Các di dân từ El Salvador trong lộ trình tới Mỹ - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, đây là dòng người di cư mới nhất trong số nhiều nhóm di dân từ các nước ở Trung Mỹ lũ lượt kéo nhau hướng về nước Mỹ những ngày qua.
Chỉ một tuần trước, hàng ngàn di dân từ Trung Mỹ đã tạm nghỉ chân ở thành phố Tapachula, miền nam Mexico trong hành trình tìm đến Mỹ. Và nay là thêm hai đoàn người khác nữa cũng đang trên lộ trình này.
Hòa trong dòng người là những người đàn ông, đàn bà đẩy xe nôi hoặc bồng bế con cái, cũng có những người đi một mình.
Theo báo New York Times, việc đoàn di dân đầu tiên di chuyển thành công từ Honduras vào Guatemala và sau đó vào được Mexico đã trở thành động lực cho các di dân khác tiếp tục rủ nhau thành lập các nhóm đồng hành lớn.
Thực tế này đang đảo ngược một lô-gich lâu nay của các di dân Trung Mỹ tới Mỹ: thay vì cố gắng vượt biên kín đáo để không bị phát hiện, một số người đang hy vọng khi di dân theo đoàn số lượng lớn, họ sẽ an toàn.
"Mọi người đều muốn thành lập một dòng di dân khác", anh Tony David Galvez, 22 tuổi, một nông dân ở Honduras, chia sẻ lúc đang tạm nghỉ cùng đoàn di dân ở một trung tâm thương mại tại Tapachula, Mexico.
Nhiều di dân hiểu rõ tổng thống nước Mỹ đã và đang có những biện pháp kiểm soát di dân mạnh mẽ, thậm chí tăng cường điều động quân đội lên tới 15.000 binh sĩ tới biên giới Mỹ - Mexico. Tuy nhiên nhiều người cho biết họ có niềm tin "sâu sắc" rằng nếu họ đã tới được biên giới Mỹ, tổng thống Trump sẽ mủi lòng mà… mở cửa cho họ.
Các di dân đi bộ dọc theo con đường dẫn tới Huixtla, gần thành phố Tapachula của Mexico - Ảnh: REUTERS
Trước đó từ giữa tháng 10, một đoàn di dân lớn hơn cũng đã rời miền bắc Honduras tiến về Mỹ. Những người này vẫn đang di chuyển theo hướng bắc với tốc độ khoảng 48 km/ngày xuyên qua khu vực miền nam Mexico.
Bộ trưởng Nội vụ Mexico, ông Alfonso Navarrete, ước tính số người trong loạt di dân đầu tiên vào khoảng 2.800-3.000 người, thấp hơn ước tính 3.500 người của chính phủ. Tuy nhiên chính những người tham gia trong làn sóng di dân này thì ước tính số liệu cao hơn nhiều.
Chia sẻ với Reuters, các di dân nói họ phải rời bỏ quê nhà do nghèo đói, bạo lực và tham nhũng.
"Chúng ta đang ở trong tình huống chưa từng có tiền lệ. Đây không chỉ là một dòng người di tản… đó là một cuộc tháo chạy di cư", ông Alfonso Navarrete chia sẻ với báo giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận