20/03/2019 13:31 GMT+7

Nhà khoa học cần thành phố 'đặt hàng' về trí tuệ nhân tạo

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Đó là một trong nhiều ý kiến của chuyên gia tham dự Hội thảo khoa học 'Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025', diễn ra sáng 20-3.

Nhà khoa học cần thành phố đặt hàng về trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với các đại biểu tham dự hội thảo “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo” - Ảnh: TỰ TRUNG

Hội thảo có sự tham gia của nhiều lãnh đạo TP, đại diện Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Khoa học công nghệ...

Phát biểu khai mạc hội thảo, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận về trí tuệ nhân tạo (AI), TP đang ở vị trí phía sau về nghiên cứu, đào tạo so với các đô thị trên thế giới khi thiếu nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho đến nhà hoạch định chính sách; môi trường kinh doanh chưa thực sự tốt; sự tiếp cận nguồn lực và cơ hội của người dân chưa thực sự bình đẳng.

"Đặc biệt, sự gắn kết, tương tác tứ giác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính còn lỏng lẻo, là một trong những điểm nghẽn kìm hãm việc nghiên cứu và ứng dụng AI trên địa bàn TP" - ông Phong nói.

Cần nền tảng dữ liệu cho AI

Nhà khoa học cần thành phố đặt hàng về trí tuệ nhân tạo - Ảnh 2.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM trình bày tham luận “phát triển AI 2020-2030 Tầm nhìn và chiến lược” - Ảnh : TỰ TRUNG

PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng TP cần tạo được nền tảng cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, trước hết là một kho dữ liệu số mở có sự liên kết giữa các cơ quan làm cơ sở những hoạt động khác.

"Trong giai đoạn 2020-2025, cần tập trung vào big data, các hệ thống thông minh lý thuyết máy học nền tảng" - ông Quân nói.

Một hệ sinh thái để ứng dụng và phát triển AI cũng là điều nhiều nhà khoa học mong muốn tại buổi hội thảo. PGS.TS Thoại Nam - Khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhấn mạnh trước khi các doanh nghiệp đến đầu tư vào AI, cần có một hệ thống dữ liệu hoàn chỉnh và dễ dàng tiếp cận.

Bên cạnh đó phải có cơ sở hạ tầng về viễn thông đủ mạnh, bởi rất khó để doanh nghiệp tự bỏ tiền đầu tư những yếu tố này. "TP nên có một chương trình phát triển về AI, nên đặt AI trong một môi trường sinh thái phát triển về 5G, IOT", PGS.TS Thoại Nam nói.

Nhà khoa học cần thành phố đặt hàng về trí tuệ nhân tạo - Ảnh 3.

PGS.TS Thoại Nam trình bày tham luận “trí tuệ nhân tạo cơ hội ứng dụng, nguy cơ và thách thức” - Ảnh: TỰ TRUNG

TS Tân Hạnh - Học viện Bưu chính viễn thông, cũng cho biết để phát triển AI thì nhất thiết phải cần hệ thống viễn thông tốt nhất.

"Bên cạnh các yếu tố về yêu cầu tốc độ và nhu cầu dữ liệu truyền thống, vẫn có nhiều nhu cầu mới mà công nghệ di dộng hiện tại chưa đáp ứng được đầy đủ. Đó là các yêu cầu về kết nối dữ liệu siêu rộng với tốc độ dữ liệu siêu cao, nhu cầu kết nối IOT với số lượng truy cập lớn, yêu cầu kết nối di động với độ tin cậy siêu cao và độ trễ cực thấp", ông Hạnh nói.

Ông Hạnh cũng cho rằng các công nghệ trong tương lai như 5G, vô tuyến nhận thức hay công nghệ vô tuyến sóng ngắn sẽ là nền tảng cho hệ sinh thái AI của cả nước.

Theo TS Vũ Hải Quân, rất cần sự có sự phối hợp giữa nhà nước, nhà trường và nhà tuyển dụng, trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho AI.

"Cần phối hợp với các sở giáo dục đào tạo các địa phương, các trường phổ thông để đưa vào, để có được một chương trình tiên tiến về trí tuệ nhân tạo", TS Quân nói.

Đặt hàng những thách thức

Nhà khoa học cần thành phố đặt hàng về trí tuệ nhân tạo - Ảnh 4.

PGS.TS Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) tại hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG

TS Quân cũng cho rằng trong hoạt động tài trợ nghiên cứu, TP cần đưa ra những bài toán cụ thể kêu gọi các nhà khoa học tìm kiếm giải quyết, chẳng hạn với bài toán quản lý rau sạch - thịt sạch - trái sạch, thành phố có thể đặt hàng các nhà khoa học hiến kế những giải pháp thông qua ứng dụng AI.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết những thách thức cụ thể mà TP đưa ra để giải quyết sẽ huy động được một nguồn lớn lực chất xám lớn để phát triển.

"Không chỉ trong các trường, các viện và các bạn trẻ trong và ngoài nước cũng có thể đóng góp", PGS.TS Triết nói, và cho rằng cũng có thể kết nối chặt chẽ hơn và "đặt hàng" những vấn đề cụ thể cho các trường bởi mỗi trường sẽ có những lợi thế riêng trong việc nghiên cứu và ứng dụng AI.

TS Nguyễn Hoàng Tú Anh - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng cần có những bài toán từ TP để các trường, các viện có thể bắt tay vào hiến kế và thực hiện.

TS Tú Anh cho biết các đề tài nên ở mức vừa và nhỏ mà có thể giải quyết ngay. Từ đó các viện, các trường sẽ có thể đưa ra những ý tưởng khác, những cách làm hay chứ không phải cứ loay hoay không thể biết TP đang cần những gì.

"Đại học chia sẻ" về AI

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo - Video: TỰ TRUNG

Phát biểu chỉ đạo cuối hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đưa ra kiến nghị cho UBND TP.HCM nên chăng có một ban xây dựng điều hành hợp tác ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM.

Theo đó, một số nhiệm vụ của ban này bao gồm xác định các đối tác chiến lược cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo, làm việc với các sở ngành và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho TP...

Một trong những công việc quan trọng của ban là hỗ trợ hình thành một "đại học chia sẻ" để tào tạo trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, do các trường đại học đều có một thế mạnh khác nhau nên muốn phát triển nguồn lực nhanh cần cùng nhau hợp tác đào tạo. Sinh viên có thể học lý thuyết và thực hành với các chương trình tốt nhất.

"Về tài chính, TP sẽ đủ nguồn lực và dành ưu tiên để thúc đẩy những chương trình này, còn cần bao nhiêu hay cơ chế gì ban sẽ kiến nghị", ông Nhân nói.

Trí tuệ nhân tạo phát hiện ung thư cổ tử cung tốt hơn chuyên gia Trí tuệ nhân tạo phát hiện ung thư cổ tử cung tốt hơn chuyên gia

TTO - Một nghiên cứu vừa chứng minh trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng phát hiện dấu hiệu tiền ung thư tốt hơn nhiều so với các chuyên gia đã qua đào tạo hay các phương pháp tầm soát truyền thống.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên