15/09/2021 10:20 GMT+7

Thế giới hậu 11-9 - Kỳ cuối: 20 năm chính sách đối ngoại của Mỹ

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Sự kiện 11-9 cũng mở ra một giai đoạn mà tổng thống được quốc hội trao nhiều quyền ưu tiên trong cuộc chiến chống khủng bố.

Thế giới hậu 11-9 - Kỳ cuối: 20 năm chính sách đối ngoại của Mỹ - Ảnh 1.

Binh sĩ Mỹ chuẩn bị lục soát một ngôi nhà của thường dân Afghanistan năm 2002 - Ảnh: AFP

Mặc dù khó có thể xếp sự kiện ngày 11-9 ngang hàng với sự kiện khởi đầu và kết thúc chiến tranh lạnh khi năm 2001 làm thay đổi lớn mô hình chính sách đối ngoại Mỹ, nhưng sự kiện khủng bố ngày 11-9 đã khiến chính quyền Mỹ nâng chủ nghĩa chống khủng bố lên thành mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia, và định hình các mối quan tâm của chính sách đối ngoại Mỹ.

Ưu tiên chống khủng bố

Chính sách đối ngoại của Mỹ cũng trở nên mất cân bằng hơn và chú tâm vào khu vực Trung Đông. Sự kiện 11-9 cũng mở ra một giai đoạn mà tổng thống được quốc hội trao nhiều quyền ưu tiên trong cuộc chiến chống khủng bố. 

Những người tân bảo thủ hay nghiêng về tân bảo thủ trong chính quyền Tổng thống Bush như Phó tổng thống Dick Cheney, Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz đã nghĩ xa hơn việc chỉ tiêu diệt khủng bố. Họ cho rằng các quốc gia yếu kém như Iraq và Afghanistan cần phải được giúp đỡ xây dựng một đất nước dân chủ, do họ có niềm tin rằng chính thể chế yếu kém đã dẫn đến các tổ chức khủng bố đang hoạt động ở đây. 

Nước Mỹ sẽ an toàn hơn khi các quốc gia này trở nên dân chủ, và không còn chứa chấp khủng bố. Iran, Iraq và Triều Tiên cũng từng được xếp vào "trục ma quỷ" chỉ trong vòng năm tháng sau cuộc khủng bố.

Trong một bài phát biểu tại Học viện Quân sự Virginia vào tháng 4-2002, Tổng thống Bush phát biểu: "Chúng tôi biết hòa bình thực sự sẽ chỉ đạt được khi chúng tôi cung cấp cho người dân Afghanistan các phương tiện để đạt được nguyện vọng của chính họ. Hòa bình sẽ đạt được bằng cách giúp Afghanistan phát triển chính phủ ổn định của riêng mình". 

Bài phát biểu này cũng báo hiệu rằng nước Mỹ sẽ còn ở lại Afghanistan thêm một thời gian nữa, nhưng chắc có lẽ ông Bush cũng không ngờ rằng nước Mỹ đã sa lầy ở đây tới 20 năm.

Hai năm sau cuộc chiến ở Afghanistan để lật đổ Taliban là một cuộc chiến lựa chọn khi Mỹ tấn công Iraq vào năm 2003 với những cáo buộc sai lầm rằng Saddam Hussein đang che giấu vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Tuy nhiên, các cuộc đổ quân và tiền của của Mỹ vào Afghanistan rồi Iraq sau đó không mang lại kết quả mong muốn: các quốc gia hiệu quả hơn để không còn là nơi ẩn chứa khủng bố. 

Ngược lại, nước Mỹ vẫn sa lầy ở đây, kể cả sau khi Saddam Hussein bị treo cổ vào năm 2006 và Bin Laden bị tiêu diệt năm 2011.

Thế giới hậu 11-9 - Kỳ cuối: 20 năm chính sách đối ngoại của Mỹ - Ảnh 2.

Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad (trái) và đại diện Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar trong lễ ký hòa ước giữa hai bên tại Doha (Qatar) ngày 29-2-2020. Hòa ước mở đường việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan - Ảnh: AFP

Nhành ôliu và... súng đạn

Nhiệm kỳ đầu tiên (2009-2013) của Tổng thống Obama được hy vọng dành để kết thúc cuộc chiến tranh Iraq và cả cuộc chiến ở Afghanistan - cuộc chiến dài nhất và tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nước Mỹ muốn rút lui khỏi Trung Đông. 

Tổng thống Obama cũng từ bỏ hy vọng ngây thơ của các nhà tân bảo thủ dưới thời ông Bush rằng họ có thể dân chủ hóa các quốc gia độc tài và đầy rẫy xung đột. Năm 2011, Obama phát biểu: "Dân chủ không thể đơn giản được áp đặt bằng vũ lực. 

Thay vào đó, những mục tiêu này đạt được tốt nhất khi chúng ta hợp tác với cộng đồng quốc tế và với các quốc gia và dân tộc trong khu vực". 

Tổng thống Obama muốn vấn đề ở các quốc gia này trở thành vấn đề của cả cộng đồng quốc tế và các thể chế đa phương thay vì chỉ là vấn đề riêng của nước Mỹ.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo tự phong ISIS cũng như vấn đề hạt nhân Iran nhanh chóng kéo sự quan tâm Mỹ trở lại khu vực Trung Đông. Ông Obama đã nhanh chóng gia tăng gửi quân quay lại khu vực. 

Điều này cũng thể hiện rõ trong diễn từ nhận giải Nobel hòa bình của Tổng thống Obama vào cuối năm 2009: "Sẽ có lúc các quốc gia - hành xử riêng rẽ hay phối hợp - sẽ thấy việc sử dụng vũ lực không chỉ cần thiết mà còn có thể được biện minh về mặt đạo đức".

Sự tái quan tâm của Mỹ ở khu vực Trung Đông cũng làm loãng trọng tâm hướng về châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền ông Obama. 

Trong bài phát biểu tại Trung tâm Đông-Tây vào tháng 11-2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố rằng thế kỷ 21 sẽ là "thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ", và cho biết các vấn đề của khu vực này đòi hỏi sự lãnh đạo của Mỹ. "Xoay trục về châu Á" (sau này được gọi tên mới là "tái cân bằng") liên quan đến việc làm sâu sắc thêm và củng cố các cam kết đồng minh với các đồng minh hiệp ước của Mỹ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Philippines, đồng thời xây dựng quan hệ đối tác mới với các quốc gia Đông Nam Á. 

Về mặt quân sự, Mỹ cam kết duy trì 60% tài sản hải quân toàn cầu của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ thậm chí đã xem xét các cơ hội mở căn cứ mới trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chính sách khó đoán định của ông Trump

Dưới thời Tổng thống Trump, ông đã từ bỏ cụm từ "cuộc chiến chống khủng bố" trong chính sách đối ngoại của mình. 

Ở khu vực Trung Đông, Tổng thống Trump xứng đáng được ghi nhận cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain, nhưng nhìn chung chính sách đối ngoại của ông là sự pha trộn lẫn lộn giữa các ưu tiên và mâu thuẫn cũng như đầy rẫy yếu tố bất ngờ. Mỹ rút quân khỏi Syria trong sự ngạc nhiên của các quốc gia đồng minh NATO. 

Ông Trump tìm kiếm thỏa thuận với Taliban và Bắc Triều Tiên, nhưng lại gây sức ép với Iran về vấn đề hạt nhân. Nước Mỹ cũng rút lui khỏi việc can dự nhiều vấn đề quốc tế. Thay vào đó, Trung Quốc đã trở thành mối bận tâm lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, sự khó đoán trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump cũng được thể hiện khi ông rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để lại khoảng trống ảnh hưởng cho Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Ông Trump chỉ quan tâm đến việc xây dựng các thỏa thuận thương mại song phương mới có lợi hơn đối với nền kinh tế Mỹ. Một thực tế là mối quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên tệ hơn nhiều sau bốn năm cầm quyền của ông Trump. 

Và các quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Âu, châu Á cũng không lấy làm thoải mái với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump.

Thử thách với ông Biden

Di sản đối ngoại của Tổng thống Trump đã khiến trọng tâm chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden là phải khôi phục hình ảnh một nước Mỹ như quốc gia lãnh đạo thế giới. 

Bộ máy đối ngoại của chính quyền Biden cố gắng tránh "những cuộc can thiệp quân sự tốn kém" và ưu tiên chấm dứt đại dịch COVID-19, khôi phục kinh tế trên thế giới, thúc đẩy liên minh các quốc gia nền dân chủ, tái xây dựng các liên minh, hợp tác đối phó với biến đổi khí hậu, và đảm bảo sự lãnh đạo của Mỹ về mặt công nghệ. Trung Quốc vẫn là trọng tâm chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ thời Tổng thống Trump.

Tổng thống Biden là người đầu tiên thành công rút quân Mỹ hoàn toàn khỏi Afghanistan mặc dù cuộc rút lui không vẻ vang gì khi Taliban vẫn cai trị Afghanistan như trước sự kiện 11-9. 

Trong hơn 20 năm qua, nước Mỹ đã cố gắng thực hiện chính sách đối ngoại để giải quyết các mối đe dọa mới, tuy nhiên chúng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Taliban đã quay trở lại nắm quyền ở Afghanistan, Al Qaeda và tổ chức Hồi giáo cực đoan ISIS có nhiều khả năng đang trỗi dậy lại. Trung Quốc thì ngày càng thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ một cách mạnh mẽ hơn.

Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai (2013-2017) của Tổng thống Obama, với việc Mỹ bị lôi kéo trở lại vào Trung Đông cũng như châu Âu với vấn đề như Crimea và Nga vào năm 2014, các đồng minh và đối tác ở châu Á nhận thấy thiếu sự đầu tư gắn kết của Mỹ đối với họ và bắt đầu đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với khu vực khi Trung Quốc ngày càng gia tăng chính sách mạnh bạo ở Biển Đông.

Chính quyền Trung Quốc bắt tay vào các dự án cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo, trang bị các thiết bị quân sự ở đây cũng như thúc đẩy hoạt động của lực lượng dân quân biển.

Tất cả những điều này đã tạo ra sự chú ý đáng kể của quốc tế, nhưng có rất ít hành động phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ.

Thế giới hậu 11-9 - Kỳ 4: Hiểm họa khủng bố lơ lửng Thế giới hậu 11-9 - Kỳ 4: Hiểm họa khủng bố lơ lửng

TTO - Hai thập kỷ kể từ vụ 11-9, bóng ma khủng bố đã quay lại, và đưa ra cảnh báo đúng trong những giờ phút cuối cùng người Mỹ nghĩ rằng sứ mệnh của mình đã hoàn tất.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên