29/03/2019 14:48 GMT+7

Tắc động mạch trung tâm võng mạc và tắc nhánh động mạch võng mạc

Nguồn: Bệnh viện Mắt Hà Nội 2
Nguồn: Bệnh viện Mắt Hà Nội 2

Bị tắc nhánh động mạch có thể còn thị lực tốt hoặc khá, nhưng nếu tắc động mạch trung tâm võng mạc thì thị lực thường giảm nặng, ngay cả khi được điều trị.

Tắc động mạch trung tâm võng mạc và tắc nhánh động mạch võng mạc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: merckmanuals.com

   Tắc động mạch trung tâm võng mạc xảy ra khi động mạch trung tâm võng mạc bị bít tắc, thường do một khối nghẽn mạch. Bệnh gây ra giảm thị lực nặng, đột ngột, ở một mắt, không đau. Chẩn đoán dựa vào hỏi bệnh và các dấu hiệu đặc trưng ở đáy mắt. Trong vòng 24 giờ đầu của bệnh, có thể làm giảm nhãn áp để loại bỏ tắc nghẽn. Nếu bệnh nhân đến trong vòng vài giờ đầu của tắc mạch, một số trung tâm đặt ống thông vào động mạch cảnh hoặc động mạch mắt và có thể tiêm thuốc làm tan huyết khối.

Nguyên nhân

Nghẽn mạch có thể do các nguyên nhân sau:

- Mảng xơ vữa động mạch.

- Viêm nội tâm mạc.

- Béo phì.

- U nhầy tâm nhĩ.

   Huyết khối là một nguyên nhân ít gặp hơn của tắc động mạch võng mạc, nhưng có thể gặp trong bệnh viêm mạch hệ thống như lupus ban đỏ hệ thống và viêm động mạch tế bào khổng lồ, đây là một nguyên nhân quan trọng của tắc động mạch, đòi hỏi phải chẩn đoán và điều trị ngay.

   Tắc mạch có thể chỉ ở một nhánh của động mạch võng mạc hoặc ở động mạch trung tâm võng mạc.

   Tân mạch ở võng mạc hoặc mống mắt kèm theo bệnh glôcôm thứ phát xảy ra ở khoảng 20% bệnh nhân trong vòng vài tuần đến vài tháng sau khi tắc mạch. Xuất huyết dịch kính có thể do tân mạch võng mạc.

Triệu chứng và dấu hiệu

   Tắc động mạch võng mạc gây ra giảm thị lực nhiều, đột ngột, không đau, hoặc mất thị trường, thường ở một mắt.

   Đồng tử có thể phản xạ kém với ánh sáng trực tiếp nhưng co nhanh khi chiếu sáng vào mắt bên kia. Trong các trường hợp cấp tính, khám thấy đáy mắt nhạt màu, trắng mờ, với vùng hoàng điểm có màu đỏ tươi (vết đỏ anh đào). Điển hình sẽ thấy các động mạch co nhỏ, thậm chí dường như không có máu. Đôi khi thấy một cục nghẽn mạch (thí dụ cục nghẽn cholesterol). Nếu chỉ bị tắc một nhánh lớn chứ không phải tắc toàn bộ động mạch thì biến đổi đáy mắt chỉ có ở vùng võng mạc đó.

   Những bệnh nhân viêm động mạch tế bào khổng lồ trên 55 tuổi có thể bị đau đầu, động mạch đau và nổi rõ, đau hàm khi nhai, mệt mỏi hoặc kết hợp các triệu chứng này.

Chẩn đoán

- Khám lâm sàng.

- Chụp ảnh màu đáy mắt và chụp mạch huỳnh quang.

   Cần nghĩ đến chẩn đoán khi bệnh nhân có giảm thị lực nặng, cấp tính, không đau. Soi đáy mắt thường xác định chẩn đoán. Chụp mạch huỳnh quang cho thấy sự thiếu cấp máu ở vùng động mạch bị tắc.

- Sau khi đã chẩn đoán, cần làm siêu âm Doppler động mạch cảnh và siêu âm tim để phát hiện nguồn gốc của cục nghẽn để phòng tránh các cục nghẽn khác sau này.

- Nếu nghi ngờ viêm động mạch tế bào khổng lồ thì cần làm ngay các xét nghiệm tốc độ lắng máu, protein phản ứng C, và số lượng tiểu cầu. Các xét nghiệm này có thể không cần thiết nếu thấy một mảng cục nghẽn ở động mạch trung tâm võng mạc.

Tiên lượng

   Những bệnh nhân bị tắc nhánh động mạch có thể còn thị lực tốt hoặc khá, nhưng nếu tắc động mạch trung tâm võng mạc thì thị lực thường giảm nặng, ngay cả khi được điều trị. Khi có nhồi máu võng mạc (xảy ra nhanh tới 90 phút sau khi tắc) thì thị lực sẽ mất vĩnh viễn.

   Nếu viêm động mạch tế bào khổng lồ được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì thường giữ được thị lực mắt chưa bị bệnh và có thể phục hồi một phần thị lực ở mắt bị bệnh.

Điều trị

   Điều trị ngay lập tức nếu xảy ra tắc trong vòng 24 giờ trước khi đến khám. Giảm nhãn áp bằng thuốc hạ nhãn áp (thí dụ, timolol 0.5% nhỏ mắt, acetazolamide 500 mg tiêm tĩnh mạch hoặc uống), dùng ngón tay day nắn trên mi mắt nhắm, hoặc chọc hút tiền phòng có thể giải phóng cục nghẽn và cho phép nó đi vào một nhánh động mạch nhỏ hơn, do đó làm thu hẹp vùng thiếu máu cục bộ võng mạc. Một số cơ sở dùng thuốc tiêu huyết khối tiêm vào động mạch cảnh để hòa tan cục máu đông. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị tắc động mạch võng mạc ít khi cải thiện thị lực. Cắt huyết khối bằng phẫu thuật hoặc laser không phổ biến. Các phương pháp điều trị này đôi khi có tác dụng ở một số ít bệnh nhân, nhưng không có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của nó.


Nguồn: Bệnh viện Mắt Hà Nội 2
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên