19/11/2023 17:25 GMT+7

Thầy hiệu trưởng đặc biệt ở một trường... mầm non

Đến Trường mầm non Vũ Ninh, tỉnh Thái Bình, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy một thầy giáo đứng ở cổng trường cùng các cô giáo đón học sinh.

Dù đã làm công tác quản lý nhưng thầy giáo Lại Công Hoan vẫn thường xuyên xuống các lớp để dạy và chơi cùng các con - Ảnh: KHÁNH LINH

Dù đã làm công tác quản lý nhưng thầy giáo Lại Công Hoan vẫn thường xuyên xuống các lớp để dạy và chơi cùng các con - Ảnh: KHÁNH LINH

Nụ cười ẩn hiện trong ánh mắt, thầy Lại Công Hoan - nam giáo viên mầm non hiếm hoi của tỉnh Thái Bình - trong lúc vui vẻ trò chuyện cùng các cháu nhỏ vẫn không quên nhẹ nhàng kéo cái khóa áo, buộc lại chiếc khăn cho những cháu lớn đang chơi trò chơi, chạy nhảy ở sân trường.

Bén duyên với 'nghiệp' mầm non từ nhỏ

Mẹ anh Hoan nhớ lại từ nhỏ, lũ trẻ trong xóm hay chạy sang chơi rồi quây quần bên anh Hoan và anh cũng dạy chúng hát hò, dỗ dành mỗi khi chúng dỗi hờn, khóc lóc. "Có lẽ Hoan gắn bó với lũ trẻ mầm non từ những ngày thơ ấu ấy" - mẹ anh Hoan chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu bước chân theo nghiệp sư phạm mầm non, anh Hoan không khỏi bật cười bởi toàn Trường trung học Sư phạm mầm non Thái Bình khi đó chỉ có đúng "hai mống" con trai theo học.

Những bỡ ngỡ ban đầu dần qua đi, được bạn bè và thầy cô động viên giúp đỡ, các môn học cuốn hút... khiến anh Hoan bắt đầu cảm thấy say mê nghề mình đã chọn, thôi thúc thêm sự tự tin.

Tốt nghiệp ra trường năm 2001, anh Hoan được nhận ngay về Trường mầm non Vũ Ninh, huyện Kiến Xương. Lúc đầu ban giám hiệu ưu tiên cho anh dạy môn giáo dục âm nhạc chung cho toàn trường. Đến năm thứ hai, thầy giáo trẻ được phân công đứng lớp 4 tuổi. 

Cho đến nay, người thầy ấy vẫn không thể quên những vất vả, khó khăn mà một thầy giáo trẻ gặp phải. 

Là thanh niên chưa vợ, nay phải nuôi dạy, chăm sóc mấy chục đứa trẻ... lúc nào anh Hoan cũng thấy mình bận rộn. Từ cho trẻ ăn, ngủ đến dạy chúng cách tự phục vụ, nhận thức dần về cuộc sống, bản thân.

Chưa hết, trình độ của trẻ không đồng đều, có những bé chưa biết cách tự phục vụ bản thân, vẫn còn đi tiểu hoặc đại tiện ra quần, chính Hoan lại phải tự tay thay giặt, rửa ráy cho bé. Bữa cơm phải dỗ làm sao cho trẻ ăn đủ no, không quấy khóc chính là... 1.001 "nỗi niềm".

"Chú là... mẹ và các cháu là con"

Chia sẻ về những ngày đầu vào nghề, thầy giáo Hoan cho biết có không ít phụ huynh chưa tin tưởng khi để thầy giáo vệ sinh, bón ăn cho trẻ. Hay khi dạy các cháu học múa, học hát thì bản thân mình vẫn còn ngượng ngùng, khô cứng. Tay không thể múa dẻo, giọng không thể mềm mại như các cô giáo… nhưng anh đã cố gắng vượt qua để tạo cho lớp học có những buổi sinh hoạt thật sự vui vẻ.

Thời điểm đó, điều kiện của trường còn khó khăn nên thầy giáo Hoan xin bố mẹ "hỗ trợ" một cây đàn để dạy trẻ môn giáo dục âm nhạc được tốt hơn. Anh cũng tự mày mò làm đồ chơi, đồ dùng để tiết học có các giáo cụ trực quan, những vật dụng này làm trẻ tiếp thu nhanh hơn và thích thú với môn học.

Trong quá trình 20 năm công tác, thầy Hoan luôn được đánh giá cao và thầy cũng từng đạt danh hiệu giáo viên giỏi quốc gia, vinh dự nhận cúp Búp sen vàng do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng - Ảnh: KHÁNH LINH

Trong quá trình 20 năm công tác, thầy Hoan luôn được đánh giá cao và thầy cũng từng đạt danh hiệu giáo viên giỏi quốc gia, vinh dự nhận cúp Búp sen vàng do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng - Ảnh: KHÁNH LINH

Năm đầu tiên đứng lớp cũng trùng dịp đoàn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh về thanh tra toàn diện Trường mầm non Vũ Ninh, giờ học giáo dục âm nhạc của thầy Lại Công Hoan được xếp loại giỏi và được các chuyên viên mầm non của sở đánh giá cao.

Phấn khởi với những kết quả ban đầu đó, thầy Hoan đầu tư nhiều công sức hơn vào những tiết dạy. Năm học sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình tổ chức cuộc thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp tỉnh môn học dạy các bé làm quen với toán, và thầy Hoan là giáo viên duy nhất đại diện cho ngành mầm non huyện Kiến Xương được chọn "đem chuông đi đánh xứ người...".

"Năm đó, để hướng dẫn trẻ 4 tuổi nhận biết hình khối trong môn toán học, tôi tự tay làm đồ dùng dạy học là một bức tranh xốp được tháo rời ra thành các hình khối, từ đó giúp trẻ nhận biết và lắp ghép thành một bức tranh hoàn chỉnh" - thầy Hoan kể lại. 

Nhờ vậy, tiết học của thầy giáo trẻ được đánh giá cao và xuất sắc giành giải nhất cuộc thi năm đó. 

Chia sẻ về công việc của mình, thầy Hoan cho rằng nghề nào cũng vậy, nếu không kiên trì thì sẽ chẳng thể tồn tại lâu. "Đối với nghề mầm non, chỉ nhiệt tình thôi cũng chưa đủ, nếu không có đủ kiến thức sư phạm đặc thù và tâm lý làm... mẹ thì khó có thể giải quyết những sự cố chẳng ngày nào không có" - thầy Hoan chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện tại, thầy Hoan đã được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường mầm non Vũ Ninh, song hằng ngày, người thầy này vẫn thường xuyên lên lớp lắng nghe, kể chuyện với các con, chia sẻ chuyện nghề với các nữ đồng nghiệp.

Người thầy "miệng nói, chân bước, tay làm, tai lắng nghe"

Cô giáo Đỗ Thị Thu - giáo viên Trường mầm non Vũ Ninh - nhìn nhận thầy Hoan là một người có chuyên môn tốt và rất nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Bản thân thầy luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các cô giáo lâu năm trong nghề.

"Với thế hệ giáo viên trẻ như chúng tôi, thầy cũng sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm về nghề hay các kỹ năng sư phạm để chúng tôi ngày càng hoàn thiện mình hơn" - cô Thu cho hay.

Nhận xét ngắn gọn về thầy Hoan, ông Lại Văn Điệp (một người dân sống tại xã Vũ Ninh) cho rằng đây là một người luôn có tư duy "miệng nói, chân bước, tay làm, tai lắng nghe". Dù là nam giới nhưng thầy Hoan rất biết cách dạy trẻ ngoan và cống hiến với nghề giáo nên ở địa phương ai cũng quý mến thầy.

Hai bé trai nhảy điêu luyện cùng thầy giáo mầm nonHai bé trai nhảy điêu luyện cùng thầy giáo mầm non

Dưới nền nhạc 'Baby shark trap remix', hai bé trai cùng thầy giáo mầm non thể hiện những bước nhảy điêu luyện làm nhiều người xem thích thú.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên