16/09/2015 10:50 GMT+7

Thành phố đáng sống là ra đường không thấy bất an

TRẦN KIÊM HẠ
TRẦN KIÊM HẠ

TT - Chúng ta thường xuyên chứng kiến việc người dân luôn miệng kêu ca “thành phố gì mà trời mới mưa đường đã ngập nặng”, nhưng hễ có rác là đem đổ ngập ngụa miệng cống thoát nước trước mặt nhà mình.

Rác dày đặc trên cầu Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM sau khi xem bắn pháo hoa chào đón năm mới 2015 - Ảnh tư liệu

Một thành phố sống tốt là một thành phố có văn hóa, văn minh cuộc sống mọi mặt. Với người nước ngoài, lần đầu tiên đặt chân lên thành phố chúng ta thì sự văn minh ấy được thể hiện qua văn hóa giao thông.

Nhưng thực tế đáng buồn là hiện nay hình ảnh ấy chẳng đẹp chút nào, ngay người dân thành phố dù đã quen “cảnh ngộ” cũng ngao ngán thở dài, bất an huống chi là khách phương xa!

Ai cũng biết TP.HCM là nơi đất lành chim đậu. Chính sự gia tăng dân số chóng mặt đó đã khiến tình trạng đường sá trở nên chật chội, dù rằng chính quyền luôn cho chỉnh trang và nâng cấp.

Hằng ngày ra đường, chúng ta thường xuyên chứng kiến nhiều chuyện phản cảm như người dân luôn miệng kêu ca “thành phố gì mà trời mới mưa đường đã ngập nặng”, nhưng hễ có rác là đem đổ ngập ngụa miệng cống thoát nước trước mặt nhà mình.

Rồi là chuyện chở con đi học lại coi thường chuyện vượt đèn đỏ, cha mẹ vô tư xả rác xuống đường tự nhiên trước mặt con mình.

Một số người ý thức chấp hành giao thông hầu như không có, đèn giao thông chưa đổi tín hiệu đã bấm còi thúc giục inh ỏi, lỡ va chạm một chút là ẩu đả nhau gây chết người, tranh đường làm giao thông tắc nghẽn, nếu lỡ kẹt xe thì tìm mọi cách “bươn”, thi nhau cưỡi xe máy leo lên cả lề đường...

Để khắc phục tình trạng trên, theo tôi, chính quyền nên mở một cuộc vận động người dân chung tay xây dựng TP.HCM văn minh mọi mặt.

Bước đầu tổ chức những buổi học tập cho từng tổ dân phố, phổ biến ý nghĩa cuộc vận động, in những điều lưu ý, những quy chuẩn của một công dân sống trong thành phố cần phải thực hiện, phát không cho những người mới nhập cư.

Sau đó ai vi phạm sẽ cương quyết xử phạt.

Về phần chính quyền phải có hai biện pháp song hành.

Một là tăng cường hơn nữa việc nâng cấp đường sá, phân luồng hợp lý cho từng loại xe được lưu thông. Hoạt động xe buýt cũng cần chấn chỉnh lại sao cho có hiệu quả, để xe buýt giải quyết nhu cầu đi lại của người dân chứ không phải là mối nguy hiểm tiềm tàng hoặc gây ách tắc giao thông như đã thấy. Những tuyến xe buýt ít khách thì nên cắt chuyến hay thay xe nhỏ hơn, đừng để xe 30 chỗ hoặc 50 chỗ chỉ chở lèo tèo vài người.

Hai là thường xuyên tổ chức từng đợt ra quân vận động người dân tham gia giao thông có văn hóa, nếu vi phạm thì dùng biện pháp xử phạt hành chính, bắt tham gia khóa học để làm “người văn minh đô thị”.

Bạn có đồng ý, để thành phố đáng sống, rất nhiều việc, có thể bắt đầu từ chính ý thức, việc làm của người dân chúng ta? Hãy chia sẻ cùng TTO ý kiến, quan điểm của bạn qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết. 

Bạn cũng có thể đọc lại những bài viết về ý thức công dân ở các đường link dưới đây.

>> Khạc nhổ, đái bậy, vứt rác... tránh được sao bạn không tránh? 
>> Tiếng còi thúc ép, nhường đường hay không?
>> Người Việt hay nói oang oang nơi công cộng, sao không thay đổi?
>> Xả rác bừa bãi: chuyện của chính bạn, chứ không ai khác

TRẦN KIÊM HẠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên