TTO - Năm Đinh Dậu quá nhiều thiên tai. Không chỉ bão, lụt mà còn lũ quét, lở đất. Cuộc sống đảo lộn ở những nơi thiên nhiên trút cơn thịnh nộ. Tết đến rất gần rồi mà mọi thứ vẫn còn ngổn ngang…

Ngổn ngang ngày giáp Tết ở nơi ông trời trút cơn thịnh nộ - Ảnh 1.

Rạng sáng 12-10-2017 là thời khắc kinh hoàng với bà con xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Một nửa quả đồi đã ụp xuống 4 gia đình, vùi lấp 18 con người. Xóm Khanh trắng vành khăn tang.

Chúng tôi trở lại xóm Khanh vào những ngày cuối năm khi miền Bắc chìm trong mưa rét. 

Cái lạnh cắt da cắt thịt càng khắc họa rõ khung cảnh thê lương của "vùng đất chết". Người dân nơi đây vẫn sợ hãi và từ chối nếu du khách ngỏ ý tìm đến thác Khanh - hiện trường vụ sạt lở đất.

Ngổn ngang ngày giáp Tết ở nơi ông trời trút cơn thịnh nộ - Ảnh 2.

Lo đất lở tiếp, chính quyền khuyến cáo không vào khu vực thác Khanh - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Đường vào thác Khanh bây giờ có cắm hai biển báo "Cấm vào". Đứng ở nơi này có thể trông thấy rõ nửa quả đồi còn trơ lại, dòng thác Khanh vẫn đổ xuống, đất và đá tảng ngổn ngang, các chuồng gia súc xiêu vẹo. Và không một bóng người.

Những người may mắn thoát nạn khi hàng ngàn mét khối đất đá đổ ào xuống chân thác Khanh hôm đó đều đã quyết định tìm mọi cách rời xa "vùng đất chết". 

Họ tìm nơi ở mới, dựng nhà mới với mong mỏi sớm ổn định cuộc sống mới. Không một ai quay lại.

Gia đình cụ Bùi Thị Cái (78 tuổi) với 5 nhân khẩu là những người như thế. "Ngủ mà, tùm tùm xuống dưới sân. Chạy... nhà chạy được hết. Chạy sang nhà bên kia, chạy ra đường cái ở nhờ", cụ Cái nhớ lại, ký ức đứt đoạn.

Nhà bị vùi lấp hoàn toàn, nhưng mọi người giữ được mạng sống, họ được chị Bùi Thị Soạn (43 tuổi) cho mượn tạm một mảnh đất để dựng nhà, cưu mang lẫn nhau trong lúc hoạn nạn.

Ngổn ngang ngày giáp Tết ở nơi ông trời trút cơn thịnh nộ - Ảnh 3.

Cảnh đổ nát ở xóm Khanh hơn 2 tháng sau vụ lở đất ngày 12-10-2017 - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Gia đình chị Đinh Thị Ích cũng đành "bỏ của chạy lấy người". Căn nhà cấp bốn ở thác Khanh được xây khá chắc chắn nhưng gia đình nhất quyết chuyển đến nơi ở mới.

"Chồng đi làm thêm kiếm tiền, hai con đi học, tôi với mẹ dọn ra ngoài đường quốc lộ ở tạm. Thỉnh thoảng vào ngủ lại trong nhà cũ vì trâu bò, gà lợn vẫn ở trong đó hết", chị Ích chia sẻ.

Nơi ở mới của những nạn nhân xóm Khanh là những căn lán dựng tạm ven Quốc lộ 6, hàng giờ xe tải cứ rầm rập chạy qua. Ngồi trong một căn lán như thế, chị Bùi Thị Chi (26 tuổi) run bần bật ôm chặt con gái lớn. Kể từ biến cố kinh hoàng đó, chưa đêm nào chị ngủ tròn giấc.

Ngổn ngang ngày giáp Tết ở nơi ông trời trút cơn thịnh nộ - Ảnh 5.

Chị Bùi Thị Chi kể lại giây phút thoát chết khi nửa quả đồi đổ ập xuống xóm Khanh - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

"Sợ mà, bây giờ mình ngủ đây, đêm ôtô đi lúc nào thì giật mình lúc đấy mà, ám ảnh suốt. Đợt trước nghe tiếng lạ là mình vùng dậy thôi, sợ quá", chị kể, gương mặt thất thần.

Ba mẹ con chị đã thoát chết trong gang tấc khi được hàng xóm lôi ra từ trong đống đổ nát.

"Lúc đó chỉ nghe tiếng nổ lớn, nó ào vào nhà, không kịp xoay mình, sập nhà mình luôn. Ba mẹ con nằm đó, mấy tải thóc ở bên trên đổ xuống chân, còn tảng đá đổ đè trên tải thóc. Ba mẹ con hô cứu, chú nhà bên dưới nghe thấy nên kéo ba mẹ con ra. Thấy đông người mình mới biết sợ, biết run. Sáng ra vào nhìn thấy nhà mình chả còn gì nữa, nó ục hết rồi", chị Chi nhớ lại.

Ngồi bên cạnh, anh Bùi Văn Luân cố gắng trấn an vợ. Trong đêm bị nạn, anh đang đi làm thêm ở Tuyên Quang, nghe bố vợ gọi điện báo nhà sập rồi, vợ con thoát chết, anh vội bắt xe về ngay trong đêm. Giờ anh chỉ mong cái lán tạm này có thể làm chỗ ăn chỗ ngủ chỗ cho con học hành.

Dân xóm Khanh chưa thể quên sự cố đêm 12-10-2017 - Video: HÀ THANH - PHƯƠNG CHINH

Người hàng xóm Đinh Công Huân chính là người đã cứu sống ba mẹ con chị Chi. 

Nhấp chén trà nóng, ông Huân kể: "Thấy nó kêu cứu, hai bố con đạp cửa lôi ra, người nó cứ run run, còn mỗi con mắt, đất bùn ướt hết. Hai bố con dìu ra lấy quần áo vợ mình cho nó mặc. Nhưng nó kêu ‘chạy đi, ở đây chưa ổn đâu’, lại chạy tiếp".

Người đàn ông ngoài 40 này cũng đã phải nén nước mắt, soi đèn pin mò tìm trong bóng tối để tìm đứa con trai bị vùi lấp. 8 người trong dòng họ nhà ông đã thiệt mạng trong trận lở đất kinh hoàng đó.

"Mưa, bùn, nước cứ chảy dần, chảy dần, lúc đó dân quân phải đào nhưng biết rồi, thấy người nhưng không sống sót đâu. Nó (con trai ông là Đinh Công Nghị - PV) đi theo tảng đá lớn quá, mưa to như bây giờ, nước ầm ầm. Chỗ tôi cứu được ba mẹ con chị Chi cũng không còn gì, vùi lấp hết", ông Huân nhìn cơn mưa đang trút xuống, nhắc đi nhắc lại là không được trở lại thác Khanh vì vẫn có nguy cơ sạt lở tiếp.

Dân xóm Khanh đang phải sống tạm bợ trong những lán trại ven quốc lộ 6 - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Phương án sinh kế cho những người như chị Chi, ông Huân đang được chính quyền địa phương tính toán.

Ông Bùi Văn Khải - chủ tịch UBND xã Phú Cường - cho biết đang đánh giá thiệt hại của bà con. Những hộ còn có đất, có nương thì vận động, hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi để họ tái sản xuất. Hộ nào mất trắng thì chính quyền sẽ cố gắng xem xét bố trí đất và hỗ trợ vay vốn, con giống, cây trồng, vật nuôi.

"Tết phải xong nhà, ra Tết phải ổn định sinh kế", chủ tịch xã khẳng định.

Ngổn ngang ngày giáp Tết ở nơi ông trời trút cơn thịnh nộ - Ảnh 8.

Ngổn ngang ngày giáp Tết ở nơi ông trời trút cơn thịnh nộ - Ảnh 10.

Xóm Khanh, nơi xảy ra vụ sạt lở đất làm 18 người chết ngày 12-10-2017 - Ảnh: GOOGLE MAPS

Ngổn ngang ngày giáp Tết ở nơi ông trời trút cơn thịnh nộ - Ảnh 11.

Những ngày cuối năm Đinh Dậu, làng biển Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, Khánh Hóa vẫn còn nỗi ám ảnh kinh hoàng về cơn bão khủng khiếp đã đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của họ.

Đây là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất khi cơn bão số 12 với tên quốc tế Damrey quét qua hồi tháng 10-2017.

Khoảng hơn một tháng trở lại đây, vợ chồng chị Lê Thị Tứ (thôn Tân Đức Đông, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) cùng 3 đứa con phải bán nhà cửa, tài sản để trả nợ rồi dọn đến ở nhờ nhà một người anh em gần đường ray xe lửa ở thôn Tân Đức Tây (xã Vạn Lương).

Ngổn ngang ngày giáp Tết ở nơi ông trời trút cơn thịnh nộ - Ảnh 12.

Chị Lê Thị Tứ là một trong những người nuôi tôm ở Vạn Ninh mất tất cả cơ nghiệp sau cơn bão số 12 Damrey - Ảnh: THÁI THỊNH

Gia đình chị Tứ sống bằng nghề nuôi tôm xanh trên vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh) đã 9 năm nay. Tiền lãi mỗi năm anh chị đều đem đổ hết vào việc mở rộng quy mô bè tôm.

Để có tiền mua giống, đợt nuôi tôm gần đây nhất trong năm 2017, anh chị phải vay mượn các nơi 850 triệu đồng, và vay ngân hàng 500 triệu đồng.

"Chỉ còn 3 ngày nữa là bán được tôm thì bão 12 đến. Đêm bão về, hai vợ chồng tôi cùng đứa con làm liều ở lại giữ bè nhưng lực lượng cưỡng chế đưa vào bờ. Cả nhà tôi thức trắng đêm không ngủ được, thấp thỏm lo âu bởi toàn bộ tài sản hơn 2 tỉ đồng đều đổ hết ra đó. Rạng sáng hôm sau, chạy vội ra xem, tôi khóc ngất đi khi thấy bè tôm đã tan nát, không còn gì chỉ còn trơ mấy khung gỗ bật ngửa lên trời, mất hết tất cả", chị Tứ gạt nước mắt kể.

Sau bão, các chủ nợ réo rắt đòi tiền, rồi tiền lãi ngân hàng đến hạn phải đóng. Chị Tứ đã phải bán căn nhà 181m2 với giá 570 triệu đồng và 6 sào rẫy được thêm 480 triệu đồng để trả nợ, nhưng vẫn không đủ.

Bão Damrey đẩy chị Tứ vào người dân Vạn Ninh vào biết bao khó khăn - Video: THÁI THỊNH

Ngổn ngang ngày giáp Tết ở nơi ông trời trút cơn thịnh nộ - Ảnh 14.

Cuộc sống càng thêm khó khăn khi sau bão chồng chị bị thoát vị đĩa đệm, con trai nằm viện vì tai nạn. Gia đình chị Tứ gần như bế tắc. Từ một người gắn liền với nghề nuôi tôm lồng bè, nay để mưu sinh, mỗi sáng chị Tứ phải lăn lộn giữa chợ, bán từng cân thịt bò thuê, kiếm mỗi ngày 50-70 ngàn đồng.

Sống ở làng biển Vạn Lương đã 47 năm nay, chị Tứ kể đây là lần đầu tiên gia đình chị gặp một biến cố lớn đến vậy. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, cơn bão đã lấy đi của hàng trăm hộ dân nơi đây tất cả mọi thứ: nhà cửa, tài sản, nghề nghiệp.

Cả cánh đồng tôm với hàng trăm lồng bè - tài sản tích góp cả đời gây dựng của biết bao gia đình nơi xóm nghèo này - bị quật vỡ nát, cuốn trôi hết xuống biển. 

Sự trù phú của làng tôm biến mất sau một đêm. Cú sốc quá lớn đã làm đảo lộn cuộc sống, thay đổi tất cả.

Ngổn ngang ngày giáp Tết ở nơi ông trời trút cơn thịnh nộ - Ảnh 15.

Bè tôm - hy vọng đổi đời của người dân Vạn Ninh - bị bão Damrey tàn phá - Ảnh: THÁI THỊNH

Làng chài Vạn Ninh tan hoang sau bão Damrey - Ảnh: NAM TRẦN

Giờ "năm hết, Tết đến", nhắc đến ước vọng cho năm mới Mậu Tuất mà chị Tứ nghẹn ngào. Trong thâm tâm chị lúc này chỉ có một mong ước: Được nhà nước, ngân hàng hỗ trợ để chị và bà con làng biển Vạn Lương được trở về với biển, tiếp tục mưu sinh bằng nghề nuôi tôm đã gắn bó với họ mấy chục năm nay.

Chị ước mơ cánh đồng tôm Vạn Lương sẽ lại trù phú như ngày xưa...

Ngổn ngang ngày giáp Tết ở nơi ông trời trút cơn thịnh nộ - Ảnh 17.

Làng chài Vạn Ninh nằm trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: GOOGLE MAPS

Ngổn ngang ngày giáp Tết ở nơi ông trời trút cơn thịnh nộ - Ảnh 18.

HÀ THANH - PHƯƠNG CHINH - THÁI THỊNH
DUY PHƯƠNG
BẢO SUZU
11/02/2018

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên