16/07/2016 09:27 GMT+7

Thầy giáo ra Hoàng Sa tìm bài giảng cho học trò

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Thầy giáo Nguyễn Trung Hậu khao khát được một lần ra quần đảo Hoàng Sa, chạm chân đến vùng biển máu thịt của Tổ quốc để hiểu hơn cuộc sống của ngư dân và có một bài giảng sinh động cho học trò

Thầy giáo Hậu (phải) khi vừa cập cảng Sa Kỳ - Ảnh: Trần Mai
Thầy giáo Hậu (phải) khi vừa cập cảng Sa Kỳ - Ảnh: Trần Mai

Vụ tàu cá QNg 90479 vừa bị hai tàu Trung Quốc mang số hiệu 46012 và 56103 tông chìm trưa 9-7 đang khiến dư luận cả nước quan tâm.

Ít ai biết trên con tàu ấy có mặt thầy giáo Nguyễn Trung Hậu (30 tuổi, giáo viên Trường THCS Sơn Dung, huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi).

Thầy Hậu khao khát được một lần ra quần đảo Hoàng Sa, chạm chân đến vùng biển máu thịt của Tổ quốc để hiểu hơn cuộc sống của ngư dân và có một bài giảng sinh động cho học trò nên xin phép cha vợ là thuyền trưởng Võ Văn Lựu để cùng ra khơi.

Tôi sẽ đưa câu chuyện này đến nhiều thế hệ học sinh mà tôi sẽ dạy học trong suốt cuộc đời làm thầy giáo của mình

Thầy giáo NGUYỄN TRUNG HẬU

Chuyến đi dang dở

Chiều 13-7, chiếc tàu cá QNg 95001 trở về đất liền chở theo năm ngư dân trên tàu cá QNg 90479 bị tàu Trung Quốc đâm chìm trưa 9-7 tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Thầy Hậu là một trong năm người đó.

Khuôn mặt đen sạm vì nắng biển và đôi mắt đượm buồn, thầy Hậu kể lại câu chuyện mình chứng kiến một cách khác biệt so với những ngư dân thứ thiệt có mặt trên tàu.

Câu chuyện của người thầy lôi cuốn với những bỡ ngỡ của lần đầu tiên chạm mặt Hoàng Sa. Khi nhận được sự đồng ý của cha vợ cũng là thuyền trưởng cho theo cùng tàu, thầy Hậu có mấy đêm mất ngủ vì những lo lắng cho chuyến đi biển đầu tiên dài một tháng của cuộc đời mình.

Thêm vào đó là phải ghi lại câu chuyện ở Hoàng Sa về hình ảnh, clip và cả ghi chép một cách sinh động nhất, làm tư liệu chia sẻ với đồng nghiệp và học trò sau khi trở về đất liền.

“Tôi đã hình dung trong đầu mình rất nhiều điều sẽ thấy được ở Hoàng Sa trong chuyến đi này. Tôi chuẩn bị cả sổ và điện thoại xịn để chụp ảnh, quay phim” - thầy Hậu nói.

Nhưng dự tính ấy đã thay đổi khi ngày đầu tiên chạm mặt Hoàng Sa. Trải qua mấy lần nôn ói vì chưa quen sóng gió đã gặp ngay đợt truy đuổi hơn hai giờ liên tục của tàu Trung Quốc.

“Khi ra đến Hoàng Sa thì tàu neo lại, nghỉ được hai ba giờ gì đó. Tôi vừa ra boong tàu hóng gió thì thấy chiếc tàu màu trắng xuất hiện.

Cha tôi vội nhổ neo bỏ chạy, phải vòng qua vòng lại tránh tàu Trung Quốc rượt, có khi tàu mình cua chết 90 độ, chỉ cách mũi tàu Trung Quốc chừng 20m, cú đó mà bẻ lái không kịp là lãnh trọn cú đâm. Vậy mà tối đến lại cho tàu vào gần đảo lặn. Hình như chả ai quan tâm đến sự việc vừa xảy ra lúc chiều” - thầy Hậu kể.

Tôi đã có câu chuyện sinh động

Hai ngày sau, thêm một lần nữa bị tàu Trung Quốc truy đuổi, lần này thầy giáo Hậu không còn sợ như lần đầu mà mở cửa sổ ra nhìn tàu Trung Quốc và chụp ảnh, quay clip, ghi lại số tàu.

“Tôi đã nghĩ mình sẽ có 30 ngày đánh bắt qua các điểm đảo khác nữa ở Hoàng Sa và ghi lại những câu chuyện ngư dân can trường... Cho đến lần truy đuổi thứ ba, tàu Trung Quốc tông mạnh, lên tàu cướp lái, đánh cha vợ.

Mọi chuyện đã khác, chuyến đi phải dừng lại” - thầy Hậu tâm tình. “Họ (tàu Trung Quốc - PV) lên trấn áp, cầm dùi cui điện bấm tách tách và dùng vật gì đó đập rầm rầm trên tàu, dồn ngư dân về mũi tàu bắt phơi nắng mấy giờ liền. Bản thân tôi bị say nắng và say sóng ói mấy lần mà chỉ cần ngước mặt lên là họ cầm dùi cui lao đến” - thầy Hậu kể tiếp.

Dù là thầy giáo dạy môn thể dục nhưng trong tiết học, nhiều học sinh đã hỏi về quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc nhưng thầy Hậu cũng chỉ dừng lại ở việc kể theo lời kể của người khác. Thầy Hậu bảo rằng mình có điều kiện ra Hoàng Sa để đi thực tế.

“Bây giờ thì tôi đã thấm thía được câu chuyện đánh bắt ở Hoàng Sa. Nhiều khi tôi đã nghĩ cái chết đến rất gần, đổi lại tôi đã có một câu chuyện quá sinh động về sự gan dạ của ngư dân mình. Cảnh truy đuổi nhiều giờ liền, cú húc mạnh khiến tàu chao đảo và cả bản lĩnh ngư dân để tôi kể cho học trò của mình” - thầy giáo Hậu nói.

Lúc về cảng, thầy Hậu nhìn quanh rồi hỏi bà Nguyễn Thị Năng (mẹ vợ) về tình hình của con gái 3 tháng tuổi và vợ mình. Chị Võ Thị Nỷ (30 tuổi, vợ thầy Hậu) cũng là giáo viên nên hiểu rõ mong muốn ra Hoàng Sa của chồng.

Chị chia sẻ rằng đã ủng hộ quyết định ra khơi của chồng để có một trải nghiệm đầy đủ và cái nhìn của một người dạy học để trao đổi với học trò sau chuyến đi. Nhưng chị Nỷ chỉ nghĩ cùng lắm bị rượt đuổi, chuyện tàu bị đâm chìm chị không dám nghĩ đến.

Chị Nỷ nói: “Ba đi Hoàng Sa mấy chục năm rồi, cũng nhiều lần bị tàu Trung Quốc truy đuổi cướp phá tàu nhưng chưa khi nào bị tông chìm tàu như lần này. Hồi nghe tàu chìm, tôi lo nhất là anh Hậu vì không quen sóng gió, bơi lội ở biển như ba và mấy chú”.

Cô Nguyễn Thị Minh Hoa, hiệu trưởng Trường THCS Sơn Dung, cho biết khi hay tin năm ngư dân gặp nạn trên biển cũng không dám nghĩ trong đó có thầy Hậu, đến chiều 13-7 xem báo mới biết. Sau đó ban giám hiệu Trường THCS Sơn Dung đã xuống thăm người thầy của trường mình.

“Tôi xuống thăm Hậu và có nói là thôi đừng đi nữa, nguy hiểm quá. Hậu cười bảo phải đi để trải nghiệm chứ cô, tôi nghe mà rơi nước mắt. Lúc Hậu đi cũng không nói gì với thầy cô nào ngoài vợ, cái tính cậu này cứ thầm lặng làm việc chứ không có văn hoa gì” - cô Hoa nói.

Cô Hoa nói tính thầy Hậu hiền và thật thà, thường tiếp xúc thân mật với học trò ở trường. Đặc thù của trường là học sinh con em đồng bào Ca Dong chưa bao giờ biết biển nên rất hiếu kỳ. Thầy Hậu thường xuyên giải đáp thắc mắc cho học trò. “Hôm qua đến giờ rất nhiều thầy cô nghe tin mà rơi nước mắt” - cô Hoa nói.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên