17/11/2017 09:29 GMT+7

Tâm sự cô giáo ngày 20-11: 'Tôi suýt tổn thương em vì thành tích'

YẾN PHƯƠNG
YẾN PHƯƠNG

TTO - Hồi mới ra trường, tôi được giao chủ nhiệm lớp có một học sinh nam rất hay đi học muộn, trốn tiết, các thầy cô bộ môn còn phản ánh lên cả hiệu trưởng.

Tâm sự cô giáo ngày 20-11: Tôi suýt tổn thương em vì thành tích - Ảnh 1.

Hiệu trưởng nhiều lần gọi tôi xuống phòng để nhắc nhở phải chấn chỉnh nội quy lớp và nghiêm khắc với học sinh hơn. Thú thật khi đó, lòng tôi rối bời với nỗi lo em ấy sẽ khiến cho lớp đi xuống. 

Ban đầu tôi cũng căng thẳng, lo lắng nhưng suy nghĩ lại, cái gì cũng có lý do của nó. Biết đâu đằng sau những buổi học vắng mặt kia, đằng sau những buổi đi học trễ kia có một nguyên do nào đó mà mình chưa biết?

Nghĩ là làm, tôi trở thành một "thám tử tư" bất đắc dĩ. Tôi quan sát những hành động của em. Tôi đến nhà em mới hiểu một sự thật: em đang là lao động chính trong nhà. Một buổi đi học, một buổi em cùng với chú ruột đi chở gạch thuê cho người ta. 

Mỗi ngày em nhận được vài chục nghìn vừa lo thuốc thang cho bố (mẹ em đã mất) vừa lo tiền học cho hai đứa em (đều đang học cấp hai). 

Buổi sáng, em tranh thủ đi khuân vác nên thường đến lớp trễ hơn bạn. Lý do ấy khiến tôi vừa thương em, vừa trách mình sao quá vội vã, chưa gì đã lo vì em mà lớp đi xuống. 

Bố em nói: "Nó thương tôi vì không có tiền mua thuốc cô ạ. Nó định nghỉ học đi làm thuê nuôi các em ăn học nhưng tôi rối quá, chả biết thế nào. Là bố mà tôi chẳng nuôi được nó, nó còn phải nuôi tôi…".

Nghe tâm sự của bố em, nước mắt tôi cứ thế lã chã rơi. Tôi cứ nghĩ độ tuổi của các em chỉ có biết học. Nhưng em đã thay đổi suy nghĩ của tôi, ngoài đến lớp, em còn là trụ cột gia đình.

Mỗi lần tôi và các thành viên khác gom góp tiền ủng hộ em, nhưng em rất tự trọng, phải nói rất nhiều em mới đồng ý nhận. Em bảo: "Em nợ cô và mọi người nhiều".

Câu chuyện cũng qua lâu nhưng với tôi, đó là một trong những ô cửa cảm xúc mỗi khi tôi nghĩ lại chuyện nghề. 

Tôi nhận ra, với một nhà giáo, ngoài chuyên môn giỏi còn cần sự điềm tĩnh, sự sâu sắc trong lời nói và cả suy nghĩ. Bởi thiếu chút nữa thôi, tôi sẽ làm tổn thương em ấy vì những suy nghĩ nông cạn mang tên thành tích.

Tự hào hơn khi em vẫn bám lớp bám trường và thi đỗ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó em được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài. 

Trong một lần về thăm tôi, em nói: "Cô như người mẹ thứ hai của em. Nếu không có những lời động viên của cô ngày xưa, chưa chắc em đã nên người. Bao lần em định bỏ học nhưng thật may khi ấy cô và các bạn đã không bỏ rơi em. Những đồng tiền mọi người quyên góp ngày ấy đã cho em của ngày hôm nay".

Học sinh thời nay cá tính hơn, khó bảo hơn nhưng tôi nghĩ: là nhà giáo, hãy thức tỉnh các em bằng tình yêu thương. Tất nhiên, việc rèn luyện cốt cách, bản lĩnh, sự nhẫn nại của nhà giáo thật không phải dễ dàng trong ngày một ngày hai. Bởi chỉ một phút nóng giận thôi, hình ảnh của một nhà giáo sẽ sụp đổ trong mắt học trò.

Ai cũng có những nỗi niềm riêng nhưng rồi còn lại, với tôi vẫn là tình yêu với nghề, vẫn sống được với nghề. Là nhà giáo, tôi vẫn đón nhận những khen chê, những vui buồn nhưng bao nhiêu năm qua, tôi vẫn mỉm cười.

Tôi tự hào khi mình dù ở cái tuổi "lạc hậu" vẫn hì hụi lên mạng để kết nối với học trò. Tôi tự hào khi mình vẫn nhận được niềm tin từ phía các em. Đó là những khi cô trò căng thẳng với kỳ thi, những khi cô trò cùng chia sẻ với nhau về nghề nghiệp tương lai… 

Suy cho cùng, niềm tự hào của một nhà giáo là sự trưởng thành của học sinh, là khi các em thành người.

YẾN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên