20/02/2024 08:08 GMT+7

Tai nạn do pháo dịp Tết tăng mạnh, tập trung ngăn chặn nguy cơ từ đâu?

Theo báo cáo của Bộ Y tế về công tác y tế trong dịp Tết Giáp Thìn, trong bảy ngày Tết (từ 29 Tết đến mùng 5 Tết, nhằm từ ngày 8 đến 14-2), cả nước có 604 trường hợp khám và cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, tăng 51,4% so với Tết 2023.

Nhiều người dân  đốt pháo tại  các tỉnh miền Tây - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nhiều người dân đốt pháo tại các tỉnh miền Tây - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Trong số này có 315 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng 15% so với Tết 2023.

Bé gái 5 tuổi mất bàn tay do pháo

Chiều 19-2, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết tình hình sức khỏe và tâm lý của bé gái T.T. (5 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) bị mất bàn tay trái sau khi hàng xóm đốt pháo hoa vào mùng 3 Tết nay đã ổn định. Dự kiến bé sẽ được xuất viện về nhà vào ngày 20-2 và được hỗ trợ chức năng bàn tay trong thời gian tới.

Mùng 3 Tết, khi bé T. chơi trước nhà thì nhà hàng xóm có đốt pháo hoa. Sau đó, bé T. nhặt một viên pháo đại trên sân. Không may pháo phát nổ làm bàn tay trái của bé bị thương nặng. Tại bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận bàn tay trái của T. bị giập nát, vùng mạn bụng trái tổn thương mô mềm. Ngoài ra, đùi phải của bé bị bỏng cháy đen khoảng 3x2cm do mảnh vỡ pháo văng vào.

Bác sĩ cắt lọc vết thương vùng mạn bụng trái, đùi phải. Tuy nhiên, do bàn tay trái bị giập nát, bác sĩ không thể khâu nối và phục hồi nên được làm mỏm cụt.

Bắt giữ nhiều người tàng trữ, mua bán pháo lậu

Ngày 30-1, Phòng tham mưu Công an TP.HCM thông tin chỉ trong một tháng rưỡi, các lực lượng Công an TP.HCM đã khởi tố 20 vụ với 27 bị can, thu giữ hơn 2,2 tấn pháo nổ thành phẩm và hơn 500kg nguyên liệu sản xuất pháo...

Ngày 19-2, trung tá Đới Ngọc Thắng - phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM - cho biết TP.HCM có tình trạng trung chuyển và sử dụng pháo lậu, tuy nhiên TP.HCM không phải là địa bàn sản xuất pháo lậu. Cho nên dịp Tết vẫn còn xảy ra tình trạng có người dân sử dụng pháo lậu.

Trước Tết, Công an TP.HCM tập trung đấu tranh, bắt hàng tấn pháo lậu, đa số là các loại pháo nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Vì vậy trước Tết, lực lượng Phòng cảnh sát hình sự phối hợp các đơn vị liên quan bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, mua bán pháo lậu và thu giữ số lượng lớn. Bên cạnh đó cũng theo dõi những đường dây vận chuyển pháo lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, kịp thời ngăn chặn nguồn cung.

Nam thiếu niên nhập viện vì pháo tự chế phát nổ - Ảnh: T.B

Nam thiếu niên nhập viện vì pháo tự chế phát nổ - Ảnh: T.B

Đáng lo ngại

PGS.TS Trương Văn Vỹ (giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng số trường hợp khám và cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa vào dịp Tết Giáp Thìn trên cả nước là con số rất đáng lo ngại.

Con số trên nói lên tính chất nguy hiểm và tai hại của việc mua bán, tàng trữ, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Các cơ quan thi hành pháp luật cần kiên quyết, có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý tình trạng mua bán, tàng trữ, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Từ các vụ tai nạn nặng do pháo gây ra, cần xác minh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi vi phạm.

"Điều này giúp răn đe để người vi phạm không tái phạm" - ông Vỹ nói.

Về giải pháp ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc liên quan pháo trái phép gây ra, theo ông Vỹ, cần có giải pháp thiết thực từ phía nhà trường, gia đình cũng như cơ quan chức năng liên quan nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của người dân.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng liên quan cần có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ những thông tin mua bán, sử dụng pháo trái phép, hướng dẫn tự chế pháo trên mạng xã hội.

"Đốt pháo trong đêm giao thừa khó ngăn chặn"

Ngày 19-2, lãnh đạo Công an TP Long Xuyên (An Giang) cho biết trong đợt tuần tra cao điểm tấn công các loại tội phạm trước, trong và sau Tết, Công an TP Long Xuyên đã phát hiện và xử lý hai vụ liên quan bốn trường hợp về việc mua bán pháo lậu. "Còn các trường hợp thanh thiếu niên đốt pháo trong đêm giao thừa nhỏ lẻ thì rất khó xử lý", vị này nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Đức Đạt - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp - nói: "Tôi có chỉ đạo lực lượng phối hợp với công an tuần tra việc mua bán pháo lậu trong dịp Tết thì chưa phát hiện. Còn việc thanh thiếu niên đốt pháo trong đêm giao thừa rồi họ bỏ chạy là có lai rai. Tôi có nghe người dân phản ảnh, nhưng việc này không thể nào biết trước mà ngăn chặn được".

Còn tại Tiền Giang, Công an phường 5 (TP Mỹ Tho) vừa tiến hành kiểm tra hành chính quán phở Đại tại phường 5 và phát hiện 19 giàn pháo hoa phun viên do Nguyễn Ngọc Tân (em trai chủ quán) mua về để kinh doanh.

Tân khai đã mua tổng cộng 144 giàn pháo hoa phun viên từ hai cửa hàng ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Vĩnh Long đem về cất giấu tại quán. Sau đó, Tân rao bán trên trang Zalo cá nhân. Từ ngày 1-2 đến khi bị bắt, Tân đã bán được 17 giàn pháo hoa phun viên...

Vận chuyển trái phép pháo nổ gia tăng

Theo Tổng cục Hải quan, tình hình vận chuyển trái phép pháo nổ có chiều hướng gia tăng, tập trung tại một số địa phương như Quảng Trị, Nghệ An, Lạng Sơn... Điển hình như vụ vận chuyển lên đến hơn 1.100kg pháo nổ tại Lạng Sơn vào cuối năm 2023 được Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp với Công an Lạng Sơn bắt giữ.

Ngay trước Tết, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo (Cục Hải quan Quảng Bình) bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 41 hộp pháo khi nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Những người vận chuyển trái phép pháo lợi dụng vận tải xuất nhập cảnh, gia cố hầm hàng, khoang, thùng để cất giấu pháo nhằm qua mắt các lực lượng chức năng.

Ngăn chặn pháo hoa ở nước ngoài vận chuyển vào Việt Nam

Ngày 19-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an cho biết theo thống kê bước đầu, tình hình đốt pháo hoa, pháo nổ dịp Tết năm nay giảm so với các năm trước.

"Việc phòng chống vận chuyển, đốt pháo đã được thực hiện xuyên suốt trong cả năm. Chính vì vậy số lượng pháo đốt không nhiều bằng các năm trước, nhưng số lượng trường hợp vi phạm bị bắt lại nhiều hơn so với các năm", lãnh đạo này nói.

Từ đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã bắt được nhiều vụ vận chuyển pháo hoa qua cửa khẩu. Từ đó, Bộ Công an nhận định tình hình pháo hoa vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam diễn ra nhiều. Do đó, bộ đã quyết liệt chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ ngăn nguồn pháo từ nước ngoài vào nước ta.

Lãnh đạo cục cho hay Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Chống buôn lậu hải quan để phòng ngừa trên các tuyến biên giới, ngăn chặn pháo vận chuyển vào nội địa. Lực lượng chức năng cũng đã cố gắng ngăn chặn để hạn chế, tuy nhiên tình hình vận chuyển và đốt pháo diễn ra vẫn phức tạp.

Nói về giải pháp để chấn chỉnh tình trạng vận chuyển và đốt pháo hoa các năm tiếp theo, vị lãnh đạo cho hay lực lượng công an sẽ tiếp tục ngăn chặn pháo hoa ở nước ngoài vận chuyển vào Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chấp hành về việc cấm sản xuất, tự chế, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo hoa nổ.

Bên cạnh đó, Bộ Công an sẽ áp dụng tất cả các biện pháp nghiệp vụ xuyên suốt từ bộ đến công an cơ sở để phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng lợi dụng đường biên vận chuyển pháo vào nội địa, lợi dụng chính sách thông thoáng về nhập khẩu luồng xanh luồng vàng để đưa pháo vào nước ta. Đối với những địa phương để xảy ra tình trạng đốt pháo hoa nổ nhiều thì sẽ bị phê bình và người đứng đầu công an địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Hàng xóm đốt pháo, bé gái ở TP.HCM bị mất bàn tayHàng xóm đốt pháo, bé gái ở TP.HCM bị mất bàn tay

Nhặt một viên pháo đại rơi xuống sân sau khi nhà hàng xóm đốt pháo chiều mùng 3 Tết, bé gái 5 tuổi ở TP.HCM bị giập nát bàn tay trái, không thể khâu nối và phục hồi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên