Tô Thanh Hiền và Trần Thị Phương

Hai biểu tượng dự thi của bạn Tô Thanh Hiền và Trần Thị Phương

Cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM do Sở Ngoại vụ TP.HCM cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Công ty xi măng INSEE đồng hành. 

Công trình biểu tượng này dự kiến được đặt tại công viên Lam Sơn (quận 1), được kỳ vọng là điểm nhấn mỹ quan của thành phố, đồng thời là một điểm đến đặc biệt trong hệ sinh thái du lịch ở trung tâm TP.HCM.

KTS Nguyễn Đình Hòa

KTS Nguyễn Đình Hòa

Đan cài tính quốc tế và bản địa

KTS Nguyễn Đình Hòa (Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM) nói công trình biểu tượng hữu nghị nên phản ánh hơi thở của thời đại thể hiện qua công nghệ, vật liệu, hình khối, của các ngôn ngữ về mặt kiến trúc. 

Qua đó truyền tải được thông điệp nơi chốn hình thành gắn với điều kiện kinh tế, xu hướng phát triển cũng như văn hóa, lịch sử... kiến tạo nên.

Theo ông Hòa, công trình đó phải đan cài tính quốc tế trong tính bản địa một cách hết sức tinh tế.

Đồng quan điểm, KTS Vũ Đức Chiến (sáng lập nhóm Urban Sketchers Vietnam) cho rằng thiết kế nên hướng đến TP.HCM năng động, hiện đại của tương lai, của công nghệ mới, thời đại số hoặc những ý tưởng hoàn toàn mới như TP.HCM trong thế kỷ 22 chẳng hạn. 

"Một biểu tượng mang tính kiến trúc, điêu khắc hoặc nghệ thuật đương đại sẽ hấp dẫn người xem bằng đa giác quan", ông Chiến gợi ý.

Dự kiến công trình biểu tượng sẽ đặt tại công viên Lam Sơn. Ông Hòa và ông Chiến đều nhận định ở đây không thể đặt tượng hay công trình kiến trúc to, vì liên quan đến tỉ lệ thiết kế và sẽ xung đột với các công trình giá trị trên trục di sản hiện có. 

KTS Nguyễn Anh Quân

KTS Nguyễn Anh Quân

Còn theo KTS Nguyễn Anh Quân, công trình thiết kế biểu tượng hữu nghị "cần đảm bảo tính cộng đồng, tính giao lưu quốc tế, thân thiện với môi trường".

"Đó nên là một công trình mang tính mở, gây chú ý và tập trung mọi người quanh đó. 

Có thể là một cái tháp hoặc một đài phun nước với thiết kế mở ra phía trên, tạo ra không gian đón nhận mọi người vào đó", ông Quân ví dụ. 

Ông Quân cũng lưu ý đến các yếu tố mang tính bền vững: "Có thể tạo ra một công trình đạt hiệu quả về năng lượng, sử dụng vật liệu địa phương, vật liệu tại chỗ hoặc vật liệu tái chế?". 

Ông chia sẻ tính bền vững phải được tính toán cho cả vòng đời sử dụng công trình, từ lúc thiết kế, xây dựng, bảo dưỡng, sử dụng cho đến khi phá dỡ sau 100 năm nữa, và có thể tái chế ra sao...

KTS Vũ Đức Chiến nói thêm, sau khi dọn dẹp tòa tháp đôi bị khủng bố ở Mỹ, người ta tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế để tưởng niệm. 

Cuối cùng, tác phẩm được chọn đơn giản là một mặt phẳng lõm xuống và một cái hồ. Theo ông, ở nước ta có quá nhiều tượng đài hoành tráng, tốn kém nhưng không thực sự đúng ý nghĩa. Đó là những bài học để TP.HCM không phạm phải.

Tương lai cho kiến trúc và mọi thứ đang hướng đến sự đơn giản nhưng có chiều sâu, tác động nhiều đến tâm lý hay nhân sinh quan người thưởng thức thay vì những công trình đồ sộ mà mang ít chất cảm.

KTS Vũ Đức Chiến
KTS Vũ Đức Chiến

KTS Vũ Đức Chiến

Phù hợp với kỷ nguyên số

KTS Vũ Đức Chiến nói thêm: "Có thể lựa chọn thiết kế ứng dụng công nghệ để không phá vỡ cảnh quan xung quanh, đại diện cho đương đại và hướng đến tương lai của thành phố". 

Theo đó, công trình nên sử dụng ngôn ngữ đương đại, phù hợp với kỷ nguyên số, nơi mọi người đều đã quen tiếp cận với công nghệ. 

Công nghệ đang hỗ trợ chúng ta rất tốt, có thể tận dụng và hòa mình vào đó.

Ông Chiến chỉ ra: có thể sử dụng những công nghệ mới về thị giác, tương tác ánh sáng, âm nhạc, chuyển động... để tái hiện một TP.HCM hiện đại, năng động, mang dấu ấn văn hóa các dân tộc, vùng đất của trên bến dưới thuyền, nơi khai mở những cơ hội vào tương lai. 

Đồng thời dễ dàng thay đổi nội dung, tương tác với các sự kiện lớn, những ngày trọng đại, các hoạt động lễ hội, hình ảnh những thành phố hữu nghị khác.

Giảng viên Nguyễn Thị Thanh Vân (khoa công nghệ thông tin Trường đại học Sư phạm TP.HCM) cho rằng hiện ta không thiếu những công cụ, giải pháp về công nghệ. 

Từ đó có thể xây dựng những app điều hành đi kèm để ứng dụng và xử lý hình ảnh, âm thanh, không gian đa chiều mà rất thực, tăng trải nghiệm phong phú cho người dân cũng như du khách. 

Ở đó có thể liên kết đến các cơ sở dữ liệu hoặc trình bày trên màn hình những thông điệp cũng như những thông tin truyền tải mà chúng ta muốn. "Công cụ không thiếu, quan trọng nhất vẫn là ý tưởng phù hợp và khác biệt, mới mẻ", bà Vân nói.

TP.HCM đã có những bước chuyển rất lớn trong việc ứng dụng công nghệ số. Thành phố năng động, cởi mở, hòa nhập, xứng đáng có một công trình biểu tượng liên quan hoặc ứng dụng được công nghệ để thể hiện sức sống mới.

Giảng viên Nguyễn Thị Thanh Vân
Giảng viên Nguyễn Thị Thanh Vân

Giảng viên Nguyễn Thị Thanh Vân

Công trình đẹp sẽ "bắt tần số" rộng

KTS Nguyễn Đình Hòa chia sẻ ngôn ngữ kiến trúc hiện đại đi vào bản chất, nội hàm, vào giá trị cốt lõi của công trình. Cụ thể ở đây, thiết kế phải thể hiện tính năng động, hiện đại, sáng tạo, hội nhập cao, độ mở lớn trên phông bạt nền tảng văn hóa, lịch sử. 

Theo ông Hòa, nếu giải được bài toán tổng thể đó, công trình sẽ đáp ứng được tính thẩm mỹ của thời đại. Đẹp sẽ chạm được vào cảm xúc. Không riêng các bạn trẻ mà tất cả mọi người đều bắt được tần số của nó. Ông nói đây nên là công trình hướng đến tất cả mọi người.

Ông Hòa cũng lưu ý hiện có không ít công trình biểu tượng, đặc biệt khối công trình do Nhà nước đầu tư, chuyển tải quá nhiều thông điệp. Màu sắc chưa được khống chế tốt, biểu tượng hay bị nhiều chữ. 

"Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM nên tránh những hạn chế này. Các thiết kế nên có hơi thở thời đại, sử dụng ngôn ngữ đương đại, thậm chí quốc tế", ông nói.

Về việc ứng dụng công nghệ số, ông Hòa dẫn trường hợp quả cầu LED MSG - màn hình video lớn nhất thế giới - được xem là một trong những biểu tượng mới của Las Vegas, Mỹ. 

Công trình này có độ cao 91,4m, diện tích 53.883m2, được "bọc" hoàn toàn bằng nhiều màn hình LED lập trình với 1,2 triệu bóng đèn LED, làm lu mờ mọi tòa nhà cao tầng xung quanh. 

"Công trình đó rất hiện đại, sống động nhưng nó chỉ hợp để xây ở những khu vực quảng trường lớn. Công trình biểu tượng hữu nghị có ứng dụng công nghệ số ở ta, nên là một cái gì đó phù hợp, nhẹ nhàng và hài hòa với trục di sản bao quanh khu quận 1", ông Hòa chia sẻ.

KTS Nguyễn Đình Hòa cũng nói thêm hiện các đô thị đang bị ô nhiễm ánh sáng. Với sự vận hành của công trình biểu tượng ứng dụng công nghệ, trong đó có yếu tố ánh sáng, cũng nên có sự cân nhắc tần suất sáng, thời gian xuất hiện... ra sao cho phù hợp.

Biểu tượng hữu nghị TP.HCM không cần 'đồ sộ mà ít chất cảm' - Ảnh 8.

Mời bạn đọc dự thi ý tưởng thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM

Để quảng bá và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa TP.HCM với các thành phố bạn bè trên thế giới, đồng thời thể hiện sự sáng tạo, bắt kịp xu hướng trong việc tạo điểm nhấn về đối ngoại, giao thương kinh tế, giao lưu văn hóa cũng như chia sẻ về những vấn đề có tính toàn cầu;

Được sự chấp thuận của UBND TP.HCM, Sở Ngoại vụ TP.HCM cùng báo Tuổi Trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Công ty Xi măng INSEE đồng hành, tổ chức cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM.

Cuộc thi là cơ hội để mọi người tham gia đề xuất, nêu ý tưởng, đóng góp sáng kiến, thậm chí phác thảo thiết kế một công trình mang tính biểu tượng "TP.HCM - thành phố hữu nghị toàn cầu".

Đó là biểu tượng mở vì thành phố sẽ tiếp tục kết nghĩa với nhiều thành phố khác trên thế giới để mở rộng quan hệ, tăng tính kết nối, nâng tầm hiểu biết lẫn nhau cùng xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị và tốt đẹp hơn.

Công trình biểu tượng này kỳ vọng là điểm nhấn mỹ quan của thành phố, đồng thời cũng là một điểm đến đặc biệt trong hệ sinh thái du lịch ở trung tâm TP.HCM, dự kiến sẽ được xây dựng tại Công viên Lam Sơn trên trục đường Lê Lợi trước Nhà hát TP.HCM.

Cuộc thi mời gọi các đối tượng dự thi là công dân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam, người nước ngoài ở các địa phương có quan hệ hữu nghị hợp tác với TP.HCM, có thể dự thi theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm.

Thời gian gửi bài dự thi bắt đầu từ 27-10 đến hết ngày 27-12-2023. Hình thức dự thi có thể viết bài, làm đồ họa, video, powerpoint, công trình, dự án... để đưa ra các ý tưởng, phác thảo cụ thể về các biểu tượng phù hợp với TP.HCM hiện nay và sau này.

Gửi bài dự thi trực tiếp vào email: bieutuonghuunghi@tuoitre.com.vn.

Các bản sao giấy tờ liên quan theo quy định khi gửi email phải scan và xuất thành file mềm định dạng JPEG hoặc PDF. Thời gian nhận bài được tính theo thời gian trên thư điện tử.

Cuộc thi có các giải thưởng:

- 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng;

- 1 giải nhì trị giá 25 triệu đồng;

- 1 giải ba trị giá 10 triệu đồng;

- 5 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải.

Kết thúc cuộc thi, lễ trao giải sẽ diễn ra cùng một hội thảo (dự kiến cuối tháng 12-2023) lắng nghe ý kiến lãnh đạo UBND TP.HCM, lãnh đạo các sở ban ngành, chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc cùng các bạn đọc đoạt giải.

Quả cầu biểu tượng hữu nghị của TP.HCMQuả cầu biểu tượng hữu nghị của TP.HCM

Quả cầu hữu nghị được xây dựng tại công viên Lam Sơn, trước Nhà hát TP.HCM sẽ trở thành điểm nhấn mỹ quan của TP. Đồng thời là một điểm đến đặc biệt trong hệ sinh thái du lịch ở trung tâm TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên