20/03/2019 09:22 GMT+7

Tại sao trẻ nhỏ có ấu trùng sán?

LAN ANH - XUÂN MAI
LAN ANH - XUÂN MAI

TTO - GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên trưởng bộ môn ký sinh, ĐH Y Hà Nội, cho rằng cha mẹ không nên quá lo lắng nếu con có xét nghiệm dương tính ấu trùng sán lợn.

Tại sao trẻ nhỏ có ấu trùng sán? - Ảnh 1.

Hai cha con cùng chảy nước mắt sau khi em bé được lấy mẫu máu xét nghiệm sán lợn tại điểm lấy mẫu xã Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh - Ảnh: ĐÌNH PHƯƠNG

Trong tình hình đã có gần 5.000 trẻ em ở Bắc Ninh về Hà Nội xét nghiệm sán lợn ở hai bệnh viện, GS Đề cho rằng sẽ có chương trình của Bộ Y tế, các gia đình không cần đi xét nghiệm tốn kém như vậy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Đề cho hay: tới đây sẽ có chương trình của Bộ Y tế lấy mẫu kiểm tra cho các cháu.

Tại sao các cháu nhỏ lại có ấu trùng sán?

* Các xét nghiệm gần đây với trẻ em mầm non và tiểu học (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho thấy có 10-15% dương tính với ấu trùng sán lợn. Ông có cho đây là bất thường? Vì sao các cháu nhỏ lại mắc bệnh khi các cháu chưa tiếp xúc nhiều với các món ăn sống, được cho là có nguy cơ mang mầm bệnh?

- Thực ra đây không hẳn là con số cao, mà do xét nghiệm có chọn lọc đối tượng (nhóm tuổi đồng nhất) chứ không phải điều tra cộng đồng. Thứ hai là xét nghiệm ELISA (loại kỹ thuật sử dụng vừa qua để xét nghiệm cho các cháu tại Bắc Ninh - PV) còn phụ thuộc vào người làm, đòi hỏi chính xác cao.

Bệnh này không tùy thuộc vào giới tính hay lứa tuổi, cứ phơi nhiễm với mầm bệnh là có thể nhiễm. Việc phơi nhiễm có thể thông qua tay bẩn dính trứng sán, ăn thịt lợn, bò có kén sán chưa nấu chín... Trong khi thực phẩm ở VN có tỉ lệ ô nhiễm với ký sinh trùng khá cao.

* Ngày 19-3 lãnh đạo nhiều cục, vụ của Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với Sở Y tế Bắc Ninh cho rằng nếu gia đình nào chưa đưa con đi xét nghiệm thì không cần nữa. Ý kiến giáo sư thế nào?

- Kế hoạch của Bộ Y tế là xuống tận nơi kiểm tra cho các cháu. Bệnh này không cần nằm viện mà cháu nào phơi nhiễm thì tlợn dõi.

Bếp ăn của trường mầm non không lưu mẫu thịt

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong phát biểu tại cuộc họp với báo giới chiều 19-3 sau khi làm việc với Bắc Ninh, việc thực phẩm tại Trường mầm non Thanh Khương bị nghi tuồn thực phẩm bẩn vào có liên quan tới việc các cháu dương tính với ấu trùng sán, hàng loạt gia đình đưa con đi xét nghiệm hay không, ông Phong cho rằng hiện mẫu thực phẩm này không còn lưu nên chưa có cơ sở khẳng định.

Những nơi giun sán "cư trú"

TS.BS Huỳnh Hồng Quang, phó viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn, cho biết nguyên nhân chính nhiễm giun sán là thói quen ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh như thịt lợn nấu chưa chín, thịt bò tái, gỏi cá, rau xanh...

- Thịt lợn: Người dễ nhiễm sán dây lợn khi ăn phải thịt lợn, gan lợn không được nấu chín, tiết canh.

- Thịt bò tái, nhúng: Ngày nay rất nhiều người ưa chuộng món thịt bò nhúng, tái mà không biết rằng bệnh sán dây bò cũng bắt nguồn từ những món ăn này. Loài sán này rất nguy hiểm, có thể sống trong cơ thể người 50 - 60 năm ở trong ruột, trong cơ, não, mắt... gây đau bụng vùng gan, tổn thương gan, nguy hiểm đến tính mạng.

- Rau sống: Ấu trùng của sán lá gan lớn được tìm thấy trên một số loại rau thủy sinh ở Việt Nam như: ngổ, cải xoong... Tuy nhiên, không chỉ các loại rau sống dưới nước mà cả những loại rau trồng trên cạn cũng nhiễm ký sinh trùng giun sán do được tưới bằng nước thải sinh hoạt.

- Cá: Những người có thói quen ăn cá không nấu kỹ (đặc biệt là gỏi cá) rất dễ bị lây truyền các bệnh từ cá như sán lá ruột nhỏ, sán lá gan... Cá đã chế biến làm gỏi xét nghiệm thấy 95% ấu trùng vẫn còn sống. Đồng thời, 13 loại lá hay dùng ăn gỏi cũng được xay ra xét nghiệm thì 93% ấu trùng vẫn còn sống sau 4 giờ.

Điều trị thế nào?

* Giun đũa: Tỉ lệ người nhiễm đã giảm rất tốt trong thời gian gần đây, do ý thức và các hoạt động tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần cho hiệu quả cao.

* Giun tóc: Tỉ lệ giảm thấp hơn giun đũa do việc uống thuốc tẩy giun một liều duy nhất không giảm tốt bằng giun đũa.

* Sán dây: Người được phát hiện có sán trưởng thành (còn gọi là sán dây, sán dây lợn, sán dây bò, sán dây châu Á) uống một liều thuốc tẩy duy nhất, nếu có ấu trùng sán phải điều trị trong vòng 15 ngày.

LAN ANH - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên