23/01/2014 03:17 GMT+7

Tất cả đều thua

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TT - Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên bác yêu cầu của ông Lê Văn Lý - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM - đòi hủy quyết định 3163 của UBND TP.HCM về việc không công nhận hiệu trưởng đối với ông. Thẩm phán vừa dứt lời tuyên án, phòng xử chia làm hai thái cực: những người ở hội đồng quản trị vui cười hớn hở, tay bắt mặt mừng; phía bên kia, những người thua kiện trầm ngâm và ưu tư.

Rảo bước ra về ở sân tòa, một thanh niên đến bắt tay một người đầu bạc bên thắng kiện để “chúc mừng thầy”. Người thầy giáo già cười gượng gạo: “Có gì đâu mà mừng. Chúng tôi đầu đã bạc hết rồi, lại là những nhà giáo, đưa nhau ra tòa thế này có gì mà vui”.

Có thể đó là lời thật lòng của người thắng kiện bởi chẳng ai muốn phải đứng dậy để trả lời các câu hỏi “hóc búa” của những người từng là học trò, người đáng tuổi con tuổi cháu mình. Quan trọng hơn, danh dự, đạo đức người thầy giáo mà họ tu dưỡng, truyền lửa cho bao thế hệ sinh viên dường như phần nào đã bị xã hội chối bỏ. Hình ảnh người thầy phần nào không còn trọn vẹn như trước.

Về pháp lý, đây là một vụ án hành chính của một cá nhân kiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước địa phương. Thế nhưng phía sau đó là cả một cuộc “đấu đá” nội bộ của những người thầy giáo trong trường. Nhiều người trong số họ đã có nhiều năm gắn bó cùng nhau, chung lưng đấu cật xây dựng Trường ĐH Hùng Vương từ thuở sơ khai, là những đồng nghiệp, người bạn thân thiết. Thế mà hôm nay gặp nhau ở tòa, nhiều người không nhìn mặt nhau, thậm chí còn không ngồi gần nhau.

Trước giờ tòa xử, hai cô giáo ở “hai chiến tuyến” ngồi gần nhau tại hàng ghế gần cuối cùng trong phòng xử. Thế rồi khi tòa chuẩn bị làm việc, lượng người vào phòng xử đông hơn, một cô đứng dậy đi qua chỗ khác ngồi với lời nhắn nhủ tương đối to để người ngồi lại có thể nghe thấy: “Đi chỗ khác ngồi kẻo người ta nhìn vào lại nghĩ mình phe bên kia”.

Họ từng là đồng nghiệp, là cấp trên và cấp dưới của nhau. Họ cùng quyết tâm xây dựng trường cũng như thương hiệu Hùng Vương. Giờ nghe đến cái tên ĐH Hùng Vương, nhiều người lại ngán ngẩm lắc đầu.

Không chỉ uy tín trong xã hội mà ngay với cả sinh viên đang theo học tại trường cũng bị vạ lây vì những mâu thuẫn, đấu đá của những người thầy, người cô. Việc học, thi của sinh viên bị xáo trộn, việc thi tốt nghiệp chậm trễ khiến sinh viên không thể ra trường, đi làm nên ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình cũng như cơ hội tự lập của mình. Không những vậy, nhiều sinh viên còn lo lắng giờ cầm bằng tốt nghiệp đi xin việc liệu người ta có dám nhận hay không?

Công sức xây dựng bao nhiêu năm để rồi cái thương hiệu ấy bị đạp đổ chỉ trong vài khoảnh khắc. Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Có lẽ sinh viên nào cũng biết và hiểu câu nói đó. Ấy vậy mà trong lúc hỗn loạn ở trường, không ít sinh viên không ngần ngại thốt lên: ông đó, bà kia muốn cướp trường, quân ăn cướp... Nghe mà xót xa!

Thế nên dù có người thắng kẻ thua trong vụ kiện này, nhưng có lẽ sự kính trọng, nể phục của sinh viên, của xã hội đối với những người thầy, người cô nói trên sẽ không còn như trước. Và ai cũng là người thua trong “vụ án” này. Có những giá trị có thể mua bằng tiền nhưng không phải là tất cả. Có những giá trị đòi hỏi phải được xây dựng, vun đắp từ nhân tâm, tiền cũng không mua được. Thêm một cái thua nữa đó là thương hiệu ĐH Hùng Vương đã bị tan nát và sần sùi, để khôi phục như cũ dường như rất khó hoặc phải mất một thời gian rất dài.

Ai thắng? Ai thua? Câu trả lời không nằm trong tòa nữa!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Bác đơn kiện của nguyên hiệu trưởng Lê Văn LýTranh luận căng thẳng quanh quyết định "truất phế" hiệu trưởngĐH Hùng Vương chính thức có con dấu mớiHiệu trưởng ĐH Hùng Vương tiếp tục ra tòa kiện UBND TP.HCM

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên