12/02/2018 08:15 GMT+7

Tết 'không lo đói, rét, chỉ là chưa có nhà' ở Khe Chữ

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Tết Mậu Tuất này, những người dân Ca Dong ở làng tái định cư sau bão số 12 năm 2017 tỉnh Quảng Nam sẽ đón một cái tết chưa từng có: đón tết trong nhà tạm, làng tạm, gạo muối từ nguồn cứu trợ.

Tết không lo đói, rét, chỉ là chưa có nhà ở Khe Chữ - Ảnh 1.

Thầy giáo ở điểm trường tiểu học Khe Chữ lội trên con đường bùn sâu tới 2-3 gang tay để vào làng dạy chữ cho học sinh Ca Dong - Ảnh: B.D

Khe Chữ từng chỉ là một thung lũng bằng phẳng, nằm dưới những khối núi lớn mà lâu nay người dân ở các ngôi làng dọc xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) lui tới để trồng lúa, gánh nước. 

Nhưng giờ đây, những khoảnh ruộng ấy đã không còn mà thay vào đó là những  khoảnh đất nhão nhoẹt mới được dọn ra. Những túp lều tạm được dựng lên, Khe Chữ bất đắc dĩ trở thành nơi tái định cư cho ngôi làng mới.

Làng mới trên ruộng rẫy

Ngày cuối năm mưa vẫn kéo theo từng đợt làm cái lạnh như thấu xương. Làng Khe Chữ nằm dưới thung lũng giờ đây nhìn đâu cũng thấy bùn, những túp lều vừa được bộ đội dựng lên che tạm bằng bạt mỏng từ trên cao tựa như đám nấm bạc khổng lồ. 

Ngay trong ngày làm việc nhưng ngay cả bí thư Đảng uỷ xã Trà Vân ông Nguyễn Thanh Luận vẫn phải đội mưa vào rừng cùng bà con cắt lá, chặt dây cùng người làng để về thưng lại nhà. 

Ông Luận đứng trong lạnh, run run nói: "Ba tháng kể từ về làng mới rồi nhưng mọi thứ vẫn ngổn ngang, mưa liên miên nên việc lấy cây, lợp nhà cho dân cũng làm rất chậm, không biết rồi tết này bà con Khe Chữ sẽ đón tết thế nào".

Tết không lo đói, rét, chỉ là chưa có nhà ở Khe Chữ - Ảnh 2.

Thung lũng làng mới Khe Chữ trong mưa rét của những ngày cuối năm - Ảnh: B.D

Ngôi nhà cũ của ông Luận và gia đình ở làng cũ (nóc ông Tuân) giờ đã trở thành làng "ma". Không một túp lều, không một bóng người. Vào làng chỉ còn thấy mấy con gà vốn từng được nuôi trong nhà dân, nhưng nay trở thành gà rừng vì sổng chuồng, sống lang thang giữa đám rẫy. Mấy tấm giấy khen của trẻ con, những khung ảnh chụp chung của các gia đình và vài bộ quần áo cũ bị vứt đi nằm buồn tẻ trên đám đất. 

Một thanh niên đang về làng nhặt nhạnh những thứ cuối cùng còn sót lại dời về làng mới Khe Chữ nói bằng nỗi buồn não nề: "Dân làng cũng có ai nghĩ tới cảnh phải bỏ đi tất cả như hiện nay đâu. Lũ về lớn quá, những tiếng nổ đùng đùng trong lòng đất dội lên đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn ám ảnh. Người lớn bỏ chạy, trẻ con chạy theo. Giờ toàn bộ làng ông Tuân, ông Triều đã kéo nhau đi về Khe Chữ hết chứ không lở thì chẳng biết chạy đi nơi đâu".

Tết không lo đói, rét, chỉ là chưa có nhà ở Khe Chữ - Ảnh 3.

Người dân Khe Chữ về làng cũ lấy tre nứa để dựng lại nhà mới ở nơi tái định cư - Ảnh: B.D

Những ngày cuối năm 2017, khi cơn bão số 12 quét qua hình ảnh những ngôi làng của người dân nóc ông Tuân, ông Triều tan hoang như vừa trải qua một bãi bom. Chỉ vài ngày khi ngọn núi đổ ập xuống, làng chẳng còn một bóng người và cũng ít người dám trở lại bởi những gì xảy ra với họ khi núi đổ xuống vẫn còn ám ảnh, nhiều người chưa hoàn hồn. 

4 người chết tại chỗ, hàng ngàn công binh, cán bộ, dân quân... khắp nơi đem xe lên nối từng đoàn đi vào Khe Chữ giúp người Ca Dong dựng làng. Xe đi qua ngôi làng cũ, nhiều đám hương, gói bánh, bao kẹo được người qua đường dừng lại đặt trên nền đất tưởng nhớ người đã chết làm làng cũ thêm đau lòng.

Ông Nguyễn Thanh Luận cho biết chưa bao giờ Ca Dong của ông phải trải qua những ngày tháng khó khăn như lúc này. Khi dân tập trung về làng mới, việc đầu tiên là có chỗ ở. Ngay lập tức huyện Nam Trà My đã lấy thung lũng Khe Chữ rồi chia tách thành từng mẩu nhỏ. Mỗi mẩu cắm một cành cây lớn và vẽ vuông vức. 

Những ô vuông mờ mờ trên nền đất ấy sẽ là chỗ ở mới cho bà con. Tổng cộng có 144 ô vuông như thế với hơn 700 con người.

Tết không lo đói, rét, chỉ là chưa có nhà ở Khe Chữ - Ảnh 4.

Làng cũ trên ruộng rẫy, trên những đám bùn lầy ngập ngụa tới ống chân - Ảnh: B.D

"Không lo đói, không lo rét..."

Những người dân Khe Chữ đang phải sống những ngày khó khăn khi rời khỏi làng cũ về lập nơi ở mới nhưng từ trong gian khó này, sự sẻ chia của người dân nhiều vùng miền, sự hỗ trợ của chính quyền đã làm mủi lòng người dân tại chỗ.

Ông Hồ Văn Thắng - một hộ dân mới về chân ướt chân ráo ở Khe Chữ cười móm mém rằng "chưa bao giờ mà ông và các gia đình được nhận nhiều quà và lịch đi nhận dày như thời gian qua".

Từng đoàn xe cứu trợ mang theo gạo muối, chăn màn, nhu yếu phẩm nối đuôi nhau tập trung về Khe Chữ khiến người dân đi nhận liên miên. Có ngày tới hai ba đoàn cứu trợ đổ về. Vào trong từng nhà dân, tiền có thể thiếu thốn, nhà đang tạm bợ nhưng quần áo, chăn màn, gạo và thức ăn thì chất thành từng đống.

"Bà con đón tết không lo đói, không lo rét, chỉ là chưa có nhà thôi" - ông Thắng nói.

Tết đặc biệt

Chúng tôi vào Khe Chữ vào những ngày cuối năm và đâu cũng cảnh từng túp lều tạm bợ dựng lên nhão nhoẹt trong bùn đất ngập tới mắt cá chân. Vào làng thỉnh thoảng mới bắt gặp vài đứa trẻ, những người già ngồi co ro bên bếp lửa nhìn ra màn mưa dày đặc như nhung. 

Quanh làng, mấy lá cờ tổ quốc, cờ đoàn thanh niên được cắm lên ướt sũng trong mưa đặc. Những lán trại của bộ đội cũng chỉ còn lại vài lính quân nuôi, tất cả lính đều đã đội mưa vào rừng lấy gỗ, chặt tre về thưng nhà cho bà con.

Tết không lo đói, rét, chỉ là chưa có nhà ở Khe Chữ - Ảnh 6.

Người Khe Chữ dìu nhau ra xã mua sắm đồ đạc chuẩn bị cho cái tết đặc biệt trong đời - Ảnh: B.D

Trung tá Trần Văn Chín - phó tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My cho biết nhiều tháng nay từng tốp quân của Quân khu 5, các sư đoàn, huyện đội cho tới dân quân các xã đã được tập kết về Khe Chữ để giúp dân dựng làng. 

Khe Chữ cũng trở thành tâm điểm của tỉnh Quảng Nam, của cả nhiều vùng miền khi 144 hộ dân phải bỏ làng đi trong cảnh không nhà cửa, không một tài sản trong tay để về nơi ở mới. Những câu chuyện nhói lòng và những người dân Ca Dong nghèo khổ chạy thiên tai đã khiến nhiều nguồn lực dồn về đây. 

"Tới nay đã có hàng ngàn lượt quân tới giúp dân dựng nhà, tài thiết cuộc sống nhưng tới 10 ngày trước tết nguyên đán các kế hoạch đã bị chậm lại vì mưa quá nhiều. Chúng tôi đặt quyết tâm sẽ dựng được nhà cho ít nhất 50% bà con để đón tết" - ông Chín nói.

Ông Chín nói rằng vì câu chuyện đặc biệt như vậy mà tết Mậu Tuất của người miền xuôi năm nay cũng sẽ là một cái tết không thể nào quên đối với người Khe Chữ, xã Trà Vân. 

"Người dân ở đây trước kia không ăn tết như người Kinh mình nhưng mấy năm nay thì họ cũng đón tết như các nơi khác. Nếu như mọi năm làng cũ còn, bà con chưa mất heo mất gà, nhà cửa còn ấm cúng thì không khí cũng sẽ ấm cúng hơn. Nhưng về làng mới mọi thứ trống trơn thì bà con ít nhiều vẫn sẽ làm, mấy hôm nay thấy không khí đã rục rịch trong mấy ngôi nhà rồi" - ông Chín nói.

Ông Nguyễn Thanh Luận nói rằng do mọi thứ thiếu thốn, dang dở nên người làng sẽ đón tết theo kiểu "có gì dùng nấy". Ai có nếp thì gói bánh chưng, ai có heo thì ăn heo, có gà ăn gà. Mọi người sẽ tụ tập lại quây quần bên nhau uống rượu đón một cái tết đặc biệt ở làng mới.

Tết không lo đói, rét, chỉ là chưa có nhà ở Khe Chữ - Ảnh 7.

Khi tết đang cận kề, tràn ngập hơi ấm ở miền xuôi thì những hình ảnh như thế này lại đang là "cảnh thường ngày" ở Khe Chữ - Ảnh: B.D

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên