03/05/2019 09:55 GMT+7

Tai nạn giao thông do rượu bia: Sửa luật để nghiêm trị!

ÔNG PHAN BÁ MẠNH (CÔNG TY ACF)
ÔNG PHAN BÁ MẠNH (CÔNG TY ACF)

TTO - "Đã say nhưng vẫn cầm lái phăng phăng trên phố. Không ai khác, họ chính là những thần chết di động đang di chuyển trên phố", đó là một đoạn trong tâm thư của một tài xế viết gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình trạng tài xế say xỉn.

Nhiều tai nạn đau lòng gây ra bởi người lái xe uống rượu bia gây bức xúc trong xã hội. Mới đây, một tài xế đã gửi "tâm thư" lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị phạt nặng "ma men" lái xe. Tuổi Trẻ từng đề cập vấn đề này, nay một lần nữa phải lên tiếng: hành động để "Nói không với rượu bia khi lái xe" thành hiện thực.

Tai nạn giao thông do rượu bia: Sửa luật để nghiêm trị! - Ảnh 1.

Logo “Đã uống rượu bia thì không lái xe” trên áo những người đến viếng tang của nạn nhân tai nạn giao thông. Dự kiến có trên 1 triệu logo này được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia gửi tới các tài xế - Ảnh: VIỆT DŨNG

Với mọi người, các vụ say xỉn, gây tai nạn thời gian gần đây đã vượt ngưỡng chịu đựng.

Ông Phan Bá Mạnh - trú tại Long Biên, Hà Nội, cũng là một tài xế - đã gửi tâm thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ ngành liên quan đề nghị cần nhanh chóng có biện pháp mạnh đối với tài xế say xỉn. Tuổi Trẻ xin trích nội dung bức tâm thư của ông Phan Bá Mạnh:

Bản thân tôi cũng là một tài xế, tôi cũng như nhiều tài xế khác, ngày ngày vẫn lái ôtô đi làm và chiều chiều, tối tối lại về với gia đình. Tôi may mắn hơn hàng chục, thậm chí là hàng trăm bác tài khác sáng sớm chạy xe ra khỏi nhà nhưng đã không quay về với gia đình.


Tai nạn giao thông do rượu bia: Sửa luật để nghiêm trị! - Ảnh 2.

Khi uống 1 lon bia tương đương cồn 50mg/100ml máu - Đồ họa: N.KH.

Những ngày này tôi đọc các vụ tai nạn giao thông chết người đăng trên báo khiến tôi bị ám ảnh. Tôi thấy ghê sợ những bác tài đã uống bia rượu say vẫn cầm lái phăng phăng trên phố. Họ không ai khác chính là những thần chết di động đang di chuyển trên phố. Họ có thể lấy đi bất cứ tính mạng của ai trên đường đi. Thần chết di động là họ.

Tôi, cũng như nhiều thanh niên khác, vẫn luôn tự nhủ bản thân trước khi đi nhậu sẽ không uống say, sẽ không lái xe đi trên đường để gây nguy hiểm cho người khác. Nhưng không! Bản thân tôi không ít lần lái xe trong tình trạng bản thân không kiểm soát được vì say rượu. Chỉ có ơn trên phù hộ, may mắn mới giúp tôi chưa gây tai họa cho người khác. 

Và hằng ngày có hàng trăm, hàng nghìn người vẫn chìm trong những cơn say và không kiểm soát được bản thân khi lao lên xe, thậm chí giành giật lấy xe để phóng bạt mạng trên đường phố mà không biết mình đang đi đâu, làm gì.

Vì lẽ đó, để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy đến cho bất cứ ai, tôi kính đề xuất tăng cường mức xử phạt áp dụng cho các trường hợp tài xế sử dụng rượu bia vượt mức quy định cho phép điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phố. 

Nếu không mạnh tay ngăn chặn thì tôi tin rằng sẽ còn có nhiều vụ tai nạn thương tâm hơn nữa, sẽ còn có những giọt nước mắt oán hận của những người thân trong các vụ tai nạn giao thông do bia rượu gây ra.

Với niềm tin mãnh liệt vào một Chính phủ hành động, tôi sớm mong nhận được tin vui và những chỉ đạo quyết liệt của những người đứng đầu Chính phủ để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi được những vụ tai nạn giao thông không đáng có. Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế và xây dựng đất nước phát triển hơn.

Trân trọng!

Ông Phan Bá Mạnh (Công ty ACF)

Tai nạn giao thông do rượu bia: Sửa luật để nghiêm trị! - Ảnh 3.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông do tài xế uống bia vẫn lái xe đụng chết chị công nhân vệ sinh trên đường Láng, Hà Nội tối 22-4 - Ảnh: CHÍ TUỆ

"Đã uống rượu bia thì không lái xe"

tngt

Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm hai phụ nữ tử vong tại Hà Nội rạng sáng 1-5 - Ảnh: Otofun

Hôm qua 2-5, khoảng 11.000 thành viên nhóm "THPT 91-94 Hà Nội" và những người đồng nghiệp ở Nhà hát Kịch VN đã đến tiễn đưa chị Đinh Thị Hải Yến, nhân viên phục trang của đoàn biểu diễn 2 thuộc nhà hát, qua đời sau tai nạn giao thông.

Người lái xe gây tai nạn đã uống rượu bia trước đó. Hôm nay 3-5, lại một đám tang tương tự, tổ chức cho chị Trần Thị Quỳnh, cũng sinh năm 1976 như chị Yến. Hai chị cùng là nạn nhân vụ xe tông ở hầm đường bộ Kim Liên rạng sáng 1-5.

Tại đám tang của chị Yến trưa 2-5, rất nhiều người đến viếng tang đã dán logo "Đã uống rượu bia thì không lái xe" trên áo. Họ mong muốn lan truyền thông điệp này bởi liên tiếp xảy ra các tai nạn thảm khốc liên quan đến rượu bia.

Theo nghệ sĩ Xuân Bắc - phó giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch VN, cơ quan của chị Đinh Thị Hải Yến, theo kết quả khám nghiệm tử thi, chị Yến bị vỡ tim, giập phổi, nát gan và thủng một lỗ lớn trên đầu. Cú tông rất mạnh từ phía sau khiến cả chị Yến và chị Quỳnh, người bạn cùng đi, tử vong tại chỗ.

Đây là tai nạn thứ 2 trong vòng chưa đầy 10 ngày tại Hà Nội cùng có một điểm chung là người lái xe gây tai nạn đã uống rượu bia trước đó. Và các nạn nhân tử vong đều là phụ nữ. Các chị đã để lại con nhỏ, mẹ già, tương lai dang dở của các con, niềm hạnh phúc được sống và chăm sóc các con...

"Nhà hát sẽ tổ chức hai buổi biểu diễn vào ngày 5 và 6-5, tất cả tiền bán vé dành tặng cho gia đình chị Yến. Chúng tôi cũng ấp ủ rất nhiều chương trình phối hợp với các bạn của chị Yến và chị Quỳnh thực hiện những chương trình xã hội để kêu gọi đã uống rượu bia thì không lái xe nhằm hạn chế tối đa những cái chết vô lý, hôm qua đó có thể là một người lạ, hôm nay là bạn bè mình..." - nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ.

LAN ANH

Thái Lan buộc tội giết người tài xế say xỉn

Chính phủ Thái Lan hồi tháng 4-2019 yêu cầu cảnh sát buộc tội giết người đối với các tài xế say rượu gây tai nạn chết người trong dịp lễ mừng năm mới Songkhran, trong nỗ lực giảm thiểu trường hợp tử vong do tai nạn. Đây được coi là động thái cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với những tài xế coi thường nhân mạng.

Ông Somchai Werotepipat, chủ Công ty Thai Carbon & Graphite Co, là người đầu tiên bị buộc tội giết người sau khi lái xe đụng chết vợ chồng một sĩ quan đội chống tội phạm. Theo luật hình sự Thái Lan, tội giết người có thể đối mặt với án tử hình, chung thân hoặc từ 15-20 năm tù. Trong khi đó, tội lái xe bất cẩn sẽ bị phạt tối đa 10 năm tù và 200.000 baht (khoảng 6.250 USD).

Mỹ ngày càng siết chặt luật

Tại Mỹ, tất cả các bang hiện đều giới hạn tuổi uống rượu bia là tối thiểu 21 tuổi và phần lớn các bang cho phép tước giấy phép lái xe ngay trong lần đầu tiên bị phát hiện lái xe khi say rượu. Tài xế vi phạm nhiều lần có thể đối mặt với án tù và tiền phạt lớn.

Để lấy lại bằng lái, những người vi phạm buộc phải hoàn thành một số chương trình giáo dục hoặc đánh giá khó khăn hơn so với lúc thi bằng lái.

NGÔ HẠNH

60% trường hợp tai nạn giao thông do rượu bia

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết tính đến tháng 4-2019, cả nước xảy ra hơn 5.400 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.570 người, bị thương hơn 4.178 người.

Theo TS Trần Hữu Minh - phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện nay có nhiều trường hợp gây tai nạn do sử dụng rượu bia, nồng độ cồn trong máu vượt quá mức quy định. Các trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong máu bị các cơ quan chức năng xử phạt trên đường chỉ 5%.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới khi điều tra khảo sát tại các bệnh viện (hơn 20.000 đối tượng), có đến 36% bị tai nạn giao thông có liên quan nồng độ cồn vượt quá quy định vào ngày thường, còn trong dịp lễ, tết lên tới 60%.

THU DUNG

Sốc vì rượu bia tăng trên 600 triệu lít/năm

Trong lúc liên tiếp xảy ra tai nạn liên quan đến rượu bia, Luật phòng chống tác hại rượu bia chưa được thông qua thì tiêu dùng rượu bia tiếp tục gia tăng một cách chóng mặt.

Theo bà Trần Thị Trang - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia, thống kê năm 2018 cho thấy lượng bia sử dụng đã lên hơn 4,6 tỉ lít, tăng trên 600 triệu lít so với năm 2017. Trung bình mỗi người trưởng thành sử dụng tới 45 - 46 lít bia/năm (năm 2015 là 42 lít). "Lượng bia tiêu thụ đang tăng rất nhanh" - bà Trang nói.

Sửa quy định, nằm trong tầm tay...

tran huu minh

Ông Trần Hữu Minh

Ông Trần Hữu Minh, phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nhận định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng tài xế uống rượu bia gây ra những vụ tai nạn thảm khốc thời gian gần đây.

Ông Minh chia sẻ thêm ủng hộ sớm tăng mức phạt tiền, bổ sung các hình phạt như tước bằng lái dài hạn hoặc vĩnh viễn, phạt tù người uống rượu bia lái xe theo mức độ khác nhau, tịch thu xe bán lấy tiền làm từ thiện, buộc lao động công ích như dọn vệ sinh đường phố, phối hợp điều khiển giao thông, chăm sóc nạn nhân tai nạn giao thông, đăng tải hình ảnh người vi phạm thực hiện công việc này trên truyền thông.

Trong việc xử lý vấn đề uống rượu bia khi lái xe, các quốc gia phát triển kết hợp rất nhuần nhuyễn và hiệu quả giữa các công cụ về hình sự (kể cả khi chưa gây hậu quả) - hành chính (phạt tiền, tức là như nghị định 46 hiện nay) - giáo dục (lao động công ích, học lại - thi lại bằng lái xe) và kinh tế (thay đổi mức bảo hiểm).

Trong khi hiện nay chúng ta mới chỉ tập trung vào công cụ hành chính là phạt tiền, phạt xong là hồ sơ lái xe lại như mới (chỉ xử lý hình sự khi gây hậu quả). Như vậy thì tác dụng giáo dục răn đe chưa cao. Bởi vậy, để công tác thực thi pháp luật có hiệu quả, vấn đề mấu chốt là phải quản lý được tái phạm và xử phạt lũy tiến với các vi phạm tái phạm, cưỡng chế thực thi nếu cần thiết.

Sử dụng rượu bia quá mức quy định khi điều khiển phương tiện cơ giới là vi phạm rất nghiêm trọng. Phương tiện cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ và bao gồm cả ôtô lẫn xe máy. Bởi vậy không có lý do gì để xe máy ở ngoài các giải pháp này.

* Pháp luật của chúng ta vẫn cho phép người điều khiển xe máy được phép uống rượu bia trong giới hạn nhất định. Nên chăng cấm tuyệt đối người điều khiển xe máy uống rượu bia như với ôtô?

- Đây là vấn đề vẫn còn tiếp tục gây tranh luận trên thế giới. Đương nhiên, trường hợp tốt nhất về mặt an toàn là cấm tuyệt đối không sử dụng rượu bia khi lái xe. Các quốc gia như Cộng hòa Czech, Romania, Hungary và Slovakia đã áp dụng chính sách này. Đức mặc dù áp dụng mức 50mg/lít khí thở nhưng cũng cấm tuyệt đối với những lái xe mới trong vòng 2 năm kể từ khi nhận bằng lái.

* Hình phạt lao động công ích đã được nhiều nước áp dụng. Vậy chúng ta có thể đề xuất những hình phạt tương tự, phù hợp?

- Như chúng ta thấy, nếu chỉ phạt tiền thì vẫn con người đó, vẫn phương tiện và mô hình quản lý đó, chủ thể vi phạm có thể tái phạm, rủi ro này có thể vẫn cao. Nhưng nếu dùng công cụ giáo dục một cách hiệu quả thì có thể thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của chủ thể.

Có rất nhiều cách thức có thể áp dụng, bao gồm: phạt lao động công ích phục vụ cộng đồng, buộc học lại lý thuyết, học lại thực hành và thậm chí có thể phải sát hạch lại với chương trình khó hơn trước khi được cấp lại bằng lái. Để làm được việc này cần sửa Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo tôi biết, điều này đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện.

Ngoài ra cũng cần sửa Luật hình sự và một số quy trình xử phạt qua hệ thống tư pháp, xây dựng một số án lệ để có thể xử phạt hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng bằng Luật hình sự, kể cả khi hành vi đó chưa gây hậu quả.

Sửa đổi các quy định trên cần thời gian. Tuy nhiên, đây là những điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta và tôi hoàn toàn tin tưởng sẽ sớm được thực hiện.

TUẤN PHÙNG thực hiện

Luật sư Trần Thanh (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Cần xử lý hình sự!

ls tran thanh

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định gây tai nạn chết 2 người chỉ có thể xử lý với khung hình phạt cao nhất là 10 năm chứ không thể truy tố theo tội danh giết người.

Nhìn nhận vào thực tế, chúng ta có thể thấy các quy định về hành vi vi phạm trong luật hiện nay chưa đủ nghiêm dẫn đến người vi phạm nhờn luật. Những hậu quả thiệt hại từ tai nạn giao thông gây ra quá lớn cho xã hội mà rượu bia là một trong những nguyên nhân chính.

Đã đến lúc các cơ quan cần sửa đổi luật theo hướng xử thật nghiêm các trường hợp này, cần thiết nên quy định: chỉ cần uống rượu bia vượt quá mức quy định hoặc số lần vượt quá 2 lần ở mức xử phạt hình chính thì lái xe phải chịu trách nhiệm hình sự...

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM):

Đưa hành vi uống rượu bia gây tai nạn vào tội giết người

lvhoan

Người lái xe hoàn toàn ý thức được rằng nếu sử dụng bia rượu sau đó điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có thể sẽ dẫn đến chết người.

Nghĩa là họ có ý thức nhưng đã chủ động đưa mình vào tình trạng mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi dẫn đến gây chết người.

Do đó, tôi cho rằng nên đưa hành vi sử dụng bia rượu sau đó điều khiển phương tiện giao thông dẫn đến chết người vào tội giết người hoặc tiệm cận với tội giết người.

Ông Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao):

Khung hình phạt chung thân, tử hình!

pham cong hung

Cơ quan chức năng cần tước ngay lập tức giấy phép đối với người lái xe sử dụng rượu bia, bởi bản thân họ không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện tham gia giao thông và không ý thức được việc lái xe là gây nguy hiểm cho người khác.

Việc sử dụng rượu bia khi lái xe gây tai nạn giao thông cần cấu thành một khung riêng với mức án đến tới chung thân hoặc tử hình thì mới đủ sức răn đe với người vi phạm.

Ngoài ra, hình phạt bổ sung, theo tôi, đối với người sử dụng rượu bia gây tai nạn cần tước bằng lái. Còn người không gây tai nạn mà sử dụng rượu bia rồi lái xe khi bị phát hiện thì bị tước bằng lái từ 5 đến 10 năm.

Ông Nguyễn Văn Thạch (vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT):

Phạt tù, tịch thu xe

nguyen van thach

Để ngăn chặn tình trạng uống rượu bia rồi lái xe, nghị định 46 đang trong quá trình sửa đổi được đề xuất tăng mức phạt hành vi này từ mức tối đa 18 triệu đồng lên 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, tôi rất ủng hộ phạt tù, tịch thu xe, lao động công ích với người vi phạm nồng độ cồn. Nhưng định hướng lâu dài cần sửa Luật vi phạm hành chính, Luật hình sự đồng bộ, đưa thêm các mức phạt tăng nặng, hình phạt bổ sung. Hiện đang trong quá trình tổng kết Luật giao thông đường bộ, nghị định 46, chúng tôi sẽ có báo cáo tổng hợp các cấp có thẩm quyền những nội dung cần sửa đổi.

TS Vũ Anh Tuấn (giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức):

Phạt ngay khu vực quán nhậu

vu anh tuan

Mỗi ngày, ở nước ta, rất nhiều người ra đường và không quay về nữa vì tai nạn giao thông. Trong đó, các vụ tai nạn giao thông xảy ra có liên quan đến rượu bia chiếm tỉ lệ lớn.

Hiện nay, Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức cũng đã có những nghiên cứu, tiến hành trên thiết bị mô phỏng để có thể đưa ra những ảnh hưởng của rượu bia lên người điều khiển phương tiện giao thông.

Điển hình, một người sức khỏe bình thường uống 1 lon bia khoảng 330ml thì nguy cơ vi phạm đã tăng lên 3 lần, uống 6 chai thì nguy cơ vi phạm lại tăng lên khoảng 15 lần, rất nguy hiểm.

Chúng ta cần tăng cường xử phạt ở các khu vực nhà hàng, quán nhậu... là địa điểm mà nhiều người sử dụng rượu bia. Khi phát hiện người vi phạm, lực lượng liên ngành thực hiện cưỡng chế xử phạt luôn, không để người say xỉn tiếp tục đi lại trên đường thành nguy cơ gây tai nạn giao thông.

T.MAI- H.ĐIỆP - T.PHÙNG - T.DUNG ghi

Tông chết 2 người trong hầm chui, tài xế Mercedes khai có uống rượu bia Tông chết 2 người trong hầm chui, tài xế Mercedes khai có uống rượu bia

TTO - Hai phụ nữ đang chạy xe máy trong hầm chui Kim Liên (Hà Nội) rạng sáng 1-5 thì bị một ôtô Mercedes từ phía sau lao tới đâm mạnh, khiến hai phụ nữ ngã ra đường bất tỉnh và tử vong sau đó, ôtô tiếp tục bỏ chạy.

ÔNG PHAN BÁ MẠNH (CÔNG TY ACF)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên