22/04/2016 13:51 GMT+7

​Thay đổi ở bến xe Miền Đông

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Hơn 2 năm nay, bến xe Miền Đông (TP.HCM) tuyệt nhiên không còn cảnh cả chục người lái xe ôm lao vào cửa xe khách giành giật, chèo kéo hay thậm chí đánh đấm nhau để có được khách.

Tài xế xe ôm bến xe Miền Đông xếp hàng đón khách gần hai năm nay - Ảnh: Ngọc Hiển
Tài xế xe ôm bến xe Miền Đông xếp hàng đón khách gần hai năm nay - Ảnh: Ngọc Hiển

Ngược lại, xe ôm bây giờ đã xếp hàng dài ngay ngắn bên hông xe đón khách. Cứ một tài xế sẽ mời một khách, nếu khách từ chối thì tài xế tự động lùi vào cuối hàng để người kế tiếp đón khách kiểu “cuốn chiếu”. Hết xe này đến xe khác, các tài xế vẫn trật tự xếp hàng, kiên nhẫn và niềm nở đón khách. Cứ 15 phút, các đội tài xế lại thay ca đón khách.

Thâm niên gần 20 năm lái xe ôm, tài xế Đinh Hùng Phương (49 tuổi) cho biết không ngờ được có ngày xe ôm lại xếp hàng ngay ngắn đón khách như học sinh tiểu học.

Trước đây nhắc đến bến xe Miền Đông, ai cũng ngao ngán cảnh nhiều tài xế “xâu xé” một khách. Hễ có xe vào là xe ôm lại la ó, chỉ trỏ, “chấm” khách bằng “con áo đỏ”, “thằng áo đen”... rất hỗn loạn.

Nhiều hành khách vào Sài Gòn lần đầu thấy cảnh chộp giật nên sợ, không dám xuống xe, không dám hé miệng nói địa chỉ. Nhưng đúng là không ngờ rằng chính những người lái xe ôm đã làm thay đổi cái nhìn về họ bằng việc tự lên ý tưởng, thực hiện và duy trì răm rắp việc xếp hàng đến bây giờ.

Bản thân tài xế Phương cũng thừa nhận: “Cái thang chỉ có chừng đó nấc mà cả chục người đòi lên một lần thì hỏng. Xe khách cũng vậy, chỉ chừng đó người mà ai cũng đòi chở thì hỗn loạn, xếp hàng có tuần tự nên ai cũng đón được khách, rất công bằng”.

Tài xế Phương cho biết từ ngày xếp hàng, ông và các đồng nghiệp đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ hành khách, có người còn nán lại để chụp hình. Những lời khen đó cũng đúng thôi bởi cả nước có hàng trăm sân ga, bến xe nhưng hiếm nơi nào xe ôm xếp hàng được như bến xe Miền Đông.

Trong khi đó, cũng là câu chuyện xếp hàng nhưng với không ít người trẻ thì xem ra vẫn còn là một căn bệnh “nan y”. Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1, TP.HCM) giữ xe máy bằng thẻ từ qua hệ thống camera, mỗi lượt quẹt thẻ xe ở hai luồng nên các xe phải xếp hàng lần lượt vào bãi.

Thế nhưng trong khi nhiều người xếp hàng ngay ngắn thì có không ít người lại chạy xe cắt hàng, luồn lách để đâm thẳng vào ô quẹt thẻ. Nhiều người bực bội đã bóp còi để tỏ thái độ.

Tương tự, ở bãi giữ xe của công viên 23-9 hay rạp chiếu phim Galaxy Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), mỗi lần cận giờ bắt đầu sự kiện, nhiều người gửi xe hấp tấp chen lấn trong một không gian chật chội trong khi ai cũng vội và luồng quẹt thẻ cũng chỉ đủ cho mỗi xe một lượt.

Hay ở các tòa nhà cao tầng trong các trường đại học, khi hàng chục người xếp hàng dài lên thang máy thì vẫn có vài sinh viên cắt hàng, đâm thẳng vào thang máy trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

Ngay từ vòng gửi xe, không ít người trẻ đã bỏ qua những quy tắc ứng xử sơ đẳng là xếp hàng dù đó là lối vào của nhà văn hóa, rạp chiếu phim hay trường đại học...

Một hành động dù nhỏ nhặt của mỗi người đều làm thay đổi thái độ của người khác đối với bản thân. Ví như chuyện xếp hàng ở bến xe Miền Đông đã làm hình ảnh xe ôm, hình ảnh của Sài Gòn trở nên thân thiện hơn trong mắt hành khách trong nước và quốc tế.

Với những người trẻ cũng thế, chỉ có lối ứng xử văn minh mới đem lại thiện cảm trong mắt người khác. Không ở đâu xa, thiện cảm đó khởi nguồn từ những hành động nhỏ nhặt, đơn giản trong cuộc sống thường nhật như xếp hàng trật tự nơi công cộng!

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên