27/12/2017 09:05 GMT+7

Thị trường tivi OLED sẽ sôi động hơn?

VÕ LÂM
VÕ LÂM

TTO - Từ năm 2016 trở về trước, khi nhắc đến tivi OLED người dùng gần như chỉ biết đến tivi OLED LG, nhưng sang 2017, cuộc chơi đã trở nên thú vị hơn với sự tham gia của hai "ông lớn" Sony và Panasonic.

Như một sự tiến hóa của thị trường, trước đây sự xuất hiện của tivi LCD đã khiến tivi CRT và cả tivi Plasma dần rơi vào quá khứ. Hiện giờ tivi LED cũng đang làm điều tương tự với tivi LCD, tất nhiên vẫn phải mất thêm một thời gian nữa. Trong khi đó, một "kẻ đến sau" khác có tên OLED tivi đang dần thể hiện sự trưởng thành của mình.

Thị trường tivi OLED sẽ sôi động hơn? - Ảnh 1.

OLED tăng trưởng rất nhanh

Điểm nổi trội của tivi OLED là do cấu trúc không cần đèn nền, nên tivi OLED giảm thiểu được nhiều vật liệu trên tấm nền, giúp tivi mỏng hơn. Đó là lý do tivi OLED luôn mỏng hơn tivi LED. 

Trong xu hướng phát triển công nghệ hiện nay, tivi càng mỏng càng thể hiện được sự phát triển của sản phẩm, cũng như công nghệ làm nên sản phẩm đó. 

Cũng chính vì vậy mà hãng LG đã vô cùng tự hào khi công bố ra mắt chiếc tivi "dán tường" OLED Signature W có độ mỏng chỉ 2,57mm. Chiếc OLED Signature W cũng được công nhận kỷ lục "Tivi mỏng nhất Việt Nam".

Nếu kết hợp với sự chính thức tham gia thị trường tivi OLED của Sony và Panasonic bằng việc giới thiệu các tivi OLED tại triển lãm công nghệ CES hồi đầu năm 2017, có thể thấy một thị trường cạnh tranh mới sắp hình thành trong sản phẩm tivi OLED.

Trong khi đó, theo số liệu của Công ty chuyên thu thập, nghiên cứu và phân tích thị trường IHS Market, lượng tivi OLED bán ra trên toàn cầu trong năm 2016 - khi Sony và Panasonic chưa chính thức tham gia - đạt 724.000 chiếc. 

Thế nhưng theo báo cáo vừa được Công ty chuyên nghiên cứu thị trường TrendForce công bố tháng 12-2017, tivi OLED đã tăng trưởng toàn cầu rất khả quan trong năm với mức doanh số lên đến 1,5 triệu chiếc trong năm 2017. Tức là chỉ sau một năm, OLED đã tăng trưởng hơn gấp đôi.

Thị trường tivi OLED sẽ sôi động hơn? - Ảnh 2.

Sự tăng trưởng nêu trên được cho là nhờ vào nỗ lực mở rộng của Sony, Pananonic và LG Electronics. Trong năm qua, cả ba "ông lớn" này đều tung ra những sản phẩm tivi OLED đình đám của mình.

LG tiếp tục thể hiện vai trò thống trị của mình ở mảng này bởi họ chính là nhà sản xuất tốt nhất cho các tấm màn hình nền OLED - bộ phận quan trọng nhất của tivi OLED. Trong những năm qua, LG Display - sản xuất tấm nền OLED - đã mở rộng đầu tư vào dây chuyền sản xuất, trang thiết bị để sản xuất tivi OLED.

Thị trường tivi OLED sẽ sôi động hơn? - Ảnh 3.

LG tiếp tục thống trị

LG hiện đang là nhà sản xuất tivi OLED lớn nhất thế giới. Theo công bố trong tháng 9-2017, họ đã bán được hơn 200.000 tấm nền tivi OLED, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng số lượng tấm nền OLED cho tivi bán ra trong năm nay được LG Display ước lượng vào khoảng 1,7 triệu chiếc. Doanh số tấm nền OLED tăng vọt là bởi sức cầu ngày càng lớn của các đối tác "đình đám" như: Sony, Panasonic, Toshiba, Philips, B&O… gia nhập "liên minh OLED" và sử dụng tấm nền OLED do LG sản xuất.

Trong khi đó, "đối thủ không đội trời chung" với LG là Samsung được cho là hãng quảng bá mạnh mẽ nhất cho tivi QLED. Samsung cùng với các hãng Trung Quốc như Hiense và TCL tạo nên một "liên minh QLED" cạnh tranh trực tiếp với "liên minh OLED" do LG dẫn đầu. 

Tuy nhiên, hiện Samsung và "liên minh QLED" đang gặp khá nhiều khó khăn từ phía dư luận và người dùng do công nghệ QLED hiện tại vẫn chỉ dừng ở mức LCD. Nó vẫn chưa đem lại sự tin tưởng của người dùng về một thế hệ TV hoàn toàn mới, đột phá như OLED đã và đang làm được.

Trong khi đó, theo dự báo năm 2018 của TrendForce, Samsung sẽ tập trung vào tối ưu lợi nhuận bằng cách tăng cường quảng bá tivi QLED ở phân khúc cao cấp, tập trung vào các mẫu tivi 4K với kích thước trên 49″ và mở rộng hoạt động thuê ngoài, cắt giảm chi phí. Trong khi đó, tivi OLED vẫn tiếp tục đà tăng trưởng trong năm tới với doanh số kì vọng 2,5 triệu chiếc.

OLED viết tắt của Organic Light-Emiting Diode tức là các diode hữu cơ phát quang. Tivi OLED là tivi sử dụng tấm nền có các diode hữu cơ phát quang này. Bản thân mỗi điểm ảnh sẽ tự phát sáng và bật tắt một cách độc lập khi có dòng điện chạy qua mà không cần đèn như các tivi LED.
VÕ LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên