10/04/2024 08:18 GMT+7

Tai sưng to như khối u sau khi xỏ khuyên, vì sao?

Sau khi xỏ khuyên vành tai, nữ sinh xuất hiện ngứa sau đó sưng to. Dù đã đến bệnh viện mổ điều trị nhưng vẫn không cải thiện, chỉ thời gian ngắn vành tai lại sưng to như có một khối u.

Tai nữ sinh sưng to như khối u dù đã được điều trị nhiều lần - Ảnh: NVCC

Tai nữ sinh sưng to như khối u dù đã được điều trị nhiều lần - Ảnh: NVCC

Chia sẻ trên mạng xã hội, người mẹ lo lắng khi tai của con gái liên tục sưng to sau xỏ khuyên vành tai. Trẻ đã được mổ hai lần để điều trị nhưng sau đó vẫn xuất hiện tình trạng ngứa, sưng to. Hình ảnh vành tai sưng to như khối u khiến nhiều người không khỏi lo lắng, làm sao để điều trị tình trạng này?

Theo TS.BS Tống Hải - chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), trường hợp này rất có thể là trẻ bị sẹo lồi sau khi xỏ khuyên vành tai.

TS Hải nêu rõ sẹo lồi có nhiều nguyên nhân, có thể do cơ địa, yếu tố hormone, sức căng vùng sẹo, vị trí tổn thương hoặc viêm tái diễn nhiều lần… Ngoài ra, can thiệp phẫu thuật không đúng cách sẽ làm tăng phát triển sẹo lồi.

"Quá trình thành sẹo là sự phát triển quá mức của tế bào sợi (fibroblast) sinh sợi quá mức hỗn độn gây lồi trên mặt da, tăng sinh mạch máu (đỏ) đau, ngứa, viêm… Khi hình thành sẹo có các sợi mô tăng sinh quá mức tạo thành khối sẹo chắc, đỏ, gồ lên mặt da. 

Càng ngày sẹo càng phát triển to, xâm lấn ra xung quanh, gây viêm, gây ngứa và đau, tái diễn nhiều lần, hoặc khi can thiệp sẽ gây to phát triển thêm sẹo lồi.

Mỗi người khi có sẹo sẽ phát triển hình thành các loại sau: sẹo rối loạn sắc tố, sẹo phì đại hoặc co kéo (khớp), sẹo lồi, sẹo loét (lâu ngày).

Mọi lứa tuổi đều có thể gặp phải sẹo lồi và cũng xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, phổ biến là vùng ngực (trước xương ức), vùng vai - lưng bả vai, vùng cằm, vùng tai, vùng mu, vùng khớp gối, khớp khuỷu.

Dù không gây hại cho sức khỏe nhưng sẹo lồi gây ngứa, đau, viêm khiến người bệnh khó chịu. Đặc biệt, chúng còn gây mất thẩm mỹ, nhất là ở những vị trí mặt tiền khiến người bệnh mất tự tin", TS Hải cho hay.

Theo TS Hải, đối với những người bị sẹo lồi, đã tái mổ lại nhiều lần nhưng không cải thiện cần đến bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình, chuyên về di chứng sẹo, đơn vị điều trị bỏng để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

Cụ thể, trường hợp này bệnh nhân phải được xử lý cắt bỏ phần sẹo, sử dụng kỹ thuật khâu dùng chỉ nhỏ tổn thương tối thiểu mô lành, sau đó kết hợp xạ trị nông mới điều trị dứt điểm.

"Trong trường hợp chấn thương hoặc thẩm mỹ, can thiệp ngoại khoa bệnh nhân cần chú ý khi gặp sưng ngứa, đau cần dùng thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống kết hợp.

Đối với những người trước đây đã có cơ địa sẹo lồi có thể dễ thấy từ những vết thương trên da từng bị trước đó thì không nên can thiệp ngoại khoa như bấm khuyên, xăm, kể cả tiêm filler.

Để đảm bảo an toàn, người dân cần chú ý lựa chọn cơ sở uy tín, đảm bảo kỹ thuật, hạn chế nguy cơ viêm nhiễm để thực hiện. Khi gặp vấn đề biến chứng cần tìm đến bệnh viện có chuyên môn để được thăm khám và điều trị kịp thời", TS Hải khuyến cáo.

Nhiều thanh niên nhập viện với chiếc tai biến dạng vì xỏ khuyênNhiều thanh niên nhập viện với chiếc tai biến dạng vì xỏ khuyên

Bệnh viện Tai mũi họng trung ương thường xuyên tiếp nhận những ca cấp cứu nhiễm trùng, áp xe, thậm chí hoại tử vành tai do xỏ khuyên, bấm lỗ tai.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên