21/03/2019 13:03 GMT+7

Tháo điểm nghẽn về trí tuệ nhân tạo

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Đó là một trong nhiều ý kiến ở hội thảo "Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019 - 2025" diễn ra sáng 20-3 ở TP.HCM.

Tháo điểm nghẽn về trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với các đại biểu tham dụ hội thảo “nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo” - Ảnh: TỰ TRUNG

Chúng ta không thể đơn độc và độc lập làm từng nơi được nữa, mà phải có kết hợp, phối hợp giữa người nghiên cứu, đào tạo, những người ứng dụng và chính quyền. Đặc biệt, chính quyền phải có những đặt hàng và yêu cầu của mình để bộ ba đến được với nhau.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

Môi trường nghiên cứu, cơ sở hạ tầng cùng các cơ chế chính sách... cho việc phát triển AI cũng là những vấn đề được bàn luận nhiều tại hội thảo.

TP.HCM đang ở phía sau

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận TP.HCM đang ở phía sau trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo AI so với các đô thị trên thế giới khi thiếu nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho đến nhà hoạch định chính sách; môi trường kinh doanh chưa thực sự tốt; sự tiếp cận nguồn lực và cơ hội của người dân chưa thực sự bình đẳng.

"Đặc biệt, sự gắn kết, tương tác "tứ giác" của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính còn lỏng lẻo, là một trong những điểm nghẽn kìm hãm việc nghiên cứu và ứng dụng AI trên địa bàn TP" - ông Phong nói.

TS Vũ Hải Quân, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng để có thể thực hiện một chiến lược phát triển AI với mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thủ đô dữ liệu, TP.HCM cần tập trung vào 3 mũi nhọn: giáo dục - đào tạo, công nghệ và sáng tạo - khởi nghiệp. 

Trong lĩnh vực đào tạo, ông Quân cho rằng cần có thêm các chương trình đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu AI thông qua các khoản tài trợ từ hợp tác quốc tế. Đào tạo có thể xuất phát ngay từ bậc trung học phổ thông, kéo dài sang 4 năm đại học. 

Theo tính toán, ông Quân cho biết nếu làm tốt thì chỉ trong vòng 10 năm, TP sẽ có 3 lứa lao động có đủ năng lực để phát triển AI sau này.

Về công nghệ, TP nên tập trung vào các mũi nhọn về kinh tế, nông nghiệp, hành chính, giao thông..., trong đó cần lọc ra một số chương trình quan trọng nhất để bắt đầu ứng dụng AI. 

Bên cạnh đó, TP cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu đủ lớn và có sự liên kết giữa các sở, ban ngành bởi các doanh nghiệp không thể phát triển AI nếu không có các hạ tầng ban đầu này. 

"Trong giai đoạn 2020-2025, cần tập trung vào big data, các hệ thống thông minh lý thuyết máy học nền tảng" - ông Quân nói.

Trong khi đó, TS Tân Hạnh, phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cho biết để phát triển AI thì nhất thiết phải cần hệ thống viễn thông tốt nhất. 

"Đó là các yêu cầu về kết nối dữ liệu siêu rộng với tốc độ dữ liệu siêu cao, nhu cầu kết nối IOT với số lượng truy cập lớn, yêu cầu kết nối di động với độ tin cậy siêu cao và độ trễ cực thấp" - ông Hạnh nói, đồng thời cho rằng các công nghệ trong tương lai như 5G, vô tuyến nhận thức hay công nghệ vô tuyến sóng ngắn sẽ là nền tảng cho hệ sinh thái AI của cả nước.

Tháo điểm nghẽn về trí tuệ nhân tạo - Ảnh 3.

Nhiều Trường ĐH lớn tại TP.HCM đã đẩy mạnh việc giảng dạy trí tuệ nhân tạo những năm gần đây - Ảnh: TỰ TRUNG

Ứng dụng trong nhiều lĩnh vực

GS Hồ Tú Bảo - Viện John von Neumann, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng AI có thể được ứng dụng trong hầu hết lĩnh vực kinh tế - xã hội của TP, chẳng hạn xây dựng chính quyền số của TP, lập bản đồ số giao thông với các kịch bản tự động điều tiết giao thông, hỗ trợ triển khai bệnh án điện tử, kết nối bệnh án điện tử giữa các bệnh viện để tạo dựng cơ sở dữ liệu về hồ sơ sức khỏe điện tử của công dân TP.HCM...

Tuy nhiên, theo ông Bảo, bên cạnh các yếu tố cơ bản để phát triển và ứng dụng AI bao gồm dữ liệu, nhân lực, chính sách thì việc chọn lọc lĩnh vực đầu tư cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Cụ thể, TP cần đưa ra được những bài toán thực tế mình đang muốn giải quyết bằng việc ứng dụng AI để các đơn vị bắt tay nghiên cứu.

PGS.TS Trần Minh Triết, phó hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng những bài toán "đặt hàng" mà TP đưa ra để giải quyết sẽ huy động được một nguồn lớn phát triển. 

Tương tự, TS Nguyễn Hoàng Tú Anh - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM - cũng cho rằng cần có những bài toán từ TP để các trường, các viện có thể bắt tay vào hiến kế và thực hiện. Theo TS Tú Anh, các đề tài nên có độ vừa và nhỏ để có thể giải quyết ngay.

"Đại học chia sẻ" về trí tuệ nhân tạo

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân gợi ý có thể tính tới việc hình thành một ban xây dựng điều hành hợp tác ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM.

Theo đó, một số nhiệm vụ của ban này bao gồm xác định các đối tác chiến lược cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo, làm việc với các sở ngành và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho TP...

Một trong những công việc quan trọng của ban là hỗ trợ hình thành một "đại học chia sẻ" để đào tạo trí tuệ nhân tạo.

Cụ thể, do các trường đại học đều có một thế mạnh khác nhau nên muốn phát triển nguồn lực nhanh cần cùng nhau hợp tác đào tạo. Sinh viên có thể học lý thuyết và thực hành với các chương trình tốt nhất.

Nhà khoa học cần thành phố Nhà khoa học cần thành phố 'đặt hàng' về trí tuệ nhân tạo

TTO - Đó là một trong nhiều ý kiến của chuyên gia tham dự Hội thảo khoa học 'Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025', diễn ra sáng 20-3.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên