Cứ vài bữa, về nhà xem tivi hoặc nghe ai nói từ gì đó, con tôi hay bật kêu lên từ tiếng Anh mà cháu đã học. Tôi thấy con mình cũng nhớ được một số từ, nhưng câu thì nhớ rất ít. Cuối năm học, cháu được tặng một giấy khen “học sinh giỏi tiếng Anh” bởi bài thi vấn đáp của cháu được 10 điểm và được phê là “giỏi”. Thấy giấy khen của con, vợ tôi hào hứng: “Không chừng con mình có khiếu học tiếng Anh”. Tôi cười: “Chỉ là cái trò chiêu dụ của trung tâm ngoại ngữ thôi!”
Nói vậy chứ tôi thấy việc con gái được tặng giấy khen cũng là một điều tích cực. Lời khen rõ ràng là một sự động viên hơn là một sự đánh giá. Giấy khen đó cũng là một “chứng nhận” để sau này kích thích cháu học tốt hơn tiếng Anh và các môn khác. Cách nào đó có thể nói lời khen trong trường hợp của con tôi dù không có nhiều cơ sở để khẳng định là đúng hoàn toàn nhưng là một lời khen tích cực.
Nói “lời khen tích cực” bởi có những lời khen “không tích cực”, thậm chí là tiêu cực. Đối với trẻ, lời khen không tích cực là lời khen tạo ra sự ảo tưởng cho bản thân trẻ và cha mẹ về năng lực thật sự của trẻ. Đôi khi chỉ vì phát hiện một vài biểu hiện có phần khác thường của trẻ, người lớn vội tin rằng trẻ là một “thần đồng”, từ đó có cách giáo dục không phù hợp, dễ dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển năng lực của trẻ. Lời khen đó vô tình làm hại trẻ.
Do đó, với tấm giấy khen nhỏ của trung tâm ngoại ngữ ở trường mẫu giáo dành cho con tôi, dù tin rằng đơn giản đây là một chiêu thức tiếp thị của trung tâm, nhưng tôi vẫn cảm ơn và thấy trân trọng. Đó sẽ là một kỷ niệm đẹp để góp thêm hành trang cho con tôi học tập vào đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận