23/01/2022 15:51 GMT+7

Tháng chạp nhớ bánh khúc, bánh giầy, bánh chưng ở vùng chiêm trũng quê tôi

NGUYỄN VĂN CÔNG
NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - Cứ vào tháng củ mật, bà nội tôi lại làm rất nhiều loại bánh. Tôi thích nhất cảm giác được cùng bà làm bánh, nghe bà kể chuyện rồi ngồi trông bếp lửa, thật ấm áp.

Tháng chạp nhớ bánh khúc, bánh giầy, bánh chưng ở vùng chiêm trũng quê tôi - Ảnh 1.

Tôi rất nhớ những ngày được cùng bà làm bánh đón Tết (ảnh minh họa)

Quê tôi có thuần nông chiêm trũng, mỗi lúc đất nghỉ là sẽ có một thứ rau thần kỳ mọc lên - rau khúc

Rau khúc mọc còn tốt hơn cỏ, thứ rau làm bánh rất ngon và chẳng phải trồng, chỉ cần ra cánh đồng mà hái. Trời miền Bắc cận Tết lạnh tê tái, tôi thường níu áo bà, cắp rổ ra đồng hái rau khúc để bà về làm bánh.

Rau khúc có hình dạng giống như rau cải cúc nhưng mọc lẻ tẻ và có lớp lông tơ màu trắng. Ngày xưa đói, tôi thường giục bà hái đầy cả rổ rau để làm thật nhiều, ăn cho no nê. 

Bánh khúc bà làm rau cũng nhiều hơn bột, đậu và được gói bằng lá chuối giống bánh gai. Bánh khúc có miếng nhân thịt mỡ to tướng mà khi cắn vào nước mỡ bắn ra thì ngon tuyệt cú mèo.

Thứ rau tưởng chừng như đơn giản, mọc hoang ấy khi làm bánh lại được lên một tầm cao mới. 

Tháng chạp nhớ bánh khúc, bánh giầy, bánh chưng ở vùng chiêm trũng quê tôi - Ảnh 2.

Mỗi lần bà tôi làm cả trăm cái, tôi luôn xí phần trông bếp củi, bên cạnh là chú mèo cứ "gừ gừ" rúc vào chân, chẳng có gì sướng bằng ngồi sưởi ấm và trong bụng luôn sẵn sàng đợi bánh chín. Bánh khúc không phải là loại bánh ngày lễ Tết nên tháng chạp, anh em chúng tôi cứ thong dong ăn cả tháng, có bữa ăn bánh khúc trừ cơm mà chẳng thấy chán.

Hai loại bánh quan trọng nhất bà để lễ Tết làm là bánh chưng và bánh giầy (bánh dày). Ngày xưa, để đón Tết thì cái gì cũng phải ráo trước vài tháng. Tôi còn nhớ trong năm, bà cứ bảo phải cấy ít lúa nếp ở đồng Con Cá (tên cánh đồng làng tôi) để làm bánh chưng. 

Rồi độ rằm trung thu, bà tôi lại nuôi đôi lợn để anh em trong họ ăn đụng và làm nhân bánh chưng, nghèo đến mấy thì "ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà". Mỗi lần cùng bà cho lợn ăn là tôi lại nghĩ đến Tết, bởi của ngon nhất bao giờ cũng đợi đến những ngày quan trọng nhất, vậy nên việc cho lợn ăn thôi cũng vô cùng háo hức.

Không cứ gì nguyên liệu làm bánh, mà củi cũng được bà tích dần trong năm. Cứ đâu có các thanh gỗ, cây tre, cây xoan nhà ai bỏ đi là bà xin về, chẻ ra rồi phơi khô treo lên gác bếp, còn trấu cũng phải tích trữ vài bao. Đun bánh chưng chỉ có đun củi, ủ trấu là ngon nhất, đến sau này có bếp gas, bếp than bà tôi vẫn nhất quyết nấu bánh chưng bằng củi.

Bà tôi cầm sổ đi hỏi từng nhà cô, nhà chú xem gói bao nhiêu để bà làm luôn một thể, ai đóng góp được gì thì đóng, còn không bà chi tất. Đến độ 15 tháng chạp là gần như mọi công đoạn chuẩn bị đã phải xong, chỉ đợi mua lá dong và làm bánh.

Bà tôi kỹ tính nên nhiều năm bà đạp xe vào trong làng Tràng Cát (làng nổi tiếng trồng lá dong huyện Thanh Oai, Hà Nội) để hái chọn từng lá một. Có năm tôi đi theo bà, chui vào ruộng lá dong cao hơn cả đầu người, mùi lá dong tươi thật thơm.

Quê tôi người ta ăn bánh chưng chấm với mật mía nên có năm bà mua có năm bà tự làm mật mía. Chấm miếng bánh chưng vào mật mía có vị rất khác, dễ ăn hơn vì mật mía ngọt sắc làm tan đi cái ngấy của bánh chưng. Trẻ con như chúng tôi ngày ấy rất khoái đồ ngọt, một miếng bánh chưng có khi chấm cả chục lần, ăn một cách ngọt khé cổ.

Tháng chạp nhớ bánh khúc, bánh giầy, bánh chưng ở vùng chiêm trũng quê tôi - Ảnh 3.

Ngoài bánh chưng, bà tôi còn làm bánh giầy cúng ngày Tết. Tôi hỏi bà rằng sao nhiều nơi giờ không thấy họ làm cả bánh chưng, bánh giầy, bà tôi chỉ bảo "bố anh, bà cũng chẳng biết đâu" nhưng làng mình bao đời nay họ vẫn làm thì bà làm thôi. 

Thật ra, theo tôi nghĩ thì bánh giầy không để được lâu trong những ngày Tết nên nhiều nơi không làm, có lẽ vậy mà nhắc đến Tết người ta nhớ nhiều về bánh chưng hơn.

Độ ngày 27, 28 tháng chạp, bà tôi và ông bắt đầu gói bánh, bắc bếp, không khí Tết lúc đó đã tràn ngập làng quê, loa phát thanh làng phát những bản nhạc vui xuân rạo rực như thúc thời gian trôi nhanh hơn. Trước sân nhà, khu vườn nhỏ xinh, cây đào trồng từ hồi cụ tôi còn sống đang hé cười đón xuân sang.

Bà tôi không khéo tay bằng ông tôi nên bà phải dùng khuôn, còn ông tôi cứ gói nhanh thoăn thoắt, loáng cái đã xong hơn năm chục đồng bánh. Tôi thường xí trách nhiệm duỗi lá, xúc đậu. Ngồi cạnh nồi đậu xanh thơm lừng, chốc chốc tôi lại nhặt vụn đậu rơi ngoài nồi bỏ vào mồm, bà tôi biết tôi thèm nên động viên "đợi bà gói xong thì cho cháu vét nồi đậu nha".

Xong gói bánh. Bà tôi bắc bếp ngay trong căn bếp hằng ngày nhưng với bộ kiềng bằng gạch xếp. Bếp ngày xưa đun bằng rơm, bằng củi nên rất nhiều bồ hóng, cạnh bếp là chuồng lợn, dường như chúng biết Tết đang về nên kêu "éc éc" như hát bản tình ca giao mùa. 

Phải nói thêm là mùi khói bếp củi ngày ấy thật thơm và gây thương nhớ, bây giờ sống trên thành phố hiếm khi tôi được hít mùi khói của quê nhà nên làm tôi thương nhớ mùi khói và căn bếp của bà vô cùng.

Bà tôi lấy những bó củi đã tích trữ cả năm trời ra đun, ủ trấu xung quanh nồi, thời khắc châm lửa nấu bánh bắt đầu được đếm ngược, tôi nhớ bà thường bảo phải nấu ít nhất 12 tiếng thì bánh mới dẻo, xanh da và để được lâu, thỉnh thoảng lại phải cho nước, bà tôi còn cho vài lá dong tươi bên ngoài cho xanh vỏ.

Tôi vẫn còn nhớ những đêm trông bánh, buồn ngủ quá rồi nằm dựa vào tải trấu để ngủ, nửa đêm bà tôi gọi bố tôi xuống bế tôi lên giường rồi bà lại ngồi trông cho đến sáng. Sáng sau, tôi thức dậy thì thấy bà đã vớt bánh xong xuôi cả rồi.

Gần Tết bận rộn, nhưng bà tôi không quên lo cái Tết cho trâu, lợn và đàn gà. Bà vẫn xắn quần lên lội xuống ao vớt thật nhiều bèo về dự trữ, cắt mấy gánh cỏ để ở chuồng cho trâu ăn, dự trữ ngô cho đàn gà, chứ mấy ngày vui Tết lại quên chúng thì chúng chết đói mất.

Những kỷ niệm về tháng chạp cùng bà làm bánh đã trôi qua được vài năm, bà tôi giờ đây đã là người thiên cổ, tháng chạp giờ tôi có công việc quan trọng là ra chạp mộ bà. 

Tôi đã không còn được thưởng thức bánh khúc bà gói, cùng bà chuẩn bị bao công việc để có những đồng bánh chưng đẹp nhất cho ngày Tết. Thời gian như sát thủ vô hình cướp đi rất nhiều thứ, chỉ còn lại những kỷ niệm đẹp nằm trong trí nhớ.

Thời đại 4.0, mọi thứ đều có sẵn, vậy nên không khí Tết có vẻ đến chậm hơn so với ngày xưa. Thậm chí, bánh chưng người ta cũng có thể mua sẵn vào ngày 30 Tết, còn tôi thì vẫn muốn được tự tay gói những đồng bánh chưng bằng kinh nghiệm mà bà tôi để lại, cho dù biết "tay nghề" còn rất yếu.

Với tôi, giá trị rất lớn mà Tết xưa hơn Tết nay chính là khâu chuẩn bị cho Tết, đó là khoảng thời gian mọi người trong gia đình mỗi người một việc, trao truyền văn hóa từng thế hệ, khao khát đến Tết từng giây phút, chuẩn bị gạt bỏ mọi ưu phiền của năm cũ và chào đón sự tươi mới.

Tết năm nay sẽ là Tết 5K. Hạn chế "tay bắt mặt mừng" đến nhà nhau chúc Tết để phòng dịch COVID-19, tuy nhiên không khí và sự cảm nhận thiêng liêng về Tết chắc chắn không bị giảm đi, bởi hương vị Tết đâu chỉ cảm nhận bằng mắt mà còn bằng trái tim với những kỷ niệm thân thương.

Tháng chạp nhớ bánh khúc, bánh giầy, bánh chưng ở vùng chiêm trũng quê tôi - Ảnh 4.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Người về trong sương tháng Chạp Người về trong sương tháng Chạp

TTO - Trong những giấc mơ chập chờn khói bếp của tôi, luôn phảng phất một mùi hương rất quen thuộc, đó là mùi sương giăng của ngày tháng Chạp, còn vươn trên vai áo chú trong một sớm mai nào cùng cha uống chén trà ngô thơm đằm vị khói.

NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên