23/01/2019 16:29 GMT+7

Tết Việt ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM nhiều màu sắc

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Rất nhiều hoạt động truyền thống của dân tộc được chuyển tải, thu hút nhiều bạn trẻ và du khách nước ngoài tại lễ hội Tết Việt năm 2019 do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức tại số 4 Phạm Ngọc Thạch (Q.1).

Các văn nghệ sĩ tham gia khai mạc lễ hội Tết Việt năm 2019 - Video: K.ANH

Tết Việt ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM nhiều màu sắc - Ảnh 2.

Các văn nghệ sĩ tham gia khai mạc lễ hội Tết Việt năm 2019 - Ảnh: K.ANH

Với thông điệp gìn giữ truyền thống dân tộc tại lễ hội này, anh Nguyễn Hồng Phúc, giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên, cho biết năm nay cũng là năm thứ 10 diễn ra lễ hội Tết Việt và nét nổi bật của năm nay chính là ý tưởng mang đậm nét truyền thống.

Dọc theo hai mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai và Phạm Ngọc Thạch, ngoài những cội mai vàng rực rỡ là phố ông đồ với khoảng 30 gian hàng được trang trí, trưng bày bắt mắt bởi những câu đối, lời chức hay những bức họa thư đặc sắc…

Gần 60 ông đồ trẻ mà mọi người thường gọi vui là những "anh đồ" sẽ tham gia cho chữ suốt từ nay đến ngày 4-2 (30 âm lịch). Là một trong những ông đồ trẻ nhất tại đây, bạn Xuân Thành (sinh viên Trường ĐH Mỹ Thuật) cho biết bạn đã tham gia CLB Thư Pháp của Nhà Văn hóa thanh niên từ khi còn học lớp 8 và sau một năm bạn đã ra phố ông đồ này để cho chữ. Đến nay đã 6 năm bạn có mặt tại phố ông đồ tham gia cho chữ.

"Những ông đồ tụi mình không chỉ làm sao viết chữ cho đẹp mà còn phải biết lắng nghe những tâm sự của những người đến xin chữ. Vì có rất nhiều người kể tâm sự về người cha, ngừi mẹ hoặc bất kì người thân nào để họ xin chữ về tặng người ấy. Có khi người ta vừa mất đi người cha hoặc người mẹ, mình cũng lắng nghe, sẻ chia để có được dòng chữ bình an gửi tặng người đấy."- ông đồ trẻ Xuân Thành chia sẻ.

Tết Việt ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM nhiều màu sắc - Ảnh 3.

Ông đồ trẻ Xuân Thành tại phố ông đồ Nhà văn hóa thanh niên - Ảnh: K.ANH

Ngồi ngoài trời từ sáng đến tận khuya để cho chữ cũng khá mệt nhưng các ông đồ đều thấy rất vui vì ngày càng nhiều người đến du xuân và xin chữ. Xuân Thành cho biết mỗi đợt tham gia tại phố ông đồ, có cả ngàn người đến gian hàng của bạn để xin chữ. "Nhiều hôm đến 22h30 là hết giờ hoạt động nhưng vẫn còn người xin chữ nên khách phải rọi đèn pin cho ông đồ viết xong. Những lúc thế thấy vui nên quên hết mệt nhọc của cả một ngày"- Xuân Thành nói

CLB Thư pháp của Nhà văn hóa thanh niên là nơi thu hút rất nhiều bạn trẻ có đam mê với môn nghệ thuật này. Anh Phạm Văn Nguyên chủ nhiệm CLB cho biết: ngày càng có nhiều bạn trẻ đến với bộ môn nghệ thuật này. Có người là kỹ sư, kinh doanh … nhưng đam mê nên đến với CLB hàng tuần để được chia sẻ, trao đổi về nghề.

"Trước đây chúng ta thường thấy các cụ đồ, còn bây giờ rất nhiều bạn trẻ theo nghề này. Cũng có người sống bằng nghề nhưng cũng có người cho chữ vào dịp lễ tết là chính. Có nhiều người trẻ đến với thư pháp là tín hiệu vui khi mà chúng ta vẫn giữ gìn được truyền thống của dân tộc"- anh Nguyên cho hay.

Tết Việt ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM nhiều màu sắc - Ảnh 4.

Các văn nghệ sĩ tham gia khai mạc lễ hội Tết Việt năm 2019 - Ảnh: K.ANH

Là một trong số rất ít "bà đồ" tại phố ông đồ này, bạn Thủy Tiên cũng là thành viên CLB Thư pháp cho biết bạn đã gia nhập phố này được hai năm. "Mỗi ngày thường đông vào sáng sớm và chiều tối nên những giờ ít khách mình sẽ viết sẵn một số chữ để kịp phục vụ mọi người. Ngồi tại phố cả nửa tháng mệt nhưng rất vui"- Thủy Tiên cho biết.

Xin một bức họa thư vẽ cành mai vàng và câu nói về người Cha, bạn Thanh Thảo quê ở Di Linh, Lâm Đồng chia sẻ: " Ba mình làm nông dân trồng cà phê rất vất vả. Mình đi học xa nhà càng nhớ gia đình hơn và tết này mình muốn tặng Ba mình một lời chúc bình an.".

Tết Việt ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM nhiều màu sắc - Ảnh 5.

Thủy Tiên - một trong số rất ít “bà đồ” trẻ tại phố ông đồ Nhà văn hóa thanh niên- Ảnh: K.ANH

Không chỉ là phố ông đồ mà hầu hết chương trình nghệ thuật vào hàng đêm của lễ hội diễn ra đến ngày 9-2 (mùng 5 tết) thì rất nhiều chương trình mang âm hưởng nghệ thuật dân tộc như ca cổ, cải lương, các bài hát dân ca… "Chúng tôi xem như đây là dịp khởi đầu cho dự án âm nhạc dân tộc sẽ được Nhà văn hóa thanh niên đầu tư trong năm 2019. Sẽ có nhiều hoạt động thông qua âm nhạc dân tộc để đến với bạn trẻ, khi đến trường học giúp các em thêm yêu môn lịch sử qua những trích đoạn cải lương…"- anh Hồng Phúc, cho  biết.

Đến du xuân, nhiều bạn trẻ chọn cho mình bộ áo dài truyền thống e ấp dưới tán mai vàng để chụp hình kỷ niệm, khiến không gian thêm đậm hồn Việt tại đây. 

Những ngày này, du khách nước ngoài cũng đến đây để tham quan, chụp hình và tìm hiểu văn hóa Tết cổ truyền của Việt Nam.

Tết Việt ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM nhiều màu sắc - Ảnh 6.

Du khách chụp hình thiếu nữ du xuân - Ảnh: K.ANH


KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên