Kình ngư nổi tiếng Sun Yang của Trung Quốc từng sử dụng doping - Ảnh: EPA |
Cách đây ba tuần, tại trung tâm tập luyện môn bơi lội của Úc, Thomas Fraser-Holmes - người từng giành 2 HCV ở Commonwealth Games - bất ngờ tuyên bố nghỉ tập với mục đích phản đối sự hiện diện của các tay bơi người Trung Quốc.
Đây là chuyện lạ bởi nhiều năm qua, Úc vốn được xem là địa điểm tập huấn lý tưởng với các VĐV Trung Quốc, trong đó có nhiều kình ngư nổi tiếng như Ning Zetao, Ye Shiwen... Nhưng điều đó giờ đây không còn được những VĐV Úc hoan nghênh. Phụ họa với Fraser-Holmes, Grant Hackett - từng giành 10 HCV Giải vô địch thế giới - cũng tuyên bố tẩy chay các kình ngư Trung Quốc. Lý do tẩy chay của Fraser-Holmes và Hackett là do họ không muốn tập luyện cùng những VĐV đến từ nền thể thao có nhiều tai tiếng trong vấn đề doping.
Và thái độ “chọn bạn mà chơi” đó của các VĐV Úc hóa ra lại là điều hợp lý với vụ bê bối mới bị phanh phui của làng bơi lội Trung Quốc. Cách đây hai ngày, giới truyền thông phát hiện chuyện 6 VĐV Trung Quốc có kết quả dương tính với chất cấm từ hồi năm ngoái nhưng lại không được Cơ quan chống doping Trung Quốc (CHINADA) công bố. CHINADA sau đó thừa nhận điều này, nhưng cho biết họ đã báo cáo lên WADA. Đáp trả lại CHINADA là thái độ phủ nhận hết sức gay gắt của WADA, cho biết họ sẽ điều tra chuyện Trung Quốc che giấu vụ việc. Đây vốn là chuyện chẳng xa lạ gì khi Trung Quốc cũng từng che giấu vụ kình ngư lừng danh Sun Yang bị phát hiện sử dụng doping vào năm 2014.
Nhưng dù kết quả thế nào đi nữa, đây cũng đã là vụ bê bối doping thứ ba của làng thể thao Trung Quốc chỉ trong vỏn vẹn nửa năm qua. Hồi tháng 11-2015, kình ngư nữ 17 tuổi Qing Wenyi bất ngờ qua đời một cách bí ẩn và nhiều người đã cho rằng nguyên nhân tử vong của cô là do doping. Đi kèm với nghi án này là việc Zhou Ming, cựu HLV đội tuyển bơi lội Trung Quốc từng bị cấm hành nghề suốt đời vì cho các học trò của mình sử dụng doping, bị phát hiện vẫn đang làm việc cùng một số VĐV trẻ.
Ba tháng sau, đến phiên điền kinh Trung Quốc nổi cơn sóng gió với việc Wang Junxia, nhà vô địch Olympic 1996 nội dung chạy 5.000m, đứng ra tố cáo HLV cũ của tuyển điền kinh Trung Quốc từng ép hàng loạt học trò phải sử dụng doping. Cả ba vụ bê bối này đều có một điểm chung: sử dụng doping trên diện rộng.
So với Trung Quốc, bê bối doping của Nga còn nghiêm trọng hơn. Tờ The Times (Anh) mới đây tiết lộ trong thời gian qua, bơi lội Nga sử dụng doping có hệ thống với việc một bác sĩ đã cho hàng loạt VĐV sử dụng chất cấm. Phía WADA cho biết họ đang điều tra vụ việc và nếu nghi án này là thật, đây sẽ là vụ xìcăngđan doping thứ 4 của Nga trong vòng nửa năm qua.
Đầu tiên là ở môn điền kinh, tiếp đến là vụ hàng loạt VĐV ở nhiều môn khác nhau (quần vợt, xe đạp, trượt băng...), trong đó có Maria Sharapova dương tính với chất cấm meldonium. Gần đây nhất, đến phiên môn vật bị “dính chàm” hồi đầu tuần rồi với hơn 10 VĐV bị phát hiện sử dụng chất cấm khiến tuyển vật của Nga có khả năng bị cấm tham dự Olympic 2016 tại Brazil.
Và cũng giống như đối với Trung Quốc, giới thể thao thế giới đã kêu gọi tẩy chay Nga. Cách đây không lâu, Hiệp hội các HLV bơi lội thế giới đã kêu gọi các VĐV đừng tham dự Olympic nếu điền kinh của Nga được cho phép thi đấu Olympic 2016 trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận