12/02/2015 11:42 GMT+7

​Tăng trưởng của Việt Nam đang chậm lại

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Ngày 11-2, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố báo cáo nhận định việc Việt Nam ban hành quá nhiều thông tư, nghị định đã làm thui chột khát vọng đầu tư dài hạn.

Theo ông Nguyễn Đình Cung - viện trưởng CIEM, tăng GDP của Việt Nam năm qua đạt 5,98% là thấp hàng đầu khu vực, thua Campuchia (tăng 7,2%), Lào (7,5%), Myanmar (8,5%)... và thấp hơn bình quân các nước phát triển ở Đông Á và Đông Nam Á.

Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với Trung Quốc ngày càng giãn ra, Trung Quốc tăng nhanh, Việt Nam tăng chậm. Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng khả năng cải thiện chất lượng tăng trưởng vẫn là một vấn đề.

Chính sách hiện hành có xu hướng tăng ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, đặc biệt với dự án lớn, có thể tạo hệ lụy cho ngân sách. Nhiều bằng chứng cho thấy FDI có tác động chèn lấn đến doanh nghiệp trong nước, dù lý do chủ yếu xuất phát từ khu vực trong nước

Trích báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 của CIEM

Doanh nghiệp không dám đầu tư dài hạn

Đặc biệt, ông Nguyễn Đình Cung dẫn báo cáo cho thấy hiện có quá nhiều thông tư, nghị định, công văn. Mỗi năm Việt Nam ban hành gần 600 thông tư, 100 nghị định, vài nghìn công văn/cơ quan.

Điều này, theo ông Cung, đã tạo ra sự thiếu ổn định trong chính sách, tạo cơ chế xin - cho khiến doanh nghiệp không tiên liệu được, rủi ro pháp lý cao, làm thui chột khát vọng đầu tư dài hạn. Lý do là thông tư có thể nhanh chóng thay đổi, trong khi chỉ cần thay đổi một thông tư thì cả sản nghiệp đầu tư của doanh nghiệp có thể mất trắng.

Về nợ xấu, ông Cung nhấn mạnh tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại nói chung vẫn chưa lành mạnh, việc cho vay một phần không nhỏ là đảo nợ. Đặc biệt, ông Cung cho rằng trái phiếu Chính phủ được tung ra quá lớn, năm 2015 sẽ có một lượng trái phiếu Chính phủ lớn nữa được tung ra thị trường, sẽ chèn lấn đến vốn và lãi suất cho tư nhân.

Đánh giá về báo cáo năm 2014 của CIEM, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng báo cáo đã phát hiện nhiều vấn đề, khách quan. Ông Tuyển nêu lạm phát thấp ở Việt Nam là do tổng cầu quá thấp, giá cả thế giới thấp...

Về cải thiện môi trường kinh doanh, ông Tuyển tiết lộ chính mình đã đề nghị phải áp đặt tiêu chuẩn của sáu nước ASEAN về thời gian nộp thuế, thời gian thông quan... Ban đầu Bộ Tài chính phản ứng dữ dội, may Thủ tướng kiên quyết áp đặt.

Tuy nhiên, trước thông báo thời gian nộp thuế của Việt Nam đã giảm cả trăm giờ, ông Tuyển đề nghị cần có khảo sát độc lập xem kết quả doanh nghiệp có được nhận thật thế không.

Cần tiến tới bỏ thông tư

Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 của CIEM đưa ra hàng loạt đề xuất. Theo ông Cung, năm 2015 có cơ hội thay đổi, nhưng nếu không tận dụng được thì có thể phải chờ ít nhất năm năm sau mới làm được. Cụ thể, năm 2015 sẽ sửa Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, cần thay đổi từ vai trò, chức năng, cơ cấu, cách thức quản lý nhà nước.

CIEM cũng đề xuất chính thức năm 2015 sửa Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần hạn chế, tiến tới bãi bỏ dạng quy định là thông tư của các bộ để hạn chế sự thay đổi, tính khó đoán định của chính sách, đang làm thui chột khát vọng đầu tư dài hạn.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng cần tránh điều hành lãi suất theo hành chính. “Đề nghị bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Thị trường cần bao nhiêu ra bấy nhiêu, không nên bắt tiền phải ra theo lối hành chính, làm méo mó thị trường. Hãy để thị trường phân bố nguồn lực sẽ hiệu quả” - ông Cung nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Bá được CIEM mời đánh giá cho rằng so sánh thu nhập bình quân đầu người Việt Nam - Trung Quốc ấn tượng, nhưng nếu đọc thêm tài liệu so sánh thu nhập của Việt Nam với nhiều nước ASEAN thì sốt ruột hơn rất nhiều, vì năm 1980 tương đối bằng nhau, nay họ cao hơn nhiều.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên