15/06/2022 12:32 GMT+7

Tân cử nhân các đại học danh giá ở Trung Quốc thôi mơ mộng công việc lương cao

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Tình hình kinh tế bất ổn vì COVID-19 đang khiến hàng triệu tân cử nhân của Trung Quốc ngại rủi ro hơn, chấp nhận mức lương thấp và rời xa các thành phố lớn để đổi lấy sự ổn định và an toàn.

Tân cử nhân các đại học danh giá ở Trung Quốc thôi mơ mộng công việc lương cao - Ảnh 1.

Ba năm sống với đại dịch, nhiều thanh niên Trung Quốc từ các trường đại học ưu tú đang gác lại ước mơ nghề nghiệp của mình - Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Khi Hermione Zhang tốt nghiệp thạc sĩ tại Bắc Kinh vào năm ngoái, cô gái 25 tuổi này hy vọng được làm việc tại một ngân hàng thương mại hoặc công ty chứng khoán ở một trong những thành phố lớn nhất của Trung Quốc.

Nhưng đại dịch COVID-19 đã cướp đi 2 năm để cô kết nối và thực tập - khoảng thời gian quý giá để tích lũy kinh nghiệm và gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng.

Cuối cùng, sau khi trải qua 89 cuộc phỏng vấn mệt mỏi trong ba tháng, cô đã nhận lời mời làm việc tại một ngân hàng nông thôn nhỏ gần quê ở tỉnh Sơn Tây.

"Đại dịch đã thay đổi cách tôi đưa ra quyết định nghề nghiệp của mình. Trong thời buổi khó khăn, ai cũng mong muốn có được một công việc ổn định. Trước những bất trắc, việc tránh rủi ro và những kịch bản không thuận lợi đã vượt qua thôi thúc thích mạo hiểm và dám nghĩ dám làm", Zhang chia sẻ.

Theo báo South China Morning Post, trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái 3 năm qua, nhiều thanh niên Trung Quốc tốt nghiệp từ các trường đại học ưu tú đang gác lại ước mơ nghề nghiệp để tìm kiếm sự ổn định.

Tốt nghiệp các trường đại học danh giá nhất trong và ngoài nước, những tài năng hàng đầu của Trung Quốc từng được các doanh nghiệp lớn ở các thành phố trung tâm như Bắc Kinh hay Thượng Hải săn đón.

Nhưng năm nay, các cử nhân của Trung Quốc đã trở nên ngần ngại trước tin tức về việc sa thải hàng loạt tại các công ty công nghệ, giải trí, dạy thêm và bất động sản.

Họ sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn và sống bên ngoài các thành phố lớn, tìm công việc tại các công ty quốc doanh hoặc cơ quan nhà nước - những vị trí được xem là an toàn hơn trong bối cảnh kinh tế đầy biến động.

Tân cử nhân các đại học danh giá ở Trung Quốc thôi mơ mộng công việc lương cao - Ảnh 2.

Trung Quốc đang có kỷ lục 10,76 triệu sinh viên đại học chuẩn bị tốt nghiệp - Ảnh: CHINA DAILY

Những người trong ngành cho biết các quảng cáo việc làm đang nhận được hàng trăm ứng viên nộp đơn. Thậm chí các vị trí công vụ ở những thị trấn vùng sâu, vùng xa cũng được những ứng viên vượt tiêu chuẩn săn lùng.

Trung Quốc đang có kỷ lục 10,76 triệu sinh viên đại học chuẩn bị tốt nghiệp. Số cử nhân này đang tạo thêm áp lực cho thị trường việc làm. Các kinh tế gia gọi đây là thách thức lớn nhất từ trước tới nay. 

"[Sự cạnh tranh] đã trở nên gay gắt, những người mà chúng tôi thuê với giá 6.000 nhân dân tệ (NDT) mỗi tháng trong năm nay có chất lượng tốt hơn hẳn những người mà chúng tôi từng thuê ở mức 8.000 NDT", ông Fred Feng, một giám đốc hãng tuyển dụng Hays ở Hong Kong, cho biết.

Những gã khổng lồ Internet của Trung Quốc như Tencent và Alibaba đã thực hiện nhiều đợt cắt giảm việc làm trong năm qua, do áp lực pháp lý và nguy cơ phong tỏa đè nặng hoạt động kinh doanh.

Dữ liệu chính thức cho thấy, hàng trăm công ty bất động sản đã nộp đơn phá sản trong cùng thời điểm đó.

Theo báo cáo của công ty tuyển dụng trực tuyến Zhaopin.com, làm việc với các doanh nghiệp nhà nước là lựa chọn phổ biến nhất cho lứa sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học năm nay.

Cụ thể, trong ba tháng đầu năm 2022, hơn 60% sinh viên sắp tốt nghiệp của Trung Quốc cho biết họ đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt, trong khi khoảng 55% đã giảm kỳ vọng việc làm của họ.

Lớp sinh viên sắp tốt nghiệp này đã giảm mức lương kỳ vọng ​​của họ xuống 6% so với năm ngoái, từ 6.711 NDT (khoảng 23 triệu đồng) xuống còn 6.295 NDT (21,7 triệu đồng) do áp lực từ nền kinh tế bị đình trệ.

Trung Quốc công bố gói chính sách 33 biện pháp phục hồi kinh tế hậu COVID-19 Trung Quốc công bố gói chính sách 33 biện pháp phục hồi kinh tế hậu COVID-19

TTO - Ngày 31-5, Trung Quốc công bố gói 33 biện pháp bao gồm các chính sách tài khóa, tài chính, đầu tư và công nghiệp nhằm vực dậy một nền kinh tế bị đại dịch tàn phá.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên